Thuyền cổ khả năng có niên đại khoảng thời Lý và thời Trần
Tháng 1/2025, trong quá trình cải tạo đất nuôi cá tại xứ đồng Cửa Nghè, khu phố Công Hà, phường Hà Mãn, thị xã Thuận Thành (tỉnh Bắc Ninh), ông Nguyễn Văn Chiến bất ngờ phát hiện dấu tích của hai con thuyền cổ nằm sâu khoảng 2 mét dưới lớp đất canh tác. Ngay khi nhận được thông tin, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã phối hợp với Viện Khảo cổ học tiến hành khảo sát, đánh giá hiện trạng và triển khai khai quật khẩn cấp.

Hai con thuyền cổ phát hiện ở tỉnh Bắc Ninh có thể có từ thời Lý – Trần.
Kết quả khảo sát ban đầu cho thấy, hai con thuyền cổ này nằm song song, theo trục Đông – Tây, cách nhau khoảng 2,3 mét. Đáng chú ý, một thanh gỗ lớn xuất lộ ở phía Đông, kết nối hai đầu thuyền, gợi ý về một kết cấu thuyền hai thân (catamaran) với phương thức cố định đặc biệt, đây là dấu vết nằm ngay trên dòng chảy cổ của sông Dâu, dòng sông gắn bó mật thiết với thành cổ Luy Lâu, trung tâm chính trị và giao thương quan trọng suốt các triều đại Lý – Trần.
Sau khi khai quật toàn bộ di tích, giới nghiên cứu xác định đây là hai khối thân thuyền còn nguyên vẹn với chiều dài từ 16,10 m đến 16,25 m, rộng khoảng 2,20 m, lòng khoang sâu tối đa 2,15 m. Phần kết cấu thượng tầng (khoang lái, mái che, ván lót) có thể đã bị mất hoặc tháo rời từ xa xưa, chỉ còn lại phần thân chiếm nước – phần luôn ngập dưới lòng sông khi con thuyền còn sử dụng.
Các nhà khoa học đều thống nhất, niên đại cụ thể sẽ chờ đợi kết quả phân tích C14, nhưng căn cứ vào kỹ thuật cho thấy, loại hình thuyền này thường có niên đại sớm và có thể được đóng tại Việt Nam, là sự phát triển tiếp nối của kỹ thuật đóng thuyền thời văn hoá Đông Sơn thông qua việc so sánh phần đáy của 2 thân với kết cấu độc mộc (được làm từ một thân cây) và kỹ thuật mộng ghép.
Căn cứ trên các tài liệu thuyền của Trung Quốc và thế giới, có ý kiến cho rằng, thuyền có niên đại trong khoảng từ thế kỷ 11 đến thế kỷ 14 (thời Lý và thời Trần), không thể muộn hơn thế kỷ 15, và có ảnh hưởng kỹ thuật từ phía Nam lên.
Cả hai thuyền đều không sử dụng kim loại trong bất kỳ liên kết nào. Thay vào đó, thuyền được đóng hoàn toàn bằng gỗ, kết nối bằng kỹ thuật mộng lỗ mộng, kết hợp với nêm chèn gỗ và chốt khóa một kỹ thuật cơ khí tiền công nghiệp có độ chính xác cao và khả năng chống vặn xoắn, biến dạng cực tốt. Đặc biệt, khối liên kết giữa phần độc mộc ở đáy và phần ván bửng nhô lên ở mũi và đuôi thuyền là cấu trúc chưa từng thấy ở bất kỳ mẫu tàu cổ nào trên thế giới.
Phương thức “liên kết thân kép” tức hai thân thuyền độc lập được ghép cố định bằng dầm gỗ ngang là đặc điểm cấu tạo rất gần với catamaran hiện đại, giúp thuyền ổn định khi đi trên sông và có thể chở hàng nặng. Tính đến thời điểm hiện tại, đây là phát hiện đầu tiên về cấu trúc thuyền hai thân trong khảo cổ học Việt Nam, thậm chí có thể là duy nhất trong khu vực Đông Nam Á.
Di sản sống động của một nền văn minh sông nước cần được gìn giữ
Hai con thuyền cổ không chỉ là hiện vật khảo cổ học đơn lẻ, mà còn là mảnh ghép quý giá trong việc phục dựng đời sống kinh tế, xã hội và tín ngưỡng của cư dân cổ vùng châu thổ Bắc Bộ. Với kích thước lớn, khả năng chịu tải cao và kỹ thuật đóng thuyền công phu, chúng nhiều khả năng từng được sử dụng trong vận tải hàng hóa quy mô lớn, có thể phục vụ lễ nghi tôn giáo, hoặc trong giao thương đường thủy khu vực.

Cần bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa.
Trước giá trị đặc biệt của phát hiện này, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Ninh đã lập tức triển khai phương án bảo tồn khẩn cấp tại chỗ. Các biện pháp bao gồm: che phủ bằng vải địa kỹ thuật; cố định bằng đất, cát và gỗ tương đồng môi trường; lấp dần theo từng lớp để tránh tác động vi sinh vật và bảo vệ cấu trúc gỗ. Song song, địa phương đang phối hợp cùng các viện nghiên cứu đề xuất các giải pháp trưng bày, diễn giải bằng công nghệ 3D, phục dựng mô hình tỷ lệ nhỏ, tổ chức tour du lịch khảo cổ – văn hóa, tái hiện lễ hội đường thủy cổ.
Hai con thuyền cổ tại Bắc Ninh là bằng chứng sống động của một truyền thống kỹ thuật thủ công bản địa từng phát triển rực rỡ, là chìa khóa mở ra những hiểu biết mới về lịch sử hàng hải và văn minh sông nước Việt cổ. Đây không chỉ là đóng góp quan trọng cho khảo cổ học Việt Nam, mà còn có ý nghĩa quốc tế, đủ điều kiện để được đưa vào hồ sơ di sản cấp quốc gia, thậm chí có thể tiến tới đề xuất bảo vệ cấp khu vực.
Bảo tồn di tích không chỉ là trách nhiệm của ngành văn hóa, mà còn là cơ hội để kết nối quá khứ với hiện tại, xây dựng một tương lai phát triển gắn liền với bản sắc dân tộc và tri thức truyền thống. Di sản càng độc đáo, càng cần được gìn giữ và phát huy đúng tầm.