Nghị quyết số 68-NQ/TW ngày 4/5/2025 của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân mang đến một cú hích lớn cho khu vực kinh tế này. Nghị quyết không chỉ tác động cải cách về thể chế mà còn ở hành lang pháp lý, tài chính và môi trường kinh doanh, giúp doanh nghiệp (DN) từng bước vươn ra toàn cầu.
Nhiều nội dung đưa ra tại Nghị quyết 68 sẽ giúp khối kinh tế tư nhân thay đổi một cách bước ngoặt, mang đến cơ hội bứt phá cho các DN, đặc biệt DN bất động sản (BĐS) cũng như thị trường BĐS Việt Nam trong trung và dài hạn.
Nghị quyết 68 gỡ vướng mắc cho các dự án
Hiện cả nước có hơn 2.200 dự án bị ách tắc với tổng vốn gần 5,9 triệu tỷ đồng, tương đương 50% GDP. Tình trạng hàng loạt dự án bị đình trệ do vướng mắc pháp lý kéo dài, đặc biệt trong khâu giao đất, cấp phép xây dựng và giải phóng mặt bằng đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung, thanh khoản thị trường và niềm tin của nhà đầu tư, nếu không được tháo gỡ sẽ kìm hãm sự tăng trưởng của nền kinh tế.
Việc gỡ vướng cho các dự án này có thể khiến GDP tăng thêm 1-2%, bởi khu vực tư nhân, đặc biệt nhóm bất động sản đang dẫn dắt nhiều lĩnh vực then chốt như hạ tầng, thương mại, dịch vụ, du lịch.

Nghị quyết 68 là bước ngoặt mang tính chất chiến lược, củng cố niềm tin DN vừa và nhỏ. Ảnh Thùy Linh.
Theo đánh giá của ông Nguyễn Văn Khôi – Chủ tịch Hiệp hội BĐS Việt Nam, Nghị quyết 68 được kỳ vọng sẽ tạo ra đột phá mạnh mẽ. Trong nghị quyết đưa ra yêu cầu cụ thể đối với lĩnh vực đất đai như xây dựng cơ sở dữ liệu đất đai thống nhất, kết nối với các hệ thống quốc gia sẽ giúp tăng minh bạch; giảm thời gian cấp giấy chứng nhận; đẩy nhanh công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng và gỡ vướng cho hàng nghìn dự án đang tắc nghẽn.
Nghị quyết 68 đặt ra nhiệm vụ trong năm 2025 hoàn thành việc rà soát, loại bỏ những điều kiện kinh doanh không cần thiết, quy định chồng chéo, không phù hợp, cản trở sự phát triển của doanh nghiệp tư nhân. Thực hiện cắt giảm ít nhất 30% thời gian xử lý thủ tục hành chính; ít nhất 30% chi phí tuân thủ pháp luật; ít nhất 30% điều kiện kinh doanh và tiếp tục cắt giảm mạnh trong những năm tiếp theo.
Nghị quyết cũng yêu cầu có cơ chế, chính sách phù hợp kiểm soát biến động giá đất, đặc biệt là giá đất sản xuất kinh doanh, phi nông nghiệp; hạn chế tối đa ảnh hưởng đến kế hoạch đầu tư, sản xuất - kinh doanh của doanh nghiệp.
Khi thực hiện các nhiệm vụ này, hiện tượng đầu cơ, tạo khan hiếm giả và thao túng giá sẽ dần bị loại bỏ, góp phần ổn định niềm tin của nhà đầu tư và người dân. Từ đó, sức hấp dẫn của thị trường sẽ được củng cố, thúc đẩy dòng vốn đầu tư quay trở lại, trở thành động lực hỗ trợ tăng trưởng kinh tế.
Thị trường BĐS phải được kiểm soát
Ông Trần Thanh Tuấn – Chuyên gia pháp lý Hiệp hội BĐS Việt Nam đánh giá, tinh thần của Nghị quyết 68 tập trung vào khối kinh tế tư nhân, nhấn mạnh vai trò kinh tế tư nhân trong phát triển kinh tế VN. Đây là Nghị quyết có tầm nhìn đúng bản chất kinh tế. Chúng ta có thời gian dài tập trung phát triển kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể. Các khối kinh tế này cũng đã thể hiện được vai trò lịch sử trong hoàn cảnh nhất định. Kinh tế tư nhân tập trung nhiều vào vai trò sáng tạo của các cá nhân, các doanh nghiệp, không phụ thuộc vào việc tập thể phải biểu quyết. Bản chất kinh tế tư nhân là sự sáng tạo.
Nhìn lại lịch sự chương trình khoán 10, vai trò của kinh tế tư nhân là cốt lõi. Các DN BĐS hoạt động mạnh mẽ tại Việt Nam thời gian gần đây là minh chứng cho sự thành công kinh tế tư nhân. Rõ ràng, các DN đã ghé vai vào sự phát triển chung của nền kinh tế.
"Tôi hi vọng với chủ trương của Đảng tại Nghị quyết 68, khối kinh tế tư nhân sẽ được tạo điều kiện trong việc tiếp cận đất đai tốt hơn nữa. Bên cạnh đó, cơ chế và thủ tục hành chính phải lấy trọng tâm phục vụ là DN và người dân", ông Tuấn nói.
Trong thời gian tới, các DN chắc chắn sẽ đối mặt với nhiều thách thức. Đơn cử, thị trường đang đối mặt với tình trạng giá BĐS rất cao so với mặt bằng thu nhập của người dân. Làm thế nào để giá nhà đất trở về đúng giá trị thực, đóng góp cho sự phát triển kinh tế nhưng lại không làm suy yếu đi sự phát triển thị trường. Đây là bài toán khó.
Trong cuộc chơi này, chúng ta phải chấp nhận có nhiều DN tiềm lực tài chính yếu sẽ không thể đứng vững. Để có dòng tiền nhiều DN phải chấp nhận giảm giá bán. Việc giảm giá phải được kiểm soát để không gây ra hiệu ứng domino trên toàn thị trường kể cả thị trường tín dụng.
Đồng quan điểm, ông Nguyễn Chí Thanh - Phó Tổng Giám đốc Công ty BĐS Newtaco nhìn nhận, Nghị quyết 68 là bước ngoặt mang tính chất chiến lược, củng cố thêm niềm tin DN vừa và nhỏ, đặc biệt là các DN trong lĩnh vực BĐS.
Thời gian vừa qua, các DN gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận đất đai. Cụ thể, khi thực hiện dự án, DN không thể đi thỏa thuận với từng hộ gia đình về mức bồi thường. Bởi, trước đó đã có nhiều cá nhân đứng ra thu gom trước để chờ đợi dự án. Khi DN thỏa thuận, họ đều đưa ra mức giá rất cao.
Vì vậy, rất ít DN vừa và nhỏ thực hiện được dự án nhà ở. Đây là nguyên nhân vì sao thời gian qua, thị trường BĐS lại xuất hiện nhiều sản phẩm cao cấp thuộc sở hữu của các DN lớn.
Các DN rất mong muốn Nhà nước là đơn vị sẽ đứng ra điều tiết thị trường thông qua số hóa cơ sở dữ liệu về đất đai. Đây là cơ sở rất quan trọng để tham chiếu giá đất. Nếu DN nào bán BĐS với mức giá quá cao, Nhà nước sẽ có công cụ để điều tiết, bình ổn giá giúp người dân có cơ hội tiếp cận với nhà ở. Đồng thời, tạo sự cạnh tranh bình đẳng đối với các DN.
DN BĐS là một thành phần đặc biệt quan trọng trong khối kinh tế tư nhân, đóng vai trò dẫn dắt trong nhiều trục phát triển từ đô thị hóa, hạ tầng, công nghiệp, thương mại đến du lịch và dịch vụ.
Phát triển thị trường BĐS chính là một trong những động lực quan trọng để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Nghị quyết 68 cùng hàng loạt các chính sách mới đã được ban hành như Nghị quyết 170,171 sẽ góp phần giúp thị trường tăng trưởng bền vững, ổn định.