| Hotline: 0983.970.780

Ninh Bình: Cất cánh du lịch từ công nghiệp văn hóa

Thứ Sáu 09/05/2025 , 10:46 (GMT+7)

Gần 200 đại biểu, chuyên gia cùng trao đổi những ý tưởng, giải pháp, chia sẻ kinh nghiệm phát triển công nghiệp văn hóa song hành cùng du lịch, nâng tầm du lịch Ninh Bình.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Báo Tiền phong.

Ông Nguyễn Cao Sơn, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: Báo Tiền phong.

Sáng nay (9/5), Hội thảo "Đưa công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy để du lịch Ninh Bình cất cánh” diễn ra tại TP. Hoa Lư, Ninh Bình.

Hội thảo là diễn đàn có ý nghĩa quan trọng trong việc tìm ra hướng đi mới cho sự phát triển bền vững của du lịch Ninh Bình - vùng đất địa linh nhân kiệt, nơi hội tụ vẻ đẹp kỳ vĩ của thiên nhiên và chiều sâu văn hóa lịch sử. Hội thảo thu hút gần 200 đại biểu, chuyên gia tham dự với kỳ vọng xây dựng Ninh Bình thành trung tâm văn hóa - du lịch đặc sắc trong tương lai.

Phát biểu khai mạc Hội thảo, ông Nguyễn Cao Sơn - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Bình chia sẻ, phát triển công nghiệp văn hóa là một trong những chiến lược phát triển kinh tế bền vững, để Ninh Bình hiện thực hóa mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội "Xanh, bền vững và hài hòa".

“Với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị, du lịch Ninh Bình đã trở thành 1 trong 10 điểm đến hàng đầu Việt Nam và được ghi nhận nhiều giải thưởng danh giá. Quần thể danh thắng Tràng An được bình chọn là "điểm đến có ảnh hưởng trên thế giới". Qua đó, năm 2024 Ninh Bình đón trên 8,7 triệu lượt khách, vượt 16% kế hoạch. Doanh thu đạt hơn 9.100 tỷ đồng, tăng trên 40% so với năm 2023. Giá trị GRDP ngành dịch vụ năm 2024 đạt hơn 22.000 tỷ đồng, tăng 9,5% so với năm 2023”, ông Nguyễn Cao Sơn thông tin.

Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

Quần thể danh thắng Tràng An, tỉnh Ninh Bình.

Là cửa ngõ phía Nam đồng bằng Bắc Bộ, kết nối ba vùng kinh tế lớn và nằm trên các hành lang kinh tế quan trọng, Ninh Bình có địa hình đa dạng với ba vùng sinh thái đặc trưng, giàu tài nguyên thiên nhiên và văn hóa. Địa phương này sở hữu nhiều danh thắng nổi tiếng như Cố đô Hoa Lư, Tràng An, chùa Bái Đính, nhà thờ đá Phát Diệm, Vườn quốc gia Cúc Phương... và từng là kinh đô của ba triều đại: Đinh, Tiền Lê, Lý. Hiện tỉnh có 81 di tích quốc gia (trong đó có 3 di tích quốc gia đặc biệt), 1 di sản thế giới, 5 bảo vật quốc gia, hàng trăm di sản văn hóa vật thể và phi vật thể. Đặc biệt, Quần thể danh thắng Tràng An là di sản kép duy nhất ở Việt Nam và Đông Nam Á, được UNESCO ghi nhận là mô hình tiêu biểu về phát triển kinh tế gắn với bảo tồn di sản.

Xác định để du lịch "cất cánh" cần có chiến lược phát triển toàn diện, đồng bộ. Không chỉ là khai thác tài nguyên mà phải gắn liền với bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa. Đảng bộ tỉnh Ninh Bình đã ban hành Nghị quyết 07 xác định rõ mục tiêu đến 2030 đưa du lịch thành kinh tế mũi nhọn, đóng góp 8% GRDP.

Hội thảo lần này mang đến những ý kiến đóng góp của chuyên gia, đây sẽ là định hướng của chính sách, chiến lược phù hợp để Ninh Bình trở thành một trọng tâm văn hóa - du lịch đặc sắc, là cơ sở khoa học để hoàn thành mục tiêu đến 2035 Ninh Bình trở thành thành phố thuộc Trung ương với đặc trưng Đô thị di sản thiên niên kỷ, thành phố sáng tạo.

Chia sẻ tại Hội thảo, ông Phan Tâm - Thứ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch nhìn nhận, những năm gần đây, du lịch Ninh Bình phát triển mạnh mẽ. Thời gian tới, du lịch Ninh Bình cần tiếp tục bứt phá về chất, yếu tố văn hóa phải được xác định là hạt nhân của mọi chiến lược, nhất là du lịch văn hóa.

“Câu chuyện của Ninh Bình không phải là địa phương có gì, mà là làm như thế nào để thương hiệu du lịch có sức cạnh tranh, lan tỏa, vươn tầm quốc tế. Chúng ta cần nhìn văn hóa như một tài nguyên đặc biệt, có thể tái tạo, sinh lợi lâu dài, có giá trị kinh tế, tinh thần, tạo giá trị độc đáo cho sản phẩm du lịch. Để công nghiệp văn hóa thành đòn bẩy đưa du lịch cất cánh, địa phương cần tạo chính sách thuận lợi để thu hút kinh tế tư nhân, đồng thời chú trọng chuyển đổi số, số hóa di sản, bảo tàng ảo. Bên cạnh đó, chuyển đổi số trong văn hóa là tất yếu, để giá trị di sản vượt phạm vi địa phương”, ông Phan Tâm đánh giá.

Xem thêm
Có một Điện Biên trong thơ

Một trong những bài thơ về Chiến thắng Điện Biên Phủ ra đời sớm nhất có lẽ là 'Quân ta toàn thắng ở Điện Biên Phủ' của Chủ tịch Hồ Chí Minh đăng trên Báo Nhân Dân số 184, ngày 12/5/1954 với bút danh CB.

Chức vô địch V.League 2024/2025 trong tầm tay Nam Định

Chức vô địch V.League 2024/2025 trong tầm tay của Nam Định sau chiến thắng 3-0 trước chủ nhà Hà Nội FC ngay trên sân Hàng Đẫy vào tối 4/5.

Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam sắp thu vé tham quan

Từ ngày 12/4/2025, người dân và du khách khi vào tham quan Bảo tàng Lịch sử Quân sự Việt Nam cần mua vé với mức giá 40.000 đồng/người/lượt.

Nghệ An kết thúc 'kỳ nghỉ xanh' ấn tượng

Du lịch sinh thái - lịch sử, về với biển, với làng bản, ruộng đồng... đã mang về cho du lịch Nghệ An doanh thu gần 2.000 tỷ đồng.

Khai mạc triển lãm ảnh 'Hoàng Sa, Trường Sa - Tổ quốc nơi đầu sóng'

Sáng 17/3, Vùng 4 Hải quân khai mạc triển lãm ảnh nhân dịp 50 năm giải phóng Quần đảo Trường sa và 70 năm thành lập Hải quân Nhân dân Việt Nam.