| Hotline: 0983.970.780

Sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo:

Phân cấp triệt để cho địa phương

Thứ Tư 23/04/2025 , 04:32 (GMT+7)

Cần sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên tinh thần phân cấp triệt để cho địa phương, tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.

Hành lang pháp lý về tài nguyên môi trường biển

Luật Tài nguyên và Môi trường biển, hải đảo được thông qua năm 2015 và có hiệu lực từ 1/7/2016. Ở thời điểm đó, đây là văn bản luật đầu tiên quy định về phương thức quản lý mới trên biển là quản lý tổng hợp và được kỳ vọng sẽ đem lại hiệu quả trong sử dụng tài nguyên và quản lý môi trường biển, đảo.

Sau gần 10 năm triển khai thi hành, bước đầu đã tạo ra hành lang pháp lý cho hoạt động quản lý tổng hợp tài nguyên, môi trường biển, hải đảo, góp phần quan trọng cho sự phát triển bền vững kinh tế biển, bảo vệ, hệ sinh thái biển, bảo đảm an ninh, quốc phòng, an toàn trên biển.

Công tác điều tra cơ bản tài nguyên môi trường biển và hải đảo đã được thực hiện, qua đó, cung cấp được số liệu về nguồn tài nguyên biển, là cơ sở để xây dựng, điều chỉnh chính sách, pháp luật về công tác quản lý tổng hợp tài nguyên, bảo vệ môi trường biển và hải đảo phù hợp với thực tiễn, thống nhất được công tác quản lý nhà nước về biển, hải đảo giữa các Bộ, ngành, địa phương.

Theo đó, tài nguyên sinh vật biển ở Việt Nam khá đa dạng với khoảng 11.000 loài sinh vật cư trú trong hơn 20 kiểu hệ sinh thái điển hình, thuộc 6 vùng đa dạng sinh học biển khác nhau. Nguồn lợi thủy sản biển Việt Nam tương đối phong phú, toàn vùng biển đã xác định được 1.700 loài thủy sản thuộc hơn 730 giống, 260 họ; trong đó trên 130 loài có giá trị kinh tế cao.

Việt Nam có 14 loài cỏ biển với khoảng 1.500 loài sinh vật sinh sống, trong đó đứng thứ 3 về đa dạng loài so với các nước trong khu vực. Ảnh minh họa

Việt Nam có 14 loài cỏ biển với khoảng 1.500 loài sinh vật sinh sống, trong đó đứng thứ 3 về đa dạng loài so với các nước trong khu vực. Ảnh minh họa

Trong giai đoạn 2016 - 2020, trữ lượng tức thời các nhóm nguồn lợi chủ yếu khoảng 3,9 triệu tấn, trong đó vịnh Bắc bộ chiếm khoảng gần 16%; vùng biển Trung bộ khoảng gần 22%; Đông Nam bộ khoảng 25%; Tây Nam bộ hơn 13% và giữa Biển Đông khoảng gần 24%. Khả năng khai thác cho phép từ nguồn thuỷ sản ở biển Việt Nam ước tính hơn 2,83 triệu tấn/năm.

Về hệ sinh thái thảm cỏ biển, Việt Nam có 14 loài cỏ biển với khoảng 1.500 loài sinh vật sinh sống, trong đó đứng thứ 3 về đa dạng loài so với các nước trong khu vực. Các thảm cỏ biển phân bố ở độ sâu từ 0 đến 20 m và ven các đảo, tập trung nhiều ở một số cửa sông, đầm phá Miền Trung (Tam Giang - Cầu Hai, Thủy Triều) và ven đảo Phú Quốc…

Đặc biệt, theo quy định tại khoản 2 Điều 79 của Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo, UBND tỉnh, thành phố có biển có trách nhiệm thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển thuộc phạm vi quản lý. Tính đến ngày 30/6/2024, đã có 27/28 tỉnh có biển phê duyệt Danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển. Theo thống kê sơ bộ từ báo cáo tổng kết thi hành Luật của các tỉnh có biển, có khoảng hơn 560 khu vực ven biển, hải đảo được thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển với tổng số gần 1.700 km (khoảng 50% chiều dài bờ biển).

Việc xây dựng danh mục các khu vực phải thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển đóng vai trò quan trọng trong việc bảo đảm quyền tiếp cận của người dân, bảo vệ tính mạng và tài sản của người dân ven biển, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng; bảo vệ các công trình, dự án của nhà đầu tư; tạo hành lang pháp lý để thu hút đầu tư, phát triển kinh tế khu vực ven biển, hải đảo…

Nguồn lực hạn chế, văn bản chồng chéo

Sau một thập kỷ áp dụng, Luật đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập như: Việc xây dựng các văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật cũng hoàn toàn mới và gặp nhiều khó khăn, dễ bị chồng chéo với các văn bản quy phạm pháp luật khác; Nguồn lực cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật còn hạn chế, chưa đáp ứng được với nhu cầu thực tiễn; việc xây dựng Chiến lược khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên, BVMT biển và hải đảo, Quy hoạch tổng thể khai thác, sử dụng bền vững tài nguyên vùng bờ, thiết lập hành lang bảo vệ bờ biển, lập hồ sơ hải đảo còn gặp khó khăn khi triển khai thực hiện.

 Ngoài ra, nguồn nhân lực thực hiện công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển ngày càng ít về số lượng và phải kiêm nhiệm cả các lĩnh vực khác. Một số Sở ở 28 địa phương có biển chỉ được bố trí 1 - 2 cán bộ chuyên trách và 1 Lãnh đạo Phòng phụ trách công việc liên quan tới quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển, hải đảo. Đa số Phòng ở cấp huyện có biển không có cán bộ chuyên trách thực hiện công tác quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường biển mà chủ yếu thực hiện kiêm nhiệm nhiều lĩnh vực khác nhau.

Giải quyết hài hòa quyền và lợi ích các bên

Để giải quyết vấn đề này, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam đang đặt mục tiêu trong năm 2025 sẽ tiếp tục nghiên cứu, rà soát hệ thống chính sách, pháp luật và các văn bản quy phạm pháp luật trong công tác quản lý nhà nước về tài nguyên, môi trường biển và hải đảo để tiếp tục đề xuất điều chỉnh, sửa đổi, bổ sung cho phù hợp, đáp ứng yêu cầu nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước, cải cách hành chính, thúc đẩy phát triển. Đặc biệt, tập trung xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo đảm bảo tiến độ và chất lượng.

t3-111903_706

Năm 2025, Cục Biển và Hải đảo Việt Nam sẽ tập trung xây dựng Hồ sơ đề nghị sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo. Ảnh minh họa

Trao đổi với PV Báo Nông nghiệp và Môi trường, GS, TS. Vũ Thanh Ca, nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu biển và hải đảo, Tổng cục Biển và Hải đảo Việt Nam cho rằng, trong quá trình gần 10 năm thực hiện Luật Biển và Hải đảo cho thấy còn một số tồn tại, vướng mắc cần sửa đổi để thực hiện tốt hơn.

Ví dụ, hiện nay chúng ta hay nói tới quản lý tổng hợp vùng bờ, trong khi đó trong Luật quy định quản lý tổng hợp tài nguyên và bảo vệ môi trường vùng bờ. Hai nội dung này cơ bản là như nhau nhưng chưa chuẩn về định nghĩa, do đó cũng cần rà soát sửa đổi.

Tại buổi làm việc về các nhiệm vụ trọng tâm năm 2025 của Cục Biển và Hải đảo Việt Nam vừa qua, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân cho rằng, trong năm 2025, Cục cần tập trung sửa đổi, bổ sung Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo trên tinh thần phân cấp triệt để cho địa phương như chỉ đạo của Tổng Bí thư Tô Lâm: “địa phương quyết, địa phương làm, địa phương chịu trách nhiệm”.

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Lê Minh Ngân yêu cầu, việc sửa đổi, bổ sung Luật phải tháo gỡ vướng mắc, hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý; tạo thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp trong việc khai thác, sử dụng không gian biển, bảo vệ môi trường biển; giải quyết hài hòa quyền và lợi ích của Nhà nước, người khai thác, sử dụng tài nguyên biển và nhà đầu tư.

Xem thêm
Đấu giá quyền khai thác khoáng sản tại bãi sông Kinh Môn

HẢI DƯƠNG- Mỏ cát san lấp, sét làm gạch ngói tại bãi sông Kinh Môn, thôn Trần Xá, xã Lạc Long, thị xã Kinh Môn được đấu giá trong năm 2025

Chở nước sinh hoạt cấp cho dân khi nhà máy nước ngưng hoạt động

Bình Thuận Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn tỉnh Bình Thuận đang tập trung giải quyết nhu cầu về nước sinh hoạt cho người dân, nhất là giai đoạn mùa khô.