Mô hình nuôi heo cao tầng đầu tiên tại Việt Nam
Theo chủ trương được tỉnh Tây Ninh chấp thuận, tổ hợp chăn nuôi heo của BAF sẽ bao gồm bốn dự án: Hai dự án trang trại nuôi heo nhà cao tầng công nghệ lọc khí - khử mùi Tây Ninh 1 và 2; dự án Nhà máy sản xuất thức ăn chăn nuôi gia súc; và Nhà máy giết mổ và chế biến thực phẩm từ thịt heo.
Ông Nguyễn Văn Minh, Phó Tổng Giám đốc BAF cho biết, dự án tại Tây Ninh được xây dựng tại Tân Châu, có quy mô 64.000 heo nái sinh sản, cho ra khoảng 1,6 triệu heo thương phẩm mỗi năm. Sau khi được cấp phép bởi cơ quan có thẩm quyền, BAF đã chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực để triển khai. Dự án dự kiến sẽ khởi công vào cuối 2025 hoặc đầu năm 2026 và đưa vào vận hành trang trại đầu tiên sau 10 - 12 tháng thi công. Nếu đưa vào vận hành đúng tiến độ thì BAF sẽ là một trong những doanh nghiệp đầu tiên sở hữu mô hình nuôi heo độc đáo này tại Việt Nam.

Minh họa mô hình tổ hợp chăn nuôi heo thông minh mà BAF sẽ triển khai.
Trước đó vào tháng 9/2024, BAF đã ký kết chiến lược với Tập đoàn Chăn nuôi - Thực phẩm Muyuan, một doanh nghiệp chăn nuôi hàng đầu thế giới và dày dặn kinh nghiệm đối với việc phát triển mô hình trại chăn nuôi nhiều tầng tích hợp công nghệ hiện đại. Đây cũng là bước khởi đầu cho kế hoạch mở rộng quy mô chăn nuôi nhanh nhưng vẫn đảm bảo các yếu tố an toàn sinh học, tối ưu các nguồn lực về đất đai, nhân công và bảo vệ môi trường của BAF; được cụ thể hóa bằng đề xuất xây dựng tổ hợp trại nuôi heo thông minh và nhận chuyển giao công nghệ từ Muyuan.
Đại diện Muyuan đã từng chia sẻ, mỗi tầng trong mô hình “chung cư nuôi heo” đều có công dụng riêng, trong đó tầng 5 và 6 được dùng để nuôi heo nái; tầng 3 và 4 dành cho heo mới đẻ và heo cai sữa; 2 tầng dưới cùng là nuôi heo thịt.
Đầu tháng 6/2025, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cũng đã có buổi làm việc với Cục Chăn nuôi và Thú y (Bộ Nông nghiệp và Môi trường) cùng các bên liên quan về đề xuất thí điểm mô hình chăn nuôi lợn nhiều tầng thông minh. Mô hình được Cục Chăn nuôi và Thú y đánh giá là phù hợp với chủ trương của Nhà nước về thúc đẩy nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao khoa học - công nghệ, được quy định dựa trên các cơ sở pháp lý như Luật Chăn nuôi, Nghị quyết số 57-NQ/TW…
Tăng hiệu quả 5 - 8 lần so với mô hình truyền thống
Chi phí đầu tư ban đầu cho tổ hợp trang trại thông minh dự kiến hơn 12.000 tỷ đồng, cao hơn các mô hình hiện nay 40 - 50%. Tuy nhiên, việc áp dụng trang trại thông minh theo mô hình tổ hợp nhiều tầng theo BAF,sẽ giải quyết được vấn đề về quỹ đất chăn nuôi đang ngày càng hạn hẹp.
Lấy ví dụ khảo sát thực tế từ mô hình điểm tại Trung Quốc, một trang trại chăn nuôi heo truyền thống quy mô 2,1 triệu heo cần 450 ha diện tích đất; trong khi với “chung cư nuôi heo” chỉ cần 85 ha để xây dựng. Hoặc nếu mô hình truyền thống cần 50 - 60 ha cho quy mô 4.000 - 5.000 heo nái và 100.000 - 120.000 heo thịt/năm thì mô hình mới chỉ cần 6,7 - 10 ha. Như vậy, chỉ tính riêng việc tối ưu quỹ đất đã có thể tiết kiệm 5 - 8 lần.

Mô hình thực tế đã được Muyuan triển khai thành công tại Trung Quốc.
Dự án khi đi vào vận hành thực tế cũng góp phần ứng phó với diễn biến phức tạp của dịch tả lợn Châu Phi; tăng năng suất hiệu quả chăn nuôi; bài toán về môi trường liên quan đến khử mùi, tái sử dụng nước, thực hiện kinh tế tuần hoàn thông qua giải pháp làm phân bón hữu cơ từ nguồn chất thải.
Đặc biệt, một trong số các công nghệ nổi bật mà BAF nhận chuyển giao từ tập đoàn chăn nuôi lớn của thế giới là công nghệ lọc khí đầu vào 4 tầng, với tầng 4 là lọc tinh, có thể lọc được virus nguy hiểm như PRRS, AD (giả dại), PED, ASF… Điều này hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Bộ Nông nghiệp và Môi trường khi đặc biệt quan tâm đến việc phát triển dự án trang trại chăn nuôi cần kiểm soát chặt chẽ về an toàn sinh học và bảo vệ môi trường, phát triển bền vững.
Vấn đề phúc lợi động vật và mật độ chăn nuôi cần triển khai phù hợp với từng vùng, tỉnh, đảm bảo khoảng cách hợp lý giữa các trang trại với khu dân cư và các khu vực khác.
Quản lý dịch tễ hiệu quả, đảm bảo an toàn sinh học sẽ góp phần rất quan trọng vào việc ổn định nguồn cung thịt heo cho thị trường. Bên cạnh đó, thực hành chăn nuôi công nghệ cao theo mô hình nhà tầng cũng giúp tiết kiệm chi phí nhân công từ 20 - 30% và chi phí logistic khác.
Cũng theo chia sẻ từ đại diện BAF, bên cạnh dự án vừa được tỉnh Tây Ninh chấp thuận chủ trương, BAF cũng đang nghiên cứu phát triển dự án nhà cao tầng đơn lập tại khu vực ĐBSCL, miền núi phía Bắc với diện tích 8 - 15 ha để phục vụ cung ứng thịt heo cho miền Tây và các tỉnh phía Bắc, giúp người tiêu dùng tiếp cận với nguồn thịt heo chất lượng và giá cả hợp lý.