Nguyễn Ngọc Tư cùng các diễn giả tại một buổi ra mắt sách. (Ảnh: Xuân Thủy/VnExpress)
Trong nền văn học trung đại, cận - hiện đại, văn học kháng chiến và tiền đổi mới, có thể nhận thấy rất rõ các “đại tự sự”, chi phối chiến lược tự sự, trữ tình của chủ thể sáng tạo.
Điều đó khiến cho những “tiểu tự sự” bị dạt ra ngoại biên, trở thành các cấm kỵ trong đời sống và văn chương. Chủ nghĩa yêu nước, tinh thần dân tộc, nam quyền, thần quyền, phụ quyền, cộng đồng, đoàn thể, cái đẹp, cái cao cả, cảm hứng sử thi, lãng mạn… trở thành các chuẩn mực, các hệ giá trị có tính phổ quát cho con người ở những giai đoạn trước đổi mới.
Thân phận người phụ nữ, bình đẳng giới, nữ quyền, dân tộc thiểu số, cộng đồng LGBT (thuật ngữ dùng để chỉ chung 4 nhóm người: đồng tính nữ (Lesbian), đồng tính nam (Gay), song tính hay lưỡng tính (Bisexual) và chuyển giới tính (Transgender), tình dục, tâm linh, những tiếng nói phản tỉnh, chiến tranh và những hậu quả của nó, cái xấu, cái ác, phần bóng tối, rắn rết trong con người,… đã từng khuất lấp trong các giai đoạn trước nay có dịp trở về, cất lời, nói lên tính toàn nguyên của con người bản thể. Nữ tính, nữ quyền trong văn chương đang nỗ lực tạo lập những hệ giá trị mới nhằm hướng đến một cộng đồng nhân văn hơn.
Văn chương viết về nữ giới, mang sắc thái nữ tính hay nữ quyền đang trỗi dậy như một hệ giá trị của đời sống đương đại. Sở dĩ, sự trở lại này gây được chú ý, tạo nên những làn sóng trong sáng tác, lý luận, phê bình văn học nghệ thuật,… chính ở quá khứ bị kỳ thị và xem nhẹ của nó. Di sản tinh thần của quá khứ đã gạt bỏ người nữ ra khỏi những địa vị làm nên tri thức, giá trị, chân lý.
Văn chương cổ điển cùng với những quan niệm, định kiến của xã hội phụ quyền, nam quyền dành rất ít điều kiện để người phụ nữ đươc cất lời như một giá trị, một diễn ngôn đầy đủ tư cách bình đẳng trong cuộc sống. Sự tưởng tượng và kiến tạo nữ giới kỳ thực lại nằm ở trí tưởng, tinh thần của nam giới. Truyền thống tòng thuộc và địa vị thứ phụ đã khiến cho văn chương nữ giới, nữ tính, nữ quyền biến thành một sắc thái ngoại vi, thành một phản đề cho giá trị trung tâm.
Điểm lại những sáng tác văn học đương đại Việt Nam trên cả ba điểm hội tụ: tác giả nữ, viết về phụ nữ, tuyên xưng nữ quyền có thể điểm ra những tác phẩm của Phạm Thị Hoài, Lê Minh Khuê, Trần Thùy Mai, Y Ban, Lý Lan, Dạ Ngân, Đỗ Hoàng Diệu, Nguyễn Ngọc Tư, Vi Thùy Linh,…
Có thể nói, sự phát triển của văn học nữ (bao hàm các bộ phận như đã nêu, không chỉ là văn học viết về phụ nữ hay sáng tác của tác giả nữ) là một sự kháng cự, như TS. Trần Thiện Khanh đã nêu: tình trạng mất tiếng nói. Vấn đề của văn học nữ nằm ở chỗ, “phác đồ” nữ giới, nữ tính hay bản thân nội hàm của khái niệm này hoàn toàn được xác lập từ phía người nam.
Thậm chí, bản thân người nữ cũng trở nên quen thuộc với cái nhìn bằng đôi mắt kẻ khác. Sự tòng thuộc đôi khi đến như tự nguyện. Văn chương kim cổ vẫn nhắc đến những tác phẩm thể hiện vẻ đẹp tâm hồn, thân thể người nữ. Tuy nhiên, những “biểu thuật” ấy không truy cầu sự hiện hữu như là một giá trị, một quyền lực, mà lại như một sản phẩm để tuyên xưng, phụ họa cho nam quyền.
Nhìn lại di sản của bà chúa Thơ Nôm Hồ Xuân Hương, sự anh hùng dẫu được nhìn nhận thế nào cũng luôn bị chi phối bởi ham muốn: đổi phận. Đổi phận là sự bày tỏ yếu đuối nhất về thân phận người nữ. Ngay câu thơ: "Rắn nát mặc dầu tay kẻ nặn" cũng đã đủ để nói lên tính tòng thuộc, sự thoái lui và chấp nhận thân phận của người nữ. Như thế, ý thức nữ giới, nữ tính trong sáng tạo, kiến tạo của Hồ Xuân Hương không phải là để tranh giành địa vị, quyền lực, mà để được ân sủng, được chiếu cố: Một tháng đôi lần.
Văn chương đương đại với những cách cất tiếng như: "I am đàn bà", "Linh", "Khát", "Vili in love" hay những khao khát đầy nữ tính như: "Lửa hoàng cung", "Bóng đè", "Vu quy", "Phim đôi - tình tự chậm",… đã bày tỏ được nhiều hơn sắc thái của giới tính thứ hai, dù biết rằng, bất kỳ sự tuyên xưng, phủ bác nào đồng thời cũng là một sự thừa nhận.
Ngay cả cách gọi văn chương nữ, nữ tính, nữ quyền đã là một thất bại từ trong ý niệm. Ngay từ đầu thế kỷ XX, với những tác phẩm của Virginia Woolf (Căn phòng riêng - 1929, dịch ở Việt Nam 2009), tác phẩm của Simone de Beauvoir (Nữ giới – 1949, dịch ở Việt Nam năm 1996), gần đây là cuốn "Bí ẩn nữ tính" của Betty Friedan (1963, dịch ở Việt Nam năm 2015),… là những tiếng nói can thiệp sự bất bình đẳng về giới, nhận diện bản chất vấn đề nữ tính trong những khả năng thực thi nhân quyền.
Giải cấu trúc không gian nam quyền, góc nhìn nam quyền chính là điều kiện để người phụ nữ đặt mình vào vị thế chủ thể của lịch sử (trong tính đa chủ thể, liên chủ thể của không gian văn hóa đương đại). Tác động của văn học Việt Nam đương đại đến việc tạo nên những nhận thức mới, những hành động mới trong cộng đồng đối với vấn đề nữ tính có thể nhận thấy thông qua việc truyền thông đại chúng, các hội thảo khoa học, các diễn đàn về giới, về gia đình, các tổ chức nhân quyền ngày càng để ý hơn đến việc phát triển bình đẳng của người nữ.
Hội thảo Văn xuôi nữ trong bối cảnh văn học đương đại của Viện văn học (2012), Hội thảo: Nữ quyền – những vấn đề lý luận và thực tiễn (Đại học Sư phạm Hà Nội, 2015), các bài viết, công trình nghiên cứu về nữ tính, nữ quyền, giới nữ trong văn chương đương đại đang chứng tỏ sự trỗi dậy của sắc thái nữ như một giá trị nhân văn của xã hội.