Ngày 23/5, UBND huyện Yên Châu, tỉnh Sơn La tưng bừng tổ chức Ngày hội hái mận xã Phiêng Khoài lần thứ nhất, thu hút đông đảo người dân, du khách trong và ngoài tỉnh tới tham quan, trải nghiệm.

BTC Ngày hội trao cờ lưu niệm cho 9 đội thi. Ảnh: Nguyễn Nga.
Thi hái mận - điểm nhấn sôi động giữa mùa quả chín
Diễn ra đúng vào thời điểm chính vụ thu hoạch, ngày hội mang đến không khí náo nhiệt, rộn ràng với nhiều hoạt động phong phú, hấp dẫn, như: thi hái mận, thi tạo hình nghệ thuật từ quả mận, thi ăn mận; trưng bày gian hàng nông sản và sản phẩm tiểu thủ công nghiệp đặc trưng của các xã, thị trấn; các trò chơi dân gian, giao lưu văn nghệ; du lịch trải nghiệm kết hợp hái và thưởng thức mận tại vườn; vinh danh cá nhân, hợp tác xã tiêu biểu trong xây dựng thương hiệu và phát triển sản phẩm mận hậu.
Sôi nổi nhất là phần thi hái và ăn mận. Chín đội thi đến từ các bản có diện tích trồng mận lớn trong xã, mỗi đội gồm ba thành viên mặc trang phục dân tộc truyền thống, thực hiện phần thi hái mận trong 5 phút. Các đội phải tuân thủ nghiêm ngặt quy tắc: không trèo cây, rung cành, bẻ cành, hái quả xanh hay đập quả.
Sau phần hái, các đội dùng chính những quả mận mình thu hoạch được để trang trí gian hàng. Phần thi ăn mận cũng không kém phần hấp dẫn, mỗi đội thi chọn một đại diện tham gia ăn quả trong 2 phút, với tiêu chuẩn ăn nhanh, đẹp mắt, không để sót quá nhiều thịt trên hạt.

Phần thi hái mận có 9 đội thi đến từ các bản có diện tích trồng mận lớn trong xã. Ảnh: Nguyễn Nga.

Quả mận Phiêng Khoài được trang trí ấn tượng tại các gian hàng. Ảnh: Nguyễn Nga.
Giữa khung cảnh núi non hùng vĩ, những trái mận căng mọng, giòn ngọt được nâng niu trong tay người hái đã trở thành hình ảnh đẹp, để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng du khách. Chị Nguyễn Phương Ngân, du khách đến từ Hà Nội, xúc động chia sẻ: Không chỉ được thưởng thức mận ngay tại vườn, mình còn cảm nhận rõ không khí lễ hội thân tình, sự gắn bó của cộng đồng và vẻ đẹp văn hóa của đồng bào nơi đây.
Cây trồng chủ lực mang lại sinh kế bền vững
Phiêng Khoài là xã biên giới có điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu phù hợp cho cây mận sinh trưởng. Hiện toàn xã có hơn 2.000 ha mận hậu, với trên 2.800 hộ trồng mận. Nhờ ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, nhiều diện tích mận tại đây đạt năng suất cao, chất lượng ổn định. Đáng chú ý, gần 500 ha đã được công nhận là vùng sản xuất ứng dụng công nghệ cao.
Chị Thào Thị Khua, một trong những hộ trồng mận lâu năm tại Phiêng Khoài, chia sẻ: Gia đình tôi có 2 ha mận, mỗi năm thu khoảng 20 - 25 tấn quả. Trước đây, việc quảng bá sản phẩm còn hạn chế, giờ có ngày hội như thế này, bà con chúng tôi thấy rất phấn khởi và được tiếp thêm động lực.
Với chủ đề “Sản xuất nông sản sạch gắn với bảo vệ môi trường”, ngày hội hái mận đã lan tỏa thông điệp sản xuất nông sản an toàn, nói không với thuốc trừ cỏ, thuốc bảo vệ thực vật, góp phần bảo vệ hệ sinh thái bền vững, bảo vệ môi trường và sức khỏe con người; từ đó thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư, các đơn vị lữ hành đến với Yên Châu.

Ngày hội góp phần nâng tầm thương hiệu mận hậu Yên Châu, loại quả nổi bật về hương vị và độ an toàn. Ảnh: Nguyễn Nga.
Theo ông Lò Thế Thi, Phó Chủ tịch UBND huyện Yên Châu, toàn huyện hiện có khoảng 3.700 ha mận hậu, sản lượng ước đạt 40.000 tấn. Việc tổ chức ngày hội không chỉ nâng tầm thương hiệu mận hậu Yên Châu, loại quả nổi bật về hương vị và độ an toàn, mà còn là dịp tôn vinh người trồng mận, thúc đẩy liên kết phát triển kinh tế nông nghiệp bền vững gắn với phát triển du lịch; tạo sân chơi giao lưu giữa những người sản xuất, phát huy tiềm năng cây trồng chủ lực, từng bước cải thiện sinh kế, hướng tới xóa nghèo bền vững cho bà con vùng cao.