Giữa lòng Hà Nội phồn hoa, có một căn gác cũ, nơi từng là chốn đi về của một người làm báo lặng thầm -nhà báo, kỹ sư Hoàng Văn Đức - người chủ bút đầu tiên của tờ Tấc Đất, tờ báo vinh hạnh được Bác Hồ đặt tên.
Chúng tôi, những người thuộc thế hệ hôm nay của Báo Tấc Đất được tháp tùng Ban Biên tập bước lên cầu thang ấy vào một buổi sáng đầy lắng đọng.
Căn gác cũ trên tầng hai lọt thỏm trong con ngõ 39 Tràng Tiền sầm uất. Cầu thang gỗ đã cũ và bức tường loang màu thời gian. Ít ai biết đây từng là nơi khởi nguồn cho những bài báo đầu tiên của tờ Tấc Đất ra đời. Trong hành trình cách mạng của dân tộc, tờ báo của ngành nông nghiệp không chỉ là nhịp cầu kết nối tri thức nhà nông mà còn là nơi ươm mầm lý tưởng cho những người nông dân đứng lên tham gia vào hàng ngũ cách mạng, tự “mang sức ta mà giải phóng cho ta”.

Tổng Biên tập Nguyễn Ngọc Thạch trước các bức ảnh kỷ niệm của gia đình cụ Hoàng Văn Đức. Ảnh: Hồng Trường.
Tổng Biên tập Báo Nông nghiệp và Môi trường Nguyễn Ngọc Thạch kính cẩn thắp nén tâm hương lên ban thờ nhà báo, kỹ sư Hoàng Văn Đức. Không lời phát biểu, chỉ ánh mắt xúc động, cái cúi đầu tĩnh lặng trong sự thành kính tri ân. Khói nhang thơm lặng lẽ tỏa trong không gian. Trong không gian linh thiêng, sợi dây ký ức hiển hiện, những bước chân thầm lặng của một thế hệ làm báo năm xưa chợt vọng về.
Người con trai cả của nhà báo, kỹ sư Hoàng Văn Đức - ông Hoàng Hòa Bình đứng lặng bên bàn thờ cha. Một hồi lâu, ông nghẹn giọng: “Rất lâu, chúng tôi không hề biết cha mình làm gì, giữ chức vụ gì. Ông sống rất lặng lẽ, chưa một lần kể về công việc hay những gì ông đã trải qua. Chỉ sau này, khi có người tri kỷ của cha tìm về, chúng tôi mới biết cha đã từng là người đầu tiên đặt nền móng cho tờ báo mà cả đời ông lặng lẽ cống hiến”.

Lãnh đạo Báo Nông nghiệp và Môi trường trò chuyện cùng các con của cụ Hoàng Văn Đức. Ảnh: Hồng Trường.
Sau nén tâm hương tri ân, các đồng chí trong Ban Biên tập cùng những người con của ông ngồi lại bên chiếc bàn gỗ nhỏ, ngắm những bức ảnh cũ. Bên cạnh tấm ảnh ông cùng gia đình quây quần trong một buổi chiều Hà Nội là bức ảnh quý giá chụp ông trong đoàn đại biểu Việt Nam tại Hội nghị Fontainebleau (1946). Có những đường nét đã nhòa mờ màu thời gian…
“Cha tôi là người cả đời theo nghiệp viết nhưng ông chưa bao giờ nói về bản thân mình” - bà Hoàng Trâm Hương - người con gái út của kỹ sư Hoàng Văn Đức thì thầm, tay run run vuốt mép khung ảnh.
Tờ Tấc Đất ra đời năm 1945 - tờ báo mang cái tên mộc mạc đã đặt nền móng khởi đầu cho hành trình báo chí nông nghiệp Việt Nam, mang theo bao kỳ vọng về một nền báo chí của người cày, vì người cày, vì giấc mơ “người cày có ruộng” và người dân có bát cơm trắng để ăn.
Nhưng người viết trang đầu tiên, người gánh trên vai trách nhiệm chủ bút đầu tiên, lại chọn lặng im suốt cuộc đời. “Có lẽ cha tin rằng, điều quan trọng không phải là mình đã làm gì, mà là điều mình viết ra có giúp ích được gì cho người dân hay không”, bà Hoàng Trâm Hương rưng rưng chia sẻ.

Con gái cụ Hoàng Văn Đức giới thiệu bức ảnh chân dung của bố mẹ thời trẻ. Ảnh: Hồng Trường.
Chúng tôi tạm biệt căn gác nhỏ trở về Tòa soạn Báo Nông nghiệp và Môi trường - tờ báo đã gần 80 năm đồng hành với người nông dân, từ những ngày đầu mang tên Tấc Đất đến Nông nghiệp Việt Nam và giờ đây là Báo Nông nghiệp và Môi trường.
Trên đường về, tôi ngoái lại nhìn con ngõ nhỏ Tràng Tiền, nơi có căn gác như một nốt trầm trong bản nhạc thời gian. Giữa phố xá tấp nập, nơi ấy dường như vẫn vẹn nguyên hơi thở của một thời báo chí tận hiến, không danh, không cầu, không ồn ào. Trong tôi dường như vẫn còn vọng lại tiếng gõ của chiếc máy chữ, mùi giấy in cũ, và mùi nhang thơm trong một buổi sáng mùa hè.
Lịch sử có thể mờ đi trên bia đá, nhưng sẽ luôn sống mãi trong lòng những người biết nhớ, biết tìm về - như cách chúng tôi đã tìm lại một phần cội rễ của chính mình.