Nông nghiệp hiện đại không còn đơn thuần là ngành sản xuất thực phẩm và nguyên liệu, mà đã trở thành một trong những nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất, góp phần không nhỏ vào tình trạng biến đổi khí hậu toàn cầu. Theo Tổ chức Nông Lương Liên hợp quốc (FAO), ngành này chiếm khoảng 24% tổng lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, chủ yếu từ chăn nuôi, sử dụng phân bón hóa học và thay đổi mục đích sử dụng đất.
Trong bối cảnh đó, trồng rừng nổi lên như một giải pháp được kỳ vọng là một trong những chiến lược chủ lực để giảm phát thải khí nhà kính và đối phó với biến đổi khí hậu. Tuy nhiên, nếu thực hiện thiếu khoa học và không kiểm soát được rủi ro, chính cánh rừng ấy có thể trở thành nguồn phát thải khổng lồ, thậm chí gây ra thảm họa.
Một ví dụ điển hình là Hàn Quốc, quốc gia từng được ca ngợi vì các chương trình phủ xanh bằng rừng sau chiến tranh. Nhưng mới đây, tháng 3/2025, Hàn Quốc phải gánh chịu trận cháy rừng tồi tệ nhất trong lịch sử.
Từ ngày 22/3, hơn 20 đám cháy bùng phát đồng loạt tại các tỉnh như Gyeongsang Bắc, Ulsan, Jeollanam-do và Gangneung. Gió mạnh và thời tiết khô hanh đã khiến lửa lan nhanh với tốc độ khủng khiếp.
Tại tỉnh Gyeongsang Bắc, ngọn lửa thiêu rụi gần 48.000ha rừng, khiến ít nhất 26 người thiệt mạng, 78 người bị thương, hàng chục nghìn người phải sơ tán; hơn 4.000 ngôi nhà cùng công trình bị phá hủy, trong đó có ngôi chùa Goun, di sản 1.000 năm tuổi được UNESCO công nhận. Có hơn 50 trực thăng, 1.473 lính cứu hỏa và 213 xe chữa cháy đã được huy động nhưng bất lực trước thảm họa.
Tuy đám cháy được khống chế phần lớn vào ngày 30/3, nhưng cảnh báo vẫn duy trì, do lửa dễ tái phát trong điều kiện thời tiết bất lợi. Một người đàn ông bị bắt giữ do nghi ngờ liên quan đến vụ cháy, song cảnh sát cho biết còn đang xác minh.
Những vụ việc như vậy cho thấy, việc trồng rừng nếu không đi kèm quản lý rủi ro, đặc biệt là cháy rừng sẽ là “con dao hai lưỡi”. Các nghiên cứu của Graziano cùng cộng sự vào năm 2019 từng cảnh báo, trồng rừng dày đặc, đặc biệt với những loài cây dễ bắt lửa như thông, có thể tạo ra môi trường “bom nổ chậm”, là cái bẫy được gài sẵn khi mùa khô đến. Khi không được cắt tỉa định kỳ và không có khoảng trống giữa các tán cây, hệ sinh thái này dễ phát hỏa, gây thiệt hại lớn về môi trường và con người.
Cần tham khảo và hành động ngay
Việt Nam đang theo đuổi các mục tiêu phát triển xanh, với nỗ lực trồng mới và phục hồi hàng triệu hecta rừng. Tính đến cuối năm 2023, diện tích rừng của Việt Nam đạt trên 14 triệu 860 ngàn ha, với rừng tự nhiên chiếm gần 10 triệu 130 ngàn ha và rừng trồng là hơn 4 triệu 730 ngàn ha, tỷ lệ che phủ rừng toàn quốc đạt 42,02%.
Mặc dù diện tích rừng tăng nhẹ so với năm 2020, nhưng công tác bảo vệ và phát triển rừng vẫn còn là điểm nghẽn chính cần đối mặt, với nhiều thách thức không hề nhỏ. Bên cạnh đó, tình trạng khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản trái phép và phá rừng, lấn chiếm đất rừng vẫn diễn biến phức tạp, đặc biệt ở các địa phương có dân di cư tự do.
Nhưng bài học từ Hàn Quốc cho thấy, nếu không có kế hoạch quản lý rừng bền vững, những cánh rừng trồng mới có thể trở thành nguồn phát thải lớn hơn cả ngành năng lượng, khi chúng bị cháy. Điều này nhấn mạnh sự cần thiết của một chiến lược toàn diện trong quản lý rừng, không chỉ là tăng diện tích mà còn phải chú trọng đến tính bền vững của hệ sinh thái rừng.
Cần quy hoạch rừng một cách khoa học và có hệ thống
Để hạn chế những rủi ro này, Việt Nam cần quy hoạch rừng một cách khoa học và phân vùng các khu vực có nguy cơ cháy cao để có biện pháp chủ động phòng ngừa. Việc trồng rừng phải đi đôi với nghiên cứu kỹ lưỡng về thổ nhưỡng, khí hậu, loài cây phù hợp, đồng thời kiểm soát mật độ và khoảng cách cây trồng. Các giống cây phải được lựa chọn cẩn thận, phù hợp với đặc điểm địa phương để tránh các loài dễ bắt lửa.
Việt Nam cần triển khai các chiến lược quản lý rừng chủ động như cắt tỉa định kỳ, mở các vành đai chống cháy, trồng cây ít bắt lửa ở vùng giáp ranh. Các mô hình nông lâm kết hợp (agroforestry) cũng cần được đẩy mạnh để giảm mật độ rừng thuần loại, đa dạng hóa hệ sinh thái, giảm nguy cơ cháy lan và tăng sinh kế cho người dân sống gần rừng. Việc phát triển các mô hình này không chỉ giúp bảo vệ rừng mà còn tạo thêm cơ hội cho người dân thu nhập từ những nguồn tài nguyên rừng bền vững.
Ứng dụng công nghệ và nâng cao nhận thức cộng đồng
Bên cạnh đó, việc ứng dụng công nghệ giám sát và cảnh báo sớm như cảm biến nhiệt, ảnh vệ tinh, AI, là cần thiết để theo dõi rừng theo thời gian thực. Điều này không chỉ giúp phát hiện kịp thời các nguy cơ cháy mà còn hỗ trợ công tác quản lý rừng hiệu quả hơn, giảm thiểu thiệt hại.
Cuối cùng, nâng cao nhận thức cộng đồng về phòng cháy chữa cháy rừng và vai trò của rừng trong hấp thụ carbon là chìa khóa để có sự tham gia tích cực của toàn xã hội. Các chiến dịch truyền thông, giáo dục cộng đồng về bảo vệ rừng và phòng chống cháy rừng cần được triển khai mạnh mẽ hơn nữa, đặc biệt ở các khu vực có nguy cơ cao.
Trồng rừng là trách nhiệm, nhưng trồng rừng đúng cách mới là phát triển bền vững. Phủ xanh không có nghĩa là an toàn khí hậu nếu chúng ta quên rằng, cây có thể hấp thụ carbon, nhưng cũng có thể thải ra carbon khi chúng cháy.
Bước đi đúng đắn để bảo vệ tương lai
Cho nên, quy hoạch rừng phải đi trước một bước, lựa chọn giống cây phù hợp với địa hình, khí hậu và thổ nhưỡng địa phương. Trồng rừng và nguy cơ cháy rừng là một mối liên hệ không thể tách rời, cần nhận thức đúng. Nếu không có cái nhìn tổng thể và hành động kịp thời, trồng rừng thay vì là giải pháp có thể trở thành hiểm họa mới cho môi trường, và Việt Nam không được phép bước vào vết xe đổ của những quốc gia đi trước.
Việt Nam cần nhìn nhận vấn đề này một cách toàn diện, vừa là cơ hội, vừa là thách thức, để không chỉ thực hiện mục tiêu phát triển rừng mà còn bảo vệ sự phát triển bền vững cho thế hệ mai sau.