Ông Koffi Kouakou Charles đã từng lặng lẽ gắn bó với giống khoai địa phương "Kouba" và những kỹ thuật truyền thống được truyền lại qua nhiều thế hệ. Tình hình trở nên khó khăn vào nửa đầu năm 2024 khi bệnh dịch ở các loài gia súc nhỏ (PPR) bùng phát, quét sạch đàn gà và dê trong làng, bao gồm cả gia súc của ông Koffi. Kinh tế gia đình vốn đã bấp bênh lại càng trở nên khốn đốn.
"Tôi làm việc quần quật nhưng thu hoạch chẳng được bao nhiêu", ông Koffi chia sẻ: "Mỗi mùa vụ chỉ là tôi cố gắng tồn tại".
Trong bối cảnh đó, hy vọng được thắp sáng trở lại nhờ Dự án PREMOPEF - một chương trình cải thiện sinh kế cho người dân dễ bị tổn thương tại Bờ Biển Ngà. Dự án tập trung vào ba loại cây trồng chính gồm khoai mì, sắn và rau củ, đồng thời hỗ trợ phát triển chăn nuôi gia cầm truyền thống. Mục tiêu của chương trình là nâng cao điều kiện sống cho 60.000 người dân nông thôn, trong đó 50% là phụ nữ và 35% là thanh niên.

Ông Koffi Kouakou Charles là một trong những nông dân hưởng lợi từ dự án PREMOPEF cải thiện sinh kế Bờ Biển Ngà. Ảnh: FarmersReviewAfrica.
Thông qua mô hình "Trường huấn luyện nông dân" do dự án triển khai, ông Koffi lần đầu tiên tiếp cận với các kỹ thuật nông nghiệp sinh thái như luân canh, bảo quản sau thu hoạch và lựa chọn giống thích nghi với biến đổi khí hậu. Ông đã mạnh dạn từ bỏ giống Kouba quen thuộc để chuyển sang trồng hai giống khoai mì mới là Anader và Cameroun (còn gọi là R3 và C15). Những giống mới được đánh giá có khả năng kháng hạn tốt và cho năng suất cao.
Kết quả ấn tượng, trong vụ thu hoạch tháng 12/2024, sản lượng khoai mì trên cùng diện tích đất của ông Koffi đã tăng từ 2 tấn lên 4 tấn. Với tầm nhìn xa, ông để lại 3/4 sản lượng làm giống và dùng cho gia đình, chỉ bán 1/4 ra chợ địa phương, thu về 125.000 CFA (tương đương khoảng 250 USD). Một khoản thu nhập đáng kể với nông dân vùng nông thôn này.
"Trước đây tôi chỉ lo làm sao sống qua ngày. Nay, tôi đã bắt đầu nghĩ đến tương lai của con cái và khả năng mở rộng nông trại", ông Koffi vui mừng nói. "Tôi muốn mua máy cày, máy gieo hạt để đỡ tốn sức mà còn tăng năng suất".
Ông Ceserd Waba Akpaud, điều phối viên dự án, nhấn mạnh: "Dự án này là công cụ hữu hiệu giúp các hộ nông dân giảm thiểu rủi ro và tăng cường khả năng chống chịu trước những cú sốc kinh tế - môi trường".
Đồng quan điểm, ông Philip Boahen, điều phối viên GAFSP tại Ngân hàng Phát triển Châu Phi, cho biết: "PREMOPEF phản ánh cam kết của chúng tôi trong việc thúc đẩy sự phát triển nông thôn toàn diện, bền vững, lấy nông dân làm trung tâm".
Không dừng lại ở đó, ông Koffi đang ấp ủ xây dựng cơ sở lưu trữ quy mô lớn để hạn chế thất thoát sau thu hoạch. Ông cũng lên kế hoạch khởi động lại mô hình nuôi gia cầm sau cú sốc dịch bệnh, lần này với phương pháp chăn nuôi an toàn và có huấn luyện bài bản. "Tôi đang tìm hiểu các khóa học về chăn nuôi để bù đắp cho quãng thời gian tôi từng bỏ lỡ việc học," ông nói.