Việt Nam hiện là 1 trong những quốc gia có giá thuốc lá rẻ nhất trên thế giới. Năm 2023, theo kết quả điều tra về giá bán lẻ thuốc lá tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh do Trường Đại học Y tế công cộng và Tổ chức HealthBridge Canada tại Việt Nam thực hiện, trên thị trường có tới 40 nhãn hiệu thuốc lá có giá bán lẻ dưới 10.000 đồng/bao 20 điếu, có một số nhãn hiệu chỉ có mức giá 7.000 đồng đến 8.000 đồng/bao. Với mức giá thuốc lá bán lẻ thấp như vậy, người có thu nhập thấp và người mới hút, kể cả trẻ em và trẻ vị thành niên đều có thể dễ dàng tiếp cận và dễ bắt đầu hút thuốc, còn những người đang hút sẽ có ít động lực để bỏ thuốc.
Nguyên nhân của giá thuốc lá rẻ là do thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá còn rất thấp. Thực tiễn cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2008 đến nay, Việt Nam cũng đã có 3 lần điều chỉnh và tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với thuốc lá vào các năm 2008 (tăng từ 55% lên 65%), 2016 (tăng từ 65% lên 70%) và 2019 (tăng từ 70% lên 75%) với mức tăng thấp từ 5-10% mỗi lần tăng. Theo đánh giá của các chuyên gia, các lần tăng thuế này đều có biên độ tăng khá nhỏ, tác động không đáng kể đến việc giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá. Tiêu dùng chỉ giảm vào năm tăng thuế rồi tăng ngay trở lại vào các năm sau đó.

ThS.BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế) cho rằng tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá thực chất là một công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng có hại. Ảnh: Lan Chi.
Để hiểu rõ hơn về vai trò của chính sách thuế, phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường đã có cuộc trao đổi với ThS.BS Phan Thị Hải - Phó Giám đốc Quỹ Phòng, chống tác hại của thuốc lá (Bộ Y tế).
Thưa bà, nhiều người vẫn nghĩ tăng thuế thuốc lá đơn thuần là biện pháp tăng thu ngân sách. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia cho rằng đây là “một khoản đầu tư cho sức khỏe cộng đồng”. Bà đánh giá thế nào về quan điểm này?
Ý kiến cho rằng tăng thuế thuốc lá là một khoản đầu tư cho sức khỏe là hoàn toàn chính xác và thông điệp này cần được lan tỏa rộng rãi hơn nữa. Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt đối với sản phẩm thuốc lá thực chất là một công cụ điều tiết hành vi tiêu dùng có hại. Khi giá thuốc lá tăng, người tiêu dùng - đặc biệt là người trẻ và người có thu nhập thấp - sẽ cân nhắc kỹ hơn khi sử dụng và cũng là động lực cho người hút thuốc có thêm quyết tâm để bỏ thuốc
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ước tính việc đánh thuế các sản phẩm thuốc lá để tăng giá bán lẻ thuốc lá lên 10%, có thể làm giảm mức tiêu thụ từ 4-5%. Đặc biệt, nhóm thanh thiếu niên nhạy cảm hơn với sự gia tăng giá thuốc lá, do đó, khi giá tăng 10%, tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm này có thể giảm tới 10% hoặc hơn. Theo ước tính của Ngân hàng Thế giới (WB), nếu thuế thuốc lá tăng 10% trên phạm vi toàn cầu sẽ giúp tăng thu thuế từ thuốc lá của các chính phủ thêm 7%.
Tăng thuế thuốc lá ở mức cao sẽ giúp giảm tiêu dùng sản phẩm có hại cho sức khỏe, giảm gánh nặng kinh tế, y tế thông qua giảm bệnh tật và tử vong sớm; góp phần giảm nghèo, khi người dân, đặc biệt là các nhóm nghèo, giảm chi tiêu cho thuốc lá và có thể sử dụng thu nhập vào các nhu cầu thiết yếu khác như giáo dục và chăm sóc sức khỏe.
Có lo ngại rằng, tăng thuế sẽ khiến người dân chuyển sang thuốc lậu hoặc thuốc rẻ tiền hơn. Quan điểm của bà về nguy cơ này như thế nào?
Kinh nghiệm các nước và qua các nghiên cứu cho thấy người tiêu dùng có xu hướng sử dụng một số nhãn thuốc lá nhất định mà thường hay gọi là “gu” hút.
Trên thị trường Việt Nam 80-90% lượng thuốc lá lậu tập trung vào 2 nhãn hiệu Jet và Hero. Hai nhãn này cũng được tiêu thụ chủ yếu tại Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ (gần 92%). Giá các sản phẩm thuốc lá lậu này thường cao hơn thuốc lá sản xuất trong nước từ 30-60%. Điều này cho thấy người tiêu dùng chọn thuốc lậu không vì lý do giá rẻ mà vì “gu” hút thuốc.

Khói thuốc lá là nguyên nhân dẫn đến nhiều bệnh. Ảnh: Nam Trần.
Hiệu quả của hoạt động kiểm soát buôn lậu phụ thuộc vào nhiều yếu tố như các chính sách phòng chống buôn lậu, khả năng kiểm soát tại biên giới, năng lực hoạt động của các cơ quan quản lý thị trường tại các địa bàn, mức độ minh bạch trong công tác chống buôn lậu của thuốc lá. Trì hoãn tăng thuế không phải là giải pháp để kiểm soát buôn lậu thuốc lá, mà ngược lại kiểm soát buôn lậu và tăng thuế thuốc lá là 2 biện pháp cần thực hiện đồng thời và bổ trợ cho nhau.
Theo bà, trong bối cảnh kinh tế hiện nay, liệu tăng thuế thuốc lá có tạo thêm gánh nặng cho người thu nhập thấp - nhóm vốn có tỷ lệ hút thuốc cao?
Báo cáo của WB năm 2019 cho thấy, phần lớn dân số và đặc biệt là người nghèo được hưởng lợi khi giá thuốc lá tăng. Kết quả nghiên cứu cho thấy việc tăng thuế đối với thuốc lá có thể làm giảm số lượng người nghèo hút thuốc ở Việt Nam, giảm gánh nặng bệnh tật, góp phần ngăn ngừa tử vong sớm do hút thuốc và giảm tình trạng bần cùng do chi phí y tế liên quan đến thuốc lá. Chính sách này giúp thúc đẩy các nhóm có thu nhập thấp giảm lượng tiêu thụ thuốc lá hoặc bỏ thuốc lá.
Người có thu nhập thấp sẽ được hưởng lợi thêm từ việc giảm hút thuốc lá thụ động, tăng năng suất của người lao động, cải thiện chất lượng cuộc sống của người hút thuốc và gia đình họ, đồng thời có khả năng đầu tư thêm nguồn thu thuế vào các chương trình xã hội và y tế, cùng những tác động tích cực khác của việc tăng thuế đối với thuốc lá.
Thưa bà, Việt Nam hiện áp dụng hình thức thuế nào với thuốc lá? Bà có khuyến nghị nào về thay đổi mô hình thuế để hiệu quả hơn?
Việt Nam đang áp dụng thuế tiêu thụ đặc biệt với mức thuế suất 75% trên giá xuất xưởng của các sản phẩm thuốc lá. Khi tính trên giá bán lẻ, thuế thuốc lá của Việt Nam chỉ chiếm 36%, thấp hơn mức trung bình của các quốc gia có thu nhập trung bình (59%) và cách xa so với khuyến cáo của WHO (75%). So với các nước ASEAN thì Việt Nam cũng ở mức thuế rất thấp, thuế tính trên giá bán lẻ thuốc lá thấp hơn nhiều quốc gia như Thái Lan (78,6%), Phillipines (71,3%) và Singapore (67,5%).
Mục tiêu cụ thể của Chiến lược Quốc gia về Phòng, chống tác hại của thuốc lá đến năm 2030 là giảm tỷ lệ sử dụng thuốc lá trong nhóm nam từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 36 %; nhóm nữ từ 15 tuổi trở lên xuống dưới 1%. Để đảm bảo đạt được mục tiêu này, Bộ Y tế và WHO khuyến nghị cần bổ sung mức thuế tuyệt đối với sản phẩm thuốc lá ở mức ít nhất 5.000 đồng/bao vào năm 2026 và tăng dần đạt 15.000 đồng/bao vào năm 2030, bên cạnh thuế tỷ lệ hiện tại là 75%.
So với phương án hiện tại trong dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt sửa đổi, phương án theo khuyến nghị của WHO và Bộ Y tế có ưu điểm vượt trội, giúp giảm tỷ lệ hút thuốc ở nam giới trưởng thành giảm xuống dưới 36% và ở nữ giới xuống dưới 1% vào năm 2030 - đạt mục tiêu chiến lược quốc gia; số người hút thuốc sẽ giảm 3,2 triệu người vào năm 2030 so với việc chỉ giảm được 2,2 triệu người hút thuốc và tăng số thu thuế thực thêm 29.000 tỷ đồng so với 18.000 tỷ đồng theo phương án hiện nay đang trình Quốc hội xem xét.
Với những lợi ích trên, Việt Nam cần tăng thuế thuốc lá mạnh mẽ để kiểm soát tiêu dùng, giảm bệnh tật và đáp ứng các mục tiêu quốc gia về kiểm soát thuốc lá và sức khỏe, cũng như cam kết đạt được các Mục tiêu SDGs liên quan đến sức khỏe. Thuế thuốc lá được cho là một biện pháp “cùng thắng”, thắng cho y tế, kinh tế và phát triển bền vững.
Trân trọng cảm ơn bà!