| Hotline: 0983.970.780

‘Trẻ hóa’ công trình thủy lợi: [Bài 1] Mười năm sửa chữa 80 hồ chứa

Thứ Năm 08/05/2025 , 14:11 (GMT+7)

Bình Định Hầu hết các hồ, đập ở Bình Định đều được xây dựng từ sau năm 1975. Gần 50 năm vận hành, nằm phơi mình dưới mưa nắng, hầu hết công trình đã rệu rã.

Hầu hết hồ chứa nước đã “già nua”

Sau ngày miền Nam được hoàn toàn giải phóng, thống nhất đất nước, người dân rời bỏ quê hương tránh bom đạn chiến tranh lục đục quay về dựng lại nhà cửa, dọn dẹp đồng ruộng để canh tác, làm ăn, xây dựng cuộc đời mới.

Cống của hồ Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) trước khi được sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Cống của hồ Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) trước khi được sửa chữa, nâng cấp. Ảnh: V.Đ.T.

Khi ấy, chính quyền tỉnh Bình Định nhận thấy việc xây dựng các hồ thủy lợi để tích nước, phục vụ cho sản xuất nông nghiệp là cấp thiết. Thế là khắp nơi rộ lên phong trào vận động ngày công của người dân, cùng với sự hỗ trợ của Trung ương, Bình Định bắt tay vào công cuộc xây dựng hệ thống thủy lợi với hình thức nhà nước và nhân dân cùng làm.

Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, khi ấy, các phương tiện dùng để thi công hồ như máy đào, máy múc rất thiếu thốn, vật tư thi công cũng “nghèo nàn”, nên hầu hết các công trình đều được xây dựng bằng đất và bằng phương pháp thủ công.

Do thi công “chạy đua” với thời gian để nhanh đưa công trình thủy lợi vào sử dụng phục vụ sản xuất nông nghiệp, cải thiện năng suất lúa nhằm đảm bảo an ninh lương thực, nên công trình không được bền vững, dễ bị xuống cấp do tác động của thiên tai.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định cho biết thêm: Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, hệ thống thủy lợi ở Bình Định hầu như không có gì ngoài những đập dâng trên sông, mà toàn là đập bổi chứ không được xây dựng kiên cố.

Do chưa có hồ chứa nước nên nếu sông khô cạn thì những con đập không có nước để dâng lên tưới cho cây trồng. Do đó, thời điểm ấy chính quyền tỉnh Bình Định tập trung xây dựng hồ chứa để trữ nước trong mùa mưa, đến mùa khô xả ra tưới cho đồng ruộng.

Hồ Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) đến nay đã được sửa chữa lớn lần thứ 3. Ảnh: V.Đ.T.

Hồ Núi Một (thị xã An Nhơn, Bình Định) đến nay đã được sửa chữa lớn lần thứ 3. Ảnh: V.Đ.T.

Cũng theo ông Chương, do địa hình của tỉnh Bình Định chia cắt rất mạnh, lưu vực nhỏ, nên khi ấy Bình Định chủ yếu xây dựng những hồ chứa nhỏ, mỗi hồ có dung tích chứa chỉ từ 1,5 - 10 triệu m3 để phục vụ sản xuất nông nghiệp của các địa phương.

Đến cuối thập niên 70 (thế kỷ 20) Bình Định mới xây dựng được hồ chứa lớn đầu tiên là hồ Núi Một ở xã Nhơn Tân (thị xã An Nhơn, Bình Định) cũng với phương thức nhà nước và nhân dân cùng làm. Ban đầu, dung tích chứa của hồ Núi Một chỉ có 90 triệu m3, sau đó mới được nâng lên 110 triệu m3.

“Các công trình hồ chứa hầu hết nằm trên các địa bàn vùng cao, lại nằm phơi mình dưới mưa dưới nắng, nên sau 40-50 năm khai thác, giờ hầu hết đã rệu rã, xuống cấp nghiêm trọng”, ông Hồ Đắc Chương cho biết.

Kiên cố hóa để an toàn hồ chứa

Theo ông Nguyễn Văn Tánh, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, hư hỏng của những công trình thủy lợi khó nhận biết bằng mắt thường, trong mùa nắng trông nó bình thường là vậy, nhưng khi vào mùa mưa lũ, những chỗ bị thẩm lậu sẽ xuất hiện dòng nước thấm có màu đục, nếu không khắc phục kịp thời sẽ dẫn tới sự cố đáng tiếc, hệ lụy sẽ không thể lường hết. Nếu để xảy ra sự cố lớn, sự an toàn của người dân sống dưới hạ du sẽ bị đe dọa. Do đó, từ năm 2016 đến nay, Bình Định đã nỗ lực sửa chữa khoảng 80 hồ chứa hư hỏng.

Sửa chữa đập đất hồ chứa nước Mỹ Thuận nằm trên địa bàn xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Sửa chữa đập đất hồ chứa nước Mỹ Thuận nằm trên địa bàn xã Cát Hưng (huyện Phù Cát, Bình Định). Ảnh: V.Đ.T.

Ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định, cho biết thêm: “Hằng năm, vào mùa khô, ngành chức năng kiểm tra, đánh giá một lượt các hồ chứa. Những hồ nào hư hỏng nghiêm trọng, nguy cơ xảy ra sự cố trong mùa mưa lũ cần phải sửa chữa thì đưa vào kế hoạch. Đến khi tỉnh có kinh phí thì tiến hành sửa chữa những hồ nhỏ, những công trình lớn thì xin Trung ương hỗ trợ. Có những hồ đã sửa chữa lớn đến lần thứ 3 như hồ Núi Một.

“Hoặc như hồ Long Mỹ trước đây bị thấm nghiêm trọng, ngành chức năng phải thiết kế tường nghiêng chân khay phía trước, cắm sâu xuống đến đá gốc. Tường nghiêng bằng đất sét nên tiêu tốn khá nhiều kinh phí. Giai đoạn 2025-2030 tới đây, Bình Định lên kế hoạch tiếp tục sửa chữa thêm 15 hồ chứa hiện đã bắt đầu xuống cấp trầm trọng”, ông Hồ Đắc Chương chia sẻ.

“Các hồ chứa sau khi nâng cấp được trang bị thiết bị quan trắc để đảm bảo an toàn hồ chứa, cải thiện các công năng thiết kế và điều kiện vận hành của đập. Đồng thời, giảm thiểu nguy cơ vỡ đập, bảo vệ người và tài sản ở hạ lưu công trình; đồng thời đảm bảo cấp nước tưới ổn định lâu dài cho đất sản xuất nông nghiệp. Đặc biệt là các hộ dân sống phía hạ lưu các hồ chứa đã ăn ngon ngủ yên vì không còn lo hồ xảy ra sự cố”, ông Hồ Đắc Chương, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Bình Định.

Xem thêm
HĐND TP. Hà Nội ban hành nghị quyết sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã

HĐND TP. Hà Nội đã ban hành nghị quyết về việc sắp xếp đơn vị hành chính cấp xã của thành phố, tại kỳ họp thứ 22, HĐND Thành phố.

Rừng Cần Giờ - Nửa thế kỷ hồi sinh

Ngồi trên chiếc ca nô của lực lượng kiểm lâm, lướt trên sông Lòng Tàu mềm như dải lụa, len lỏi giữa những cánh rừng ngập mặn, tôi thầm thốt lên: 'Đúng là kỳ tích'.