| Hotline: 0983.970.780

Nông dân Mỹ chật vật, ngóng chờ chính sách hỗ trợ

Thứ Ba 22/04/2025 , 10:59 (GMT+7)

Trong bối cảnh biến đổi khí hậu và căng thẳng thương mại leo thang, nông dân Mỹ đứng trước khủng hoảng sinh kế và đang kêu gọi hỗ trợ kịp thời từ chính phủ.

Trong chiến tranh thương mại, nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh: Epoch Times.

Trong chiến tranh thương mại, nông dân là đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề nhất. Ảnh: Epoch Times.

Nông dân Mỹ điêu đứng vì thuế quan

Vài tuần trở lại đây, nông dân Texas và nhiều bang Trung Tây tại Mỹ đã thiệt hại hàng triệu USD do mưa lớn và lũ lụt nghiêm trọng – các hiện tượng thời tiết bất thường chưa từng có.

Bên cạnh đó, chính sách thương mại thiếu ổn định từ chính quyền Trump, cùng với việc cắt giảm nhân sự và ngân sách cho các chương trình hỗ trợ nông nghiệp khiến nông dân Mỹ rơi vào tình cảnh lao đao và phải trông chờ vào sự hỗ trợ tài chính từ chính phủ.

“Chúng tôi đang sống trong sự bất ổn”, ông Travis Johnson, một nông dân tại thung lũng Rio Grande (miền nam Texas), bày tỏ lo lắng. Ông vừa mất hơn 1.000 mẫu bông, cao lương và ngô sau trận mưa kéo dài 48 giờ.

Nông dân tại khu vực Thung lũng Rio Grande Hạ chủ yếu xuất khẩu các loại nông sản như cao lương, lúa mì, ngô và rau củ sang Mexico, đồng thời nhập khẩu phân bón, thiết bị nông nghiệp, và thuê lao động nông trại từ nước láng giềng. 

Mexico là đối tác thương mại lớn nhất của Mỹ, trong khi Trung Quốc là khách hàng lớn nhất đối với cao lương và bông Mỹ. Tuy nhiên, tất cả sản phẩm xuất khẩu sang Trung Quốc hiện đang phải chịu mức thuế lên tới 125% do chính sách thuế quan mới của Tổng thống Trump.

Bên cạnh đó, hàng loạt chương trình khí hậu và bảo tồn, cũng như các chương trình hỗ trợ thực phẩm địa phương bị cắt giảm tài trợ khiến chi phí sản xuất tăng, sản lượng giảm và môi trường suy thoái. 

Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ, từng mua khoảng 2 tỷ USD nông sản Mỹ mỗi năm (đặc biệt là lúa mì, cao lương và đậu lăng) để viện trợ nhân đạo, cũng đã bị giải thể. 

Thậm chí, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ (USDA), vốn là nơi cung cấp hỗ trợ kỹ thuật cho nông dân – từ cách trồng trọt, phòng trừ sâu bệnh, bảo tồn đất đai đến tiếp cận các khoản vay và cứu trợ thiên tai, đang trải qua đợt cắt giảm nhân sự lớn chưa từng có.

Ngay cả khi không có căng thẳng thương mại, việc cắt giảm các chương trình hỗ trợ liên bang cũng đã ảnh hưởng nặng nề đến người nông dân. Thuế quan bắt đầu được áp dụng đúng thời điểm gieo trồng mùa vụ xuân hoặc đầu tư vào giống cây trồng, phân bón, thuốc trừ sâu, làm cho bà con không thể chuyển đổi sang các loại cây trồng khác có thị trường nội địa tốt hơn.

Nông dân Mỹ kêu gọi thêm các chương trình cứu trợ

Lúa mì là một trong những nông sản chủ lực của Mỹ. Ảnh minh hoạ.

Lúa mì là một trong những nông sản chủ lực của Mỹ. Ảnh minh hoạ.

Nhiều chuyên gia nhận định rằng cuộc khủng hoảng thương mại hiện nay đang mở ra cơ hội cho các nền nông nghiệp các quốc gia khác, trong khi lại là cú đánh mạnh mẽ vào ngành nông nghiệp nước nhà.

Chuyên gia kinh tế Betty Resnick cảnh báo: “Chính sách thuế quan thay đổi liên tục, khi thì áp đặt, khi thì tạm hoãn, sẽ gây tổn hại lớn đến ngành nông nghiệp Mỹ. Nếu không có sự hỗ trợ trực tiếp từ USDA hoặc các chính sách an sinh nông nghiệp mới, nông dân sẽ phải gánh chịu hậu quả nặng nề”.

“Khó mà tưởng tượng được nông dân sẽ khốn đốn thế nào khi không có các gói cứu trợ. Trong khi đó, đây lại là cơ hội vàng cho các quốc gia khác như Brazil”, ông Ben Murray, chuyên gia tại tổ chức giám sát người tiêu dùng Food and Water Watch, nhận định.

Trong bối cảnh hiện nay, các nông trại quy mô nhỏ dễ bị tổn thương bởi biến động thị trường và khó khăn trong tiếp cận hỗ trợ tài chính. “Tình hình rất bấp bênh. Nếu không có gói cứu trợ kịp thời hoặc chiến tranh thương mại không được giải quyết trước mùa thu hoạch, hậu quả có thể vô cùng nghiêm trọng”, ông Adam Chappell, nông dân tại Arkansas, chia sẻ. “Nhiều nông hộ có nguy cơ phải đóng cửa”. 

Tính đến nay, hơn 15 chương trình hỗ trợ trị giá hàng tỷ USD đang bị đình chỉ để rà soát lại, nhằm đảm bảo phù hợp với các ưu tiên mới của chính quyền Trump. Tuy nhiên, Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ cho biết cơ quan này đang xây dựng kế hoạch triển khai hơn 20 tỷ USD từ ngân sách Quốc hội để hỗ trợ các nông dân bị thiệt hại trong mùa vụ 2023-2024. Đồng thời, duy trì 16 chương trình dinh dưỡng quy mô lớn để đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ thị trường nông nghiệp và đảm bảo tiếp cận thực phẩm dinh dưỡng.

Mặc dù nhiều nông dân bày tỏ sự thất vọng trước việc các chương trình hỗ trợ bị đình trệ và tác động từ chiến tranh thương mại, song vẫn một số bộ phận vẫn tin tưởng vào đường lối cứng rắn của ông Trump. “Tuy có nhiều sự lo lắng nhưng nông dân vẫn sẵn sàng hy sinh ngắn hạn để đổi lấy lợi ích lâu dài”, ông Sid Miller, Ủy viên Nông nghiệp bang Texas phát biểu. 

Theo ông Sid Miller, thuế quan chỉ là một công cụ tạm thời trong chiến lược đàm phán, và Trung Quốc, với nhu cầu lớn về nông sản, sẽ phải quay lại thị trường Mỹ như những lần trước đây.

Xem thêm
Israel tấn công trả đũa nhắm vào các mục tiêu quân sự của Iran

Lực lượng Phòng vệ Israel (IDF) sáng 26/10 tuyên bố đã tiến hành ‘các cuộc tấn công chính xác vào các mục tiêu quân sự’ ở Iran.

Tổng thống Putin xác nhận việc sản xuất hàng loạt tên lửa Oreshnik mới

Tổng thống Nga Vladimir Putin hôm 22/11 xác nhận quyết định cho phép bắt đầu sản xuất hàng loạt hệ thống tên lửa siêu vượt âm Oreshnik mới.

Từ du lịch xanh đến đô thị xanh ở Ai Cập

Nằm giữa dãy núi Sinai và Biển Đỏ, Sharm El-Sheikh đã chuyển mình từ một làng chài yên tĩnh thành đô thị xanh bền vững cho ngành du lịch của Ai Cập.

Nga: Cây cầu 60 tấn bị trộm đem bán phế liệu

Cảnh sát Nga đang điều tra vụ trộm một cây cầu đường sắt khổng lồ ở phía tây đất nước dường như đã được bán phế liệu với giá chỉ hơn 15.000 USD.