| Hotline: 0983.970.780

Rắc rối khi chia tay chồng

Thứ Tư 03/04/2013 , 11:03 (GMT+7)

Việc ra tòa rất nhanh, cháu cũng không hiểu sao anh không bực tức, hay chán chường, hay níu kéo, cứ như là cháu sắp xếp sao cũng được. Lạ quá đúng không cô?

Ảnh minh họa
Cô kính mến!

Cháu không phải là người quá  yếu đuối đến nỗi những chuyện thuộc đời sống cá nhân lại cần đến nhà tư vấn. Nhưng thực sự việc này quá sức cháu, làm cháu mỏi mệt, đau đầu nhiều tháng quá.

Chúng cháu có cuộc hôn nhân bình thường, tức là cả hai đều có học, tìm hiểu kỹ rồi mới cưới nhau. Hiện 2 đứa con của cháu đã tự lập được phần ăn và học, không phải kèm cặp nhiều. Đứa con trai lớn đang lớp 8, con gái vào những tháng cuối cấp 1. Hai vợ chồng mỗi người một công việc, đều từ ngoài Bắc vào, bàn tay không làm nên và rồi cũng nhà cửa mặt ngõ, rộng rãi, yên tĩnh.

Cũng không biết từ bao giờ chúng cháu trở nên xa cách. Anh ấy thuộc mẫu người hiền lành nhưng lại ít cởi mở, chia sẻ. Anh làm cho một công ty tư nhân, cháu thì làm ở một cơ quan Nhà nước, hệ kinh doanh. Lúc đầu cháu nghĩ người ít nói thì sâu sắc, đàn ông mồm miệng thay tay chân thật chán.

Nhưng chồng cháu thuộc loại vô tâm vô tính, không siêng năng nhưng lù đù, ỷ lại. Cô hiểu cháu không? Hay là môi trường công việc với tư nhân ít va chạm, anh không quan hệ rộng và không có thu nhập ngoài như cháu. Nhưng những điểm khiến cháu bất ngờ là do bản tính của anh kia mà.

Gánh vác nhiều, là thu nhập chính, cháu thực sự cần một người chồng có vị trí của cháu  để cháu được ở vị trí của anh. Khi cháu đề nghị chia tay nhau, anh có bị sốc và rồi cũng chấp thuận. Anh bảo bản thân anh cũng thấy mình không với nổi vợ. Anh công nhận mình yếm thế, an phận, thụt lùi. Sự thực cháu bỏ anh không phải vì thu nhập kém, chậm chạp, dựa dẫm mà vì tổng thể, càng ngày anh càng giống đứa em trai trong nhà.

Bố mẹ hai bên vốn là bạn của nhau nên rất hoảng hốt. Cháu trấn an rằng không đứa nào ngoại tình cả, rồi ông bà sẽ biết. Việc ra tòa rất nhanh, cháu cũng không hiểu sao anh không bực tức, hay chán chường, hay níu kéo, cứ như là cháu sắp xếp sao cũng được. Lạ quá đúng không cô? Cháu cũng lạ cho mình, bỏ anh nhưng lại không căm ghét, cũng không có ai để xao động. Việc chia tài sản và con cái, chúng cháu thống nhất ở tòa, cả hai tự thỏa thuận.

Kinh tế bỗng chốc khó khăn, lương công ty anh bấp bênh, ngôi nhà chúng cháu đang ở nếu bán được cũng không đủ lo cho hai người hai nơi mới. Bố cháu từ Hà Nội vào chủ trương cắt cho anh hẳn 1 phòng tầng dưới để anh giúp cháu đưa đón các con, không thì cháu phải thuê xe ôm tháng cũng không an tâm.

Ban đầu là vậy. Dần dần rồi vẫn cơm chung, anh nhiều thời gian nên đưa con trai đi học thêm vì năm sau cháu đã cuối cấp 2 rồi. Vấn đề là có khoảng cách, chúng cháu giống như hai người bà con hoặc hai người bạn, dễ chịu, không phiền nhau. Anh góp tiền ăn mỗi tháng, cũng có góp để cháu nuôi con. Và hai đứa nhỏ làm như thương bố hơn khi bố rơi vào tình cảnh như là ăn nhờ ở đậu vào mẹ.

Bây giờ chúng cháu như hai kẻ mắc cạn. Anh có bạn gái cũng không dễ mà cháu có những quan hệ vui chơi với bạn gái thôi cũng vướng. Đến nhà, anh vẫn lù lù đó, kéo nhau đi thì anh là người ơn vì đã chăm con cho vợ bay nhảy. Cô ơi, làm sao thoát được kiểu sống này hở cô? Cháu mong những lời chỉ vẽ của cô.

Giữ kín e-mail hộ cháu

Cháu thân mến!

Nếu có chỗ nào băn khoăn về nguyên do bỏ nhau của các cháu thì nó nằm ở chỗ, cả hai đều trí thức, cả  hai đều tìm hiểu nhau kỹ (như cháu nói) và có cuộc hôn nhân dài, vậy mà đùng cái chúng cháu ra tòa, không ai vì người khác cả. Sao mọi việc lại nhẹ tênh như vậy? Cháu còn giấu cô điều gì chăng?

Rồi khi ra tòa thì lại như  là đại khái. Riêng việc này cô biết có một cô bạn cô là tiến sĩ hẳn hoi mà ông chồng đã ly dị vẫn ở lì trong nhà, không đồng ý ký tên bán nhà để chia. Cuối cùng cô ấy phải để nhà lại cho ông ta, vì cô này có người khác, ngôi nhà bốn tầng ở Hà Nội thì ít tiền đâu. Thế là cô ấy với người bố dượng của con mình làm lại tất cả, từ đầu.

Cô nghĩ, có lẽ vì cả hai không căm ghét nhau nên hai người vẫn ăn chung, vào ra chung cửa, đúng như cháu diễn tả, như hai người bà con, như hai người bạn. Nói văn minh thì ừ là văn minh, nói cậu ấy đơn giản và ỷ lại cũng đúng, đổ thừa kinh tế  suy thoái bất động sản bất động cũng không sai.

Nhưng còn lý do sâu xa gì nữa chứ. Rõ ràng là cậu ta có ý chờ một giải pháp từ cháu, cháu ôm hết con thì cậu ấy phải bước ra với số tiền nho nhỏ đủ mua một căn hộ cũ, cháu có bao giờ tỏ ý ấy chưa? Chỗ ở của một con người là quan trọng, vì dù sao căn nhà mặt ngõ cháu đang làm bà chủ đó cũng có sự đóng góp của cậu ấy nhiều.

Phải thu xếp nếu không quay về được với nhau. Và cháu phải chủ động thôi, không muốn hết cả được. Dĩ nhiên trong mắt hai đứa nhỏ, bố nó hiền đáng thương, bố nó tận tụy với sự học của chúng nữa, càng đáng quý. Có tách ra thì bố vẫn đi lại, ở gần chúng càng tốt, có chỗ nào gần để thu xếp không?

Hai đứa con phải chăm, tuổi trung niên hồi xuân của mình, cháu đã giỏi thì càng phải khéo nữa để chăm con nên người và mình cũng được sống như mình mong ước.

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

'Tường lửa' nhân cách có tồn tại trên mạng xã hội?

'Tường lửa' nhân cách trở thành câu chuyện cần thiết khi tham gia mạng xã hội, bởi mỗi người đều phải hướng hành vi theo tiêu chuẩn cộng đồng văn minh.

Phút giây lạc lòng giữa những chuyến hoạt động từ thiện

Phút giây lạc lòng đôi khi chỉ mang tính gặp gỡ tình cờ, nằm ngoài khả năng kiểm soát của cá nhân, nhưng lại tiềm ẩn nguy cơ đổ vỡ hạnh phúc gia đình.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất