Sau một tuần vận hành mô hình chính quyền hai cấp, Đảng ủy và chính quyền các xã: Vạn Tường, Đông Sơn (Quảng Ngãi) đã cơ bản ổn định tổ chức và đi vào hoạt động nền nếp. Các địa phương đã công bố quyết định về công tác cán bộ, bố trí lại cơ sở vật chất nơi làm việc, tổ chức kỳ họp thứ nhất HĐND xã để thông qua những nghị quyết quan trọng, ban hành quy chế làm việc cho các cơ quan, đơn vị và chính thức đưa vào vận hành Trung tâm Phục vụ hành chính công.

Người dân đến giải quyết thủ tục ở Trung tâm Phục vụ hành chính công xã. Ảnh: Võ Hà.
Tại xã Vạn Tường, Trung tâm Phục vụ hành chính công đã tiếp nhận hơn 270 hồ sơ của người dân, doanh nghiệp; tỷ lệ giải quyết đúng hẹn đạt trên 70%. Tại xã Đông Sơn, lượng hồ sơ tiếp nhận đạt hơn 330, chủ yếu là hồ sơ hộ tịch, với tỷ lệ trả kết quả đúng hạn vượt 90%. Người dân bước đầu ghi nhận sự thuận tiện hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính khi chính quyền tổ chức gần dân, sát dân.
Tuy vậy, theo lãnh đạo 2 xã này, hiện nay vẫn còn một số khó khăn, đặc biệt là về điều kiện cơ sở vật chất còn thiếu thốn, địa điểm làm việc phân tán, ảnh hưởng đến hiệu quả phối hợp vận hành. Kinh phí hoạt động cho bộ máy chính quyền mới chậm được phân bổ. Một bộ phận cán bộ, công chức chưa theo kịp yêu cầu công việc mới, còn lúng túng trong xử lý hồ sơ, dẫn đến việc giải quyết thủ tục đôi lúc bị chậm trễ.

Người dân được hướng dẫn khi làm thủ tục hành chính. Ảnh: Võ Hà
Ở một số đơn vị khác, mô hình Trung tâm Phục vụ hành chính công được triển khai hiệu quả hơn. Tại phường Trương Quang Trọng, từ ngày 1 đến 7/7, Trung tâm đã tiếp nhận 137 hồ sơ, trong đó 99,3% hồ sơ được nộp trực tuyến và 100% được giải quyết đúng hạn. Trung tâm đã được trang bị đồng bộ hệ thống máy tính, máy scan, camera giám sát và mã QR tra cứu, giúp người dân và doanh nghiệp dễ dàng theo dõi tiến độ xử lý.
Tuy nhiên, việc sáp nhập địa giới hành chính khiến khối lượng công việc tăng cao, trong khi hạ tầng kỹ thuật và phần mềm quản lý chưa được đồng bộ, đôi lúc gây trục trặc kỹ thuật, làm chậm tiến độ xử lý hồ sơ. Một số nhiệm vụ phân cấp về cấp xã chưa có hướng dẫn kịp thời, gây lúng túng trong tổ chức thực hiện.
Tại xã An Phú, sau một tuần triển khai mô hình mới, Trung tâm Phục vụ hành chính công tiếp nhận khoảng 350 hồ sơ. Công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ diễn ra cơ bản thuận lợi. Người dân dần làm quen với cách tổ chức mới của chính quyền hai cấp, cảm nhận được sự thay đổi tích cực trong cách phục vụ của cơ quan công quyền.

Người dân bước đầu ghi nhận sự thuận tiện hơn trong việc giải quyết thủ tục hành chính khi chính quyền tổ chức gần dân, sát dân. Ảnh: Võ Hà
Qua kiểm tra thực tế tại một số Trung tâm, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi Nguyễn Hoàng Giang ghi nhận tinh thần làm việc nghiêm túc, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức. Lượng hồ sơ tiếp nhận tăng rõ rệt trong tuần đầu là tín hiệu cho thấy người dân đã nhanh chóng thích ứng với mô hình chính quyền hai cấp, và mô hình này bước đầu phát huy hiệu quả, đúng với phương châm “gần dân, sát dân, phục vụ thiết thực”.
Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu các sở, ngành và cơ quan liên quan khẩn trương nắm bắt, phản hồi kịp thời các khó khăn, vướng mắc từ cơ sở để hỗ trợ tháo gỡ, đảm bảo các Trung tâm Phục vụ hành chính công hoạt động thông suốt.
Đồng thời, các địa phương cần tiếp tục kiện toàn bộ máy, tăng cường tập huấn chuyên môn cho cán bộ, bảo đảm phục vụ tốt nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính của người dân, doanh nghiệp – nhất là trong giai đoạn đầu thực hiện mô hình mới.