| Hotline: 0983.970.780

Sẽ đánh giá chất lượng giáo dục phổ thông ở diện quốc gia và quốc tế

Thứ Tư 09/07/2025 , 22:40 (GMT+7)

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa công bố dự thảo Thông tư ban hành quy định về đánh giá diện rộng cấp quốc gia chất lượng giáo dục phổ thông.

Dự thảo Thông tư này sẽ thay thế Thông tư 51/2011/TT-BGD&ĐT ngày 3/11/2011 quy định về đánh giá định kỳ quốc gia kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông của Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT).

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của dự thảo là mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả các kỳ đánh giá quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ảnh minh họa. Ảnh: Lan Chi.

Một trong những điểm mới đáng chú ý nhất của dự thảo là mở rộng phạm vi điều chỉnh, bao gồm cả các kỳ đánh giá quốc tế mà Việt Nam tham gia. Ảnh minh họa. Ảnh: Lan Chi.

Thông tư hiện hành chỉ áp dụng đối với các kỳ đánh giá định kỳ cấp quốc gia do Việt Nam chủ trì, nhằm đánh giá kết quả học tập của học sinh trong các cơ sở giáo dục phổ thông, mà chưa điều chỉnh đối với các kỳ đánh giá quốc tế có sự tham gia của Việt Nam.

Tuy nhiên, thời gian qua và trong những năm tới, Việt Nam đã, đang và sẽ tiếp tục tham gia nhiều chương trình đánh giá quốc tế như PISA (Chương trình đánh giá học sinh quốc tế lứa tuổi 15 của OECD); SEA-PLM (Chương trình đánh giá kết quả học tập của học sinh tiểu học khu vực Đông Nam Á); TALIS (Chương trình đánh giá quốc tế về dạy và học của OECD). Các chương trình này đều do Bộ GD&ĐT chủ trì, đồng thời hướng dẫn triển khai nghiêm túc, đồng bộ, thống nhất trên toàn quốc tới các tỉnh, thành phố và cơ sở giáo dục.

Để phù hợp với tình hình thực tế, dự thảo Thông tư mới đã mở rộng bao gồm cả “Đánh giá diện rộng quốc gia” và “Đánh giá diện rộng quốc tế” (được giải thích tại Điều 2). Nội dung này hiện được cụ thể hóa tại Điều 10 – Thực hiện các thỏa thuận quốc tế.

Bên cạnh việc mở rộng phạm vi, dự thảo Thông tư quy định rõ ràng về cơ cấu tổ chức và trách nhiệm của các bên liên quan. Cụ thể, Bộ GD&ĐT sẽ chủ trì tổ chức, điều phối các hoạt động đánh giá ở cấp quốc gia, trong khi các Sở GD&ĐT có trách nhiệm tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương hoặc huy động các nguồn tài trợ hợp pháp khác, tổ chức triển khai, đồng thời phối hợp với các cơ quan liên quan tại địa phương.

Về nội dung và hình thức đánh giá, dự thảo cũng có những điều chỉnh đáng kể. Nội dung đánh giá được xây dựng dựa trên các yêu cầu cần đạt trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành, tập trung vào việc đánh giá năng lực vận dụng kiến thức, kỹ năng vào thực tiễn. Hình thức khảo sát được đa dạng hóa, bao gồm khảo sát trên giấy, trên máy vi tính hoặc kết hợp cả hai. Trong trường hợp cần thiết để phục vụ yêu cầu quản lý nhà nước, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT có thể bổ sung các kỳ khảo sát, bên cạnh các kỳ khảo sát định kỳ cấp quốc gia và quốc tế.

Theo Bộ GD&ĐT, Thông tư mới khi được ban hành sẽ góp phần cung cấp dữ liệu khách quan, tin cậy về chất lượng giáo dục phổ thông trên cả quy mô quốc gia và quốc tế. Những thông tin này sẽ là căn cứ quan trọng để hoạch định chính sách, đổi mới hoạt động dạy học và thúc đẩy hội nhập quốc tế trong lĩnh vực giáo dục.

Xem thêm

Bình luận mới nhất