Kỳ họp thứ 25 của HĐND TP. Hà Nội, các đại biểu thảo luận về nhiệm vụ trọng tâm phát triển kinh tế - xã hội, an ninh, quốc phòng 6 tháng cuối năm 2025.
Đại biểu Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, cho biết Sở đang tham mưu hai Nghị quyết quan trọng: "Quy định về Khu phát triển thương mại và văn hóa" và "Quy định về tổ chức và hoạt động của Trung tâm công nghiệp văn hóa".

Đại biểu Bạch Liên Hương, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao phát biểu tại buổi thảo luận. Ảnh: Lê Hải.
Bà Hương nhấn mạnh việc ban hành các nghị quyết này sẽ tạo đột phá cho sự phát triển văn hóa Thủ đô. Về Nghị quyết "Trung tâm công nghiệp văn hóa", bà Hương thừa nhận thực tế vẫn chưa định hình rõ ràng thế nào là một trung tâm công nghiệp văn hóa, và các mô hình trước đây chưa đảm bảo cơ chế vận hành hiệu quả. Bà khẳng định Hà Nội là thành phố sáng tạo, đây là nền tảng để xây dựng công nghiệp văn hóa, nhưng điều cốt yếu là tạo cơ chế để doanh nghiệp ngoài Nhà nước tham gia. Các mô hình do Nhà nước quản lý như Văn miếu Quốc Tử Giám và khu Di tích Hỏa Lò đang khai thác hiệu quả văn hóa ban đêm, đây có thể là nền tảng vững chắc cho sự phát triển công nghiệp văn hóa của Thủ đô.
Đối với Nghị quyết "Khu phát triển thương mại và văn hóa", đại biểu Bạch Liên Hương chỉ ra các mô hình làng nghề truyền thống như Bát Tràng hay các sự kiện nghệ thuật tại Vinhomes Ocean Park là những ví dụ điển hình cho tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, bà cũng lưu ý về mặt pháp lý hiện chưa có cơ chế kiểm soát các khu này. Bà đề xuất sau khi thực hiện mô hình chính quyền địa phương 2 cấp, có thể tập hợp các cơ sở lại để khai thác tối ưu lợi thế văn hóa.

Đại biểu Vũ Đăng Định phát biểu tại buổi thảo luận Tổ. Ảnh: Lê Hải.
Tham gia thảo luận, đại biểu Vũ Đăng Định đề nghị làm rõ nội hàm sử dụng cơ sở vật chất nhà đất của các cơ sở sau khi di dời, đồng thời cần có cơ chế để tư nhân tham gia. Ông cũng đề xuất nghị quyết cần quy định việc giao chính quyền địa phương quản lý các di tích sau khi sắp xếp lại đơn vị hành chính.
Đại biểu Vũ Mạnh Hải nhận định Hà Nội có bề dày văn hóa thu hút du khách nhưng sản phẩm du lịch còn thiếu. Ông đồng tình với việc khai thác ven sông Hồng để phát triển công nghiệp văn hóa, nhưng đề xuất tập trung vào văn hóa làng nghề, ẩm thực thay vì các công trình xây dựng. Về khu thương mại văn hóa, ông lo ngại việc xen kẽ làng nghề với nhà dân sẽ khó quản lý và thiệt thòi cho các nghệ nhân. Ông kiến nghị cần đưa các loại hình làng nghề vào quản lý để du khách có thể trực tiếp mua sản phẩm từ người thợ.
Liên quan đến vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, đại biểu Vũ Mạnh Hải nhấn mạnh đây là vấn đề nóng cần giải quyết từ gốc. Ông Vũ Mạnh Hải đề nghị giao cơ quan chuyên môn, đơn vị chuyên nghiệp cung cấp suất ăn, đảm bảo nguồn gốc và an toàn thực phẩm, còn nhà trường chỉ tập trung vào công tác giảng dạy.

Ông Nguyễn Mạnh Quyền, Phó Chủ tịch UBND Thành phố phát biểu tại buổi thảo luận Tổ. Ảnh: Lê Hải.
Phát biểu tại buổi thảo luận, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền đã làm rõ thêm một số nội dung. Ông khẳng định Hà Nội đã có nhiều cố gắng trong kiểm soát chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm. Về kiểm soát tồn dư hóa chất và quy trình giết mổ, Sở Nông nghiệp và Môi trường đang hoàn thiện quy trình và cần đẩy nhanh tiến độ. UBND Thành phố đã giao Sở Công Thương kiểm soát các chợ, yêu cầu các chợ kiểm soát nguồn gốc, xuất xứ hàng hóa.
Ông Nguyễn Mạnh Quyền nhấn mạnh sự cần thiết của việc tăng cường truyền thông về an toàn thực phẩm, tập trung nâng cao nhận thức cho hai đối tượng chính: cơ sở sản xuất, kinh doanh (từ người nuôi trồng đến nhà hàng, bếp ăn tập thể) cần hiểu rõ vai trò và trách nhiệm; và người tiêu dùng cần được trang bị kiến thức để nhận diện sản phẩm không an toàn. Ông cũng khẳng định việc này đòi hỏi sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và cộng đồng để xây dựng cơ chế giám sát, phát hiện sớm vi phạm và vinh danh những đơn vị làm tốt, tạo ra một văn hóa sản xuất và tiêu dùng an toàn trên toàn xã hội.