Bộ Công Thương vừa ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Chỉ thị 18/CT-TTg của Thủ tướng về thúc đẩy xúc tiến thương mại toàn diện trong và ngoài nước.
Điểm nhấn của kế hoạch là việc xác định rõ các thị trường ngách, bao gồm Halal, Trung Đông và Mỹ Latinh. Động thái này được xem là bước chuyển hướng quan trọng, thể hiện nỗ lực chủ động thích ứng với biến động toàn cầu và nâng cao khả năng cạnh tranh cho hàng Việt.

Thị trường Halal được cho là còn nhiều dư địa tăng trưởng với hàng hóa Việt Nam. Ảnh minh họa.
Theo Bộ Công Thương, mở rộng hoạt động xúc tiến sang các thị trường ngách là giải pháp nhằm giảm phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc, vốn đang đối mặt với nhiều rào cản kỹ thuật mới và biến động địa chính trị phức tạp.
Ngược lại, các khu vực Halal và Mỹ Latinh hiện có nhu cầu nhập khẩu cao, dư địa tăng trưởng lớn và thiếu hụt nguồn cung ổn định từ châu Á. Đặc biệt, một số phân khúc hàng hóa như nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng xanh và thiết bị công nghiệp nhẹ được đánh giá là có nhiều cơ hội thâm nhập.
Trong năm 2025, các chương trình xúc tiến thương mại sẽ được ưu tiên triển khai tại những quốc gia có tiềm năng cao nhưng mức độ cạnh tranh thấp, như Ả Rập Xê-út, UAE, Ai Cập - những thị trường có yêu cầu nghiêm ngặt về tiêu chuẩn Halal, bên cạnh các nước Mỹ Latinh như Brazil, Argentina và Mexico - nơi Việt Nam đã và đang đàm phán, ký kết hiệp định thương mại tự do.
Bộ Công Thương xác định, đây là chiến lược dài hạn nhằm đưa hàng Việt tiếp cận những thị trường có rào cản kỹ thuật cao nhưng ít chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các đối thủ quen thuộc như Trung Quốc, Thái Lan hay Ấn Độ.
Bên cạnh việc mở rộng địa lý thị trường, tư duy xúc tiến thương mại cũng được điều chỉnh, từ bị động sang chủ động, từ xúc tiến đơn lẻ sang xúc tiến theo chuỗi giá trị. Cục Xúc tiến thương mại được giao nhiệm vụ tham gia sâu hơn vào chuỗi cung ứng quốc tế, các diễn đàn chuyên ngành, hội chợ thương mại lớn và tận dụng mạng lưới thương vụ, đại sứ quán, hiệp hội ngành hàng để kết nối hiệu quả hơn.
Trong định hướng mới, những ngành hàng có lợi thế như nông sản, thực phẩm chế biến, hàng tiêu dùng xanh, linh kiện điện tử và thiết bị công nghiệp phụ trợ sẽ được xây dựng hồ sơ sản phẩm phù hợp với từng thị trường mục tiêu. Việc nghiên cứu thị trường, phân tích nhu cầu nhập khẩu và tiêu chuẩn kỹ thuật cũng được lồng ghép vào các hoạt động xúc tiến để tăng tính trúng đích.
Đặc biệt, với các thị trường yêu cầu tiêu chuẩn Halal, kế hoạch nhấn mạnh tới việc chuẩn hóa quy trình cấp chứng chỉ, đào tạo doanh nghiệp trong xây dựng thương hiệu và truyền thông sản phẩm.
Bộ Công Thương cam kết phối hợp với các tổ chức quốc tế và đối tác song phương hỗ trợ chuyển giao kỹ thuật, kết nối với các nhà nhập khẩu Halal tại Trung Đông, Đông Nam Á và châu Phi - những khu vực đang tăng mạnh nhu cầu tiêu dùng hàng thực phẩm đạt chứng nhận Halal.
Cùng với xúc tiến truyền thống, thương mại điện tử xuyên biên giới cũng trở thành một trụ cột mới trong kế hoạch hành động. Bộ Công Thương sẽ triển khai gian hàng Việt Nam trên các nền tảng thương mại số, ngoài những thị trường quen thuộc như Hoa Kỳ, Nhật Bản và EU, sẽ mở rộng thử nghiệm tại các nền tảng bản địa ở Mỹ Latinh và Trung Đông.
Kế hoạch của Bộ còn chú trọng phát triển thị trường nội địa thông qua các chương trình như “Đưa hàng Việt về nông thôn”, hội chợ tại vùng sâu vùng xa, kết nối tiêu thụ tại khu công nghiệp, khu chế xuất. Theo Bộ Công Thương, trong bối cảnh sức mua nội địa còn nhiều dư địa, việc củng cố thị phần trong nước là giải pháp bổ trợ quan trọng giúp doanh nghiệp duy trì sản xuất ổn định và tăng khả năng chống chịu khi thị trường quốc tế biến động.
Toàn bộ kế hoạch hành động được xây dựng theo định hướng lồng ghép với chiến lược chuyển đổi xanh và chuyển đổi số, phù hợp với các cam kết thương mại tự do như CPTPP, EVFTA, RCEP. Đồng thời, việc đón đầu các xu hướng tiêu dùng bền vững, logistics thông minh và tiêu chuẩn kỹ thuật mới cũng được lồng ghép trong từng nhóm giải pháp.