Ngày 2/7, đại diện Bảo hiểm xã hội khu vực XXVII (là cơ quan hợp nhất từ Bảo hiểm xã hội 3 địa phương: TP.HCM, Bình Dương và Bà Rịa - Vũng Tàu) cho biết, đơn vị đã có thông báo đến người lao động, doanh nghiệp về các chính sách thay đổi liên quan đến bảo hiểm xã hội theo Luật Bảo hiểm xã hội 2024.

Nhiều chính sách mới về Bảo hiểm xã hội có hiệu lực từ ngày 1/7. Ảnh: Mỹ Hạnh.
Cụ thể, từ 1/7/2025, các chính sách dưới đây bắt đầu có hiệu lực.
Chế độ ốm đau: Bổ sung quy định chế độ ốm đau nửa ngày để đảm bảo quyền lợi tốt nhất cho người lao động (NLĐ). Sửa đổi quy định về chế độ ốm đau dài ngày, theo đó NLĐ được hưởng chế độ ốm đau dài ngày từ 30 đến 70 ngày tùy theo điều kiện làm việc với mức hưởng bằng 75%, sau đó vẫn tiếp tục điều trị được hưởng tiếp chế độ ốm đau với mức thấp hơn (65%, 55%, 50%).
Bổ sung quy định: trong tháng đầu làm việc hoặc trở lại làm việc mà NLĐ nghỉ việc hưởng chế độ ốm đau từ 14 ngày trở lên thì vẫn phải đóng bảo hiểm xã hội của tháng đó.
Chế độ thai sản: Lao động nữ mang thai được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản để đi khám thai tối đa 5 lần, mỗi lần không quá 2 ngày.
Lao động nữ đã đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng liền kề trước khi sinh con đối với trường hợp phải nghỉ việc để điều trị vô sinh thì được hưởng chế độ thai sản.
Bổ sung quy định đối với trường hợp lao động nữ mang thai hoặc mang thai hộ có đủ điều kiện về thời gian đóng để hưởng chế độ thai sản khi sinh con, nếu trong trường hợp thai từ đủ 22 tuần tuổi trở lên mà bị sảy thai, phá thai, thai chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ thì lao động nữ và người chồng được nghỉ việc hưởng chế độ thai sản như trường hợp lao động nữ sinh con.
Người có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện hoặc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội bắt buộc vừa có thời gian đóng bảo hiểm xã hội tự nguyện từ đủ 6 tháng trở lên trong thời gian 12 tháng trước khi sinh con được hưởng trợ cấp thai sản. Mức hưởng 2.000.000 đồng cho mỗi con được sinh ra (bao gồm cả thai từ 22 tuần tuổi trở lên chết trong tử cung, thai chết trong khi chuyển dạ); trợ cấp thai sản do ngân sách Nhà nước chi trả.

Việc sáp nhập đơn vị hành chính không ảnh hưởng đến quyền lợi khám chữa bệnh BHYT của người dân. Ảnh: Mỹ Hạnh.
Chế độ hưu trí: NLĐ đóng bảo hiểm xã hội từ đủ 15 năm trở lên thì được hưởng chế độ hưu trí nếu đủ tuổi theo quy định. Định kỳ hằng năm, người hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hàng tháng qua tài khoản cá nhân có trách nhiệm phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc tổ chức dịch vụ được cơ quan BHXH ủy quyền để thực hiện việc xác minh thông tin đủ điều kiện hưởng.
Trợ cấp hưu trí xã hội, trợ cấp hàng tháng: Công dân Việt Nam từ đủ 75 tuổi trở lên (từ đủ 70 tuổi đến dưới 75 tuổi thuộc hộ nghèo, hộ cận nghèo) không hưởng lương hưu hoặc trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng, có đề nghị thì được hưởng trợ cấp hưu trí xã hội.
NLĐ đủ tuổi nghỉ hưu có thời gian đóng bảo hiểm xã hội nhưng không đủ điều kiện hưởng lương hưu và chưa đủ điều kiện hưởng trợ cấp hưu trí xã hội, nếu không hưởng bảo hiểm xã hội một lần, có đề nghị thì được hưởng trợ cấp hằng tháng.
Chế độ tai nạn lao động: NLĐ tham gia bảo hiểm tai nạn lao động tự nguyện, khi bị tai nạn lao động có mức suy giảm khả năng lao động từ 5% trở lên được hưởng chế độ trợ cấp bảo hiểm tai nạn lao động.
Chế độ tử tuất: Quyền lựa chọn hưởng trợ cấp tuất hàng tháng hoặc một lần: Thân nhân thuộc diện hưởng trợ cấp tuất hàng tháng theo quy định nhưng có nguyện vọng hưởng trợ cấp tuất một lần (bỏ quy định trừ trường hợp con dưới 6 tuổi, con hoặc vợ hoặc chồng mà bị suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên).
Bảo hiểm xã hội một lần: NLĐ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội trước ngày 1/7 đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 15 năm đóng bảo hiểm xã hội; ra nước ngoài để định cư; người đang mắc một trong những bệnh ung thư, bại liệt, xơ gan mất bù, lao nặng, AIDS; người có mức suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; người khuyết tật đặc biệt nặng; sau 12 tháng không thuộc đối tượng tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc mà cũng không tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện và có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm nếu có nguyện vọng thì sẽ được nhận bảo hiểm xã hội một lần.
Trong khi đó, đối với người bắt đầu tham gia bảo hiểm xã hội từ ngày 1/7/2025, điều kiện rút bảo hiểm xã hội 1 lần được siết chặt. NLĐ chỉ được rút khi thuộc 1 trong các lý do như: đủ tuổi nghỉ hưu nhưng chưa đủ 15 năm đóng; ra nước ngoài định cư; mắc bệnh hiểm nghèo; suy giảm khả năng lao động từ 81% trở lên; hoặc là người khuyết tật đặc biệt nặng.
Bà Nguyễn Thị Thu Hằng, Phó Giám đốc Bảo hiểm xã hội khu vực 27 cho biết, dù có sự thay đổi về mặt tổ chức, người dân vẫn có thể thực hiện các thủ tục liên quan đến bảo hiểm xã hội tại 36 cơ quan bảo hiểm xã hội cấp huyện như trước đây. Những đơn vị này tiếp tục đảm nhiệm nhiệm vụ và quyền hạn trên địa bàn cho đến khi có sắp xếp mới từ cấp có thẩm quyền.