Nội dung |
Ông Hà Văn Dũng, người dân tộc Mường, làng Trô, xã Giao An, tỉnh Thanh Hóa từng có kinh nghiệm hàng chục năm đi thu mua dược liệu, ông nhận thấy cây cau cho thu hoạch quả lâu dài, các thương lái đến thu mua tận vườn. Nếu cau quả không bán được, có thể để già tách lấy hạt bán cho các cơ sở chế biến dược liệu. Trong khi đó, diện tích 5ha đất của gia đình đã trồng rất nhiều loại cây trồng đều cho hiệu quả kinh tế thấp. Năm 2006, ông trồng thử nghiệm 1.200 cây cau, sau 5 năm cho thu hoạch, thời điểm đó dù giá cau chưa cao, nhưng ông Dũng nhận thấy việc trồng cau tốn ít công chăm sóc, vốn bỏ ra không nhiều, tới vụ thu hoạch không phải lo lắng tìm nơi bán. Trong 3 năm liên tiếp từ 2017 đến 2019 ông Dũng mở rộng diện tích trồng cau của gia đình lên 5ha với 14.000 cây. Hiện tại 7.000 cây đã cho thu hoạch. cây cau |
Phỏng vấn: Ông HÀ VĂN DŨNG Làng Trô, xã Giao An, tỉnh Thanh Hóa Gia đình tôi có 5ha đất sản xuất, đã từng trồng nhiều loại cây trồng như mía, vải, chanh nhưng hiệu quả kinh tế thấp. Đến năm 2006 chuyển đổi sang trồng cau, tới năm 2011 cho thu hoạch quả, nhận thấy hiệu quả kinh tế cao. Từ năm 2011 đến nay cho thu nhập ổn định, nhiều hộ gia đình ở làng Trô thấy vậy cũng mua giống về trồng, hiện trong làng đã có hơn 20ha chuyển đổi sang trồng cau. Cây cau cho thu hoạch ổn định, năm 2024 cả tiền bán cau quả và cau giống, trù chi phí gia đình thu về hơn 700 triệu đồng. |
Ban đầu, ông Dũng ươm giống phục vụ nhu cầu của gia đình, dần tích lũy kinh nghiệm, ông làm vườn ươm, cung ứng giống ra thị trường. Đầu tiên là cung cấp giống cho các hộ dân trong thôn trồng, sau đó bán cho khách hàng ở khắp các tỉnh. Năm 2024, ông Hà Văn Dũng bán ra thị trường 30.000 cây cau giống, với giá bán 25.000 đồng/cây. Năm 2022, ông trồng thêm 600 cây cốt toái bổ sống bám trên thân cây cau. Hiện tại củ cây cốt toái bổ các thương lái đang thu mua với giá 30.000 đồng/kg. Ông Dũng đang trong quá trình nhân giống cây cốt toái bổ sang các thân cau còn lại.cây cau |
Các hộ dân ở làng Trô, nhận thấy hiệu quả từ mô hình trồng cau của ông Hà Văn Dũng, nên đã mua giống từ vườn ươm của ông để chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả. Hiện ở làng Trô diện tích trồng cau đã trên 20ha. Ông Hà Văn Oanh, sinh năm 1964 ở làng Trô cũng có 2600 gốc cau, năm 2024 đã cho ra quả bói. Diện tích này trước đây trồng mía rồi chuyển sang keo, nhưng vì sức khỏe đã kém lại tốn công chăm sóc. Từ khi trồng cau, vợ chồng ông tốn rất ít công. |
Phỏng vấn: Ông NGÔ NGỌC CẢNH Giám đốc Trung tâm hỗ trợ VAC trang trại - Hội Làm vườn và trang trại tỉnh Thanh Hóa: Những năm qua, nhiều mô hình trồng cau phát triển ở các xã miền núi tỉnh Thanh Hóa. Hiện tại, giá trị kinh tế cây cau mang lại tương đối cao so với những cây trồng khác. Tuy nhiên, thị trường tiêu thụ chưa ổn định, chủ yếu phụ thuộc vào Trung Quốc. Trong thời gian tới, Hội Làm vườn và trang trại tỉnh sẽ nghiên cứu, xin chỉ đạo làm mô hình điểm trồng cau, đánh giá lại hiệu quả kinh tế để có định hướng nhân rộng.cây cau |
Thành công từ mô hình trồng cau của ông Hà Văn Dũng đang mở ra hướng đi mới cho người dân xã miền núi Giao An. Việc chuyển đổi cây trồng kém hiệu quả, sang trồng cau sẽ giúp nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên làm kinh tế giỏi. Ngành chức năng tỉnh Thanh Hóa cũng cần có định hướng phát triển và quy hoạch vùng, tránh tình trạng mở rộng diện tích ồ ạt và bấp bênh đầu ra. |