'Hô biến' đất nông nghiệp thành nhà xưởng
Theo ghi nhận của phóng viên, tại thôn: 6, 7A, 7B và xóm Mới xã Dương Liễu, huyện Hoài Đức (TP Hà Nội) các hộ dân đã tự ý xây dựng hàng trăm nhà xưởng, nơi đây được ví như một “Cụm công nghiệp nhỏ”. Tuy nhiên, đây thực chất là các công trình sai phép.
Các công trình này đều được xây dựng kiên cố bằng khung sắt, thép có quy mô từ 100m2 đến hàng nghìn m2 được bao bọc bằng những bức tường tôn cao 3-4m. Hầu hết những nhà xưởng này đều đã hoàn thiện và đưa vào sử dụng, nằm xen kẽ trong những ruộng rau, cây ăn quả đang canh tác.

Hàng loạt nhà xưởng ngang nhiên xây dựng trên đất nông nghiệp tại xã Dương Liễu. Ảnh: Quán Dũng.
Không những thế, nhiều nhà xưởng xả nước thải, hoá chất độc hại, chưa qua xử lý ra ao hồ, kênh mương, khiến nước sông đen kịt, bốc mùi hôi thối. Môi trường bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Khói đen, khói trắng bay mù mịt từ những xưởng sản xuất gỗ ép, bao bì, nghiền nhựa….
Điểm chung của các xưởng sản xuất là không có giấy phép xây dựng, không đảm bảo điều kiện phòng cháy chữa cháy và không có biện pháp bảo vệ môi trường.

Loạt ống xả khói từ các nhà xưởng trái phép gây ô nhiễm môi trường. Ảnh: Quán Dũng.
Những mảnh đất vốn dĩ là đất canh tác nông nghiệp nhưng các nhà xưởng kiên cố mọc lên ngày một nhiều. Bất chấp sự tồn tại của các cấp chính quyền địa phương, các nhà xưởng vi phạm này vẫn ung dung hoạt động và thậm chí được Ngành điện cấp điện lưới 3 pha để phục vụ sản xuất mà không hề bị xử lý.
'Trên nóng, dưới lạnh'
Theo Quyết định số 04/2019/QĐ-UBND của UBND TP Hà Nội quy định về “Quản lý trật tự xây dựng trên địa bàn TP Hà Nội” nêu rõ: “Công trình xây dựng trên địa bàn Thành phố phải được thường xuyên kiểm tra, giám sát từ khi khởi công đến khi hoàn thành và đưa vào sử dụng. Vi phạm về trật tự xây dựng phải được phát hiện kịp thời, ngăn chặn và xử lý dứt điểm ngay từ khi mới phát sinh, đảm bảo đúng quy trình, công khai, minh bạch. Mọi hậu quả do vi phạm hành chính gây ra phải được khắc phục triệt để theo quy định của pháp luật.
Cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân được giao nhiệm vụ quản lý trật tự xây dựng nhưng thiếu tinh thần trách nhiệm trong thực thi công vụ, buông lỏng quản lý hoặc có dấu hiệu bao che, tiếp tay cho các vi phạm trật tự xây dựng thì tùy theo tính chất, mức độ sai phạm bị xử lý hành chính, bị xử lý kỷ luật theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự, trường hợp gây thiệt hại vật chất phải bồi thường theo các quy định của pháp luật”.

Kênh mương, môi trường tại khu vực nhà xưởng trái phép ô nhiễm nghiêm trọng. Ảnh: Quán Dũng.
Tiếp đó, ngày 23/4/2025, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản chỉ đạo xử lý các công trình chưa được nghiệm thu về phòng cháy chữa cháy (PCCC) nhưng đã đưa vào hoạt động, cùng với các công trình xây dựng không phép, trái phép.
Văn bản nêu rõ: “Lực lượng chức năng gồm xây dựng, quản lý đô thị, điện lực, UBND cấp xã tăng cường kiểm tra, xử lý công trình xây sai phép trên đất nông nghiệp, lâm nghiệp, hành lang bảo vệ đê điều, lưới điện... hay sai mục đích sử dụng đất. Việc cấp phép, kiểm tra công trình xây dựng cần được chấn chỉnh… Trường hợp công trình sai phép vẫn hoạt động sẽ bị lập biên bản, ngừng cung cấp dịch vụ điện, nước theo quy định”.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy tình trạng vi phạm đất đai, vi phạm trật tự xây dựng, xây dựng trái phép trên đất nông nghiệp và gây ô nhiễm môi trường tại xã Dương Liễu vẫn diễn ra phức tạp, vi phạm quy mô lớn nhưng không bị xử lý. Điều này đã gây bức xúc trong dư luận và nhiều câu hỏi đã được đặt ra, vì sao những nhà xưởng này lại được xây dựng trái phép mà không hề bị chính quyền và cơ quan chức năng xử lý?!

Đất nông nghiệp được "hô biến" thành nhà xương mà không hề bị chính quyền địa phương xử lý. Ảnh: Quán Dũng.
Liên quan đến vụ việc này, ông Nguyễn Tiến Quảng, Phó Chủ tịch UBND xã Dương Liễu, cho biết: UBND xã Dương Liễu đã nhiều lần kiểm tra, xử lý. Ngày 4/4/ 2025 Chủ tịch UBND huyện Hoài Đức đã kiểm tra trực tiếp và đã xử lý một số công trình vi phạm. Bên cạnh đó, Chủ tịch huyện đã chỉ đạo xã tiếp tục rà soát, phân loại các trường hợp.
Khi được hỏi về tổng diện tích đất nông nghiệp đang bị chiếm dụng để xây dựng nhà xưởng thì ông Quảng không nhớ rõ, cho đây là những tồn tại từ trước. Phóng viên đề nghị ông Quảng cung cấp hồ sơ xử lý vi phạm, biên bản kiểm tra thì ông viện nhiều lý do không cung cấp.
Trước thực trạng buông lỏng quản lý sử dụng đất trên địa bàn, đề nghị UBND huyện Hoài Đức không chỉ xử lý hành vi vi phạm mà cần làm rõ trách nhiệm của lãnh đạo UBND Xã Dương Liễu, xử lý cán bộ để xảy ra vi phạm trong quản lý đất đai, xây dựng và công khai trước nhân dân.