
Năm 2025, tổng diện tích trồng vải thiều trên địa bàn huyện Tân Yên là 1.375 ha, dự báo sản lượng ước đạt 15.500 tấn, tăng nhẹ so với 15.000 tấn của năm 2024. Trong đó, diện tích vải chín sớm chiếm 1.250 ha, sản lượng ước đạt 15.000 tấn.

Vải thiều là loại cây chủ lực, được nhiều người dân trên địa bàn huyện Tân Yên trồng từ nhiều năm nay. Hiện nay, vải sớm tại xã Phúc Hoà đang bước vào thu hoạch, với giá khoảng 100/kg.

Ngoài vải thiều, huyện Tân Yên còn có nhiều loại cây trồng khác (như nho) cũng đem lại hiệu quả kinh tế cho người dân. Theo đó, nhiều mô hình trồng cây ăn quả được thực hiện theo hướng công nghệ cao gắn với bảo vệ môi trường sinh thái.

Tại xã Ngọc Lý, Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Huyền Trang – Ngọc Lý là một đơn vị điển hình trong việc trồng nho theo công nghệ cao.

Trong trồng nho, ngoài việc lựa chọn giống, cách trồng và chăm sóc phù hợp thì còn đòi hỏi phải có sự tận tụy, tỉ mỉ với từng chi tiết.

Nhờ sản xuất theo công nghệ cao, sản phẩm của Hợp tác xã nông nghiệp công nghệ cao Huyền Trang – Ngọc Lý luôn đạt năng suất, chất lượng và bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm.

Còn tại xã Liên Chung, Sâm núi Dành là một sản phẩm nổi tiếng, đem lại giá trị kinh tế khá cao. Đây là sản phẩm được xem như một loại dược liệu quý của vùng núi Chung Sơn (nay là núi Dành).

Bên cạnh đó, sản phẩm này còn có giá trị lịch sử và là biểu tượng văn hóa của vùng đất Tân Yên cũng như niềm tự hào của người dân địa phương.

Ông Nguyễn Đắc Văn – Phó Chủ tịch UBND xã Liên Chung cho biết, Sâm núi Dành có nhiều công dụng như: mát gan, tiêu độc, giải nhiệt, tiêu hóa, an thần chữa mất ngủ...

Các bộ phận của Sâm núi Dành gồm có: hoa, cây, lá và củ sâm tươi được chế biến thành nhiều sản phẩm tiêu dùng như: Sâm hòa tan, trà hoa sâm, sâm đóng túi, rượu sâm, hoa sâm tươi và sấy khô, củ sâm tươi và sấy khô, cây rễ lá sấy khô...