Phía sau thành phố bình yên…
TP. Hồ Chí Minh đang trong những ngày nghỉ lễ 30/4 và 1/5. Đường phố rực rỡ cờ hoa, đông đảo người dân nô nức lên đường du lịch, tụ họp, tận hưởng phút giây đoàn viên bên gia đình, nhưng ở một góc khác của thành phố, vẫn có những con người thầm lặng bắt đầu ngày làm việc như bao ngày thường. Họ là những công nhân vệ sinh môi trường khoác lên mình bộ đồng phục cam quen thuộc, âm thầm giữ cho phố phường sạch đẹp sau mỗi cuộc vui trong ngày lễ.

TP. Hồ Chí Minh đang trong những ngày nghỉ lễ, đường phố luôn rực rỡ cờ hoa chào mừng 50 năm Ngày Giải phòng Sài Gòn. Ảnh: Minh Sáng.
Từ lúc 4 giờ sáng, khi thành phố còn chìm trong giấc ngủ, những công nhân vệ sinh môi trường đã có mặt trên từng tuyến đường, góc phố. Thậm chí đến tận đêm khuya, khi dòng người đã thưa dần, họ vẫn miệt mài dọn từng mảnh rác, từng chiếc ly nhựa, vỏ lon còn sót lại. Do vào những ngày lễ lớn, lượng rác thải tăng gấp ba, bốn lần ngày thường, nhưng không vì thế mà khiến đôi chân họ chùn bước trên khắp nẻo đường phố. Mồ hôi ướt đẫm lưng áo, bàn tay chai sạn, làm việc quần quật như không biết mệt mỏi, họ vẫn luôn nở nụ cười vui khi hoàn thành công việc trước khi cả thành phố đón chào ngày mới.

Anh Đào Văn Phú, công nhân của Công ty Dịch vụ công ích quận 1, TP. Hồ Chí Minh cho biết, nhiều ngày qua, vào cao điểm phục vụ lễ, anh không có ngày giờ nghỉ bên gia đình. Ảnh: Minh Sáng.
Với anh Đào Văn Phú, công nhân của Công ty Dịch vụ công ích quận 1, TP. Hồ Chí Minh, những ngày lễ cũng không khác gì ngày thường, thậm chí ca làm còn kéo dài hơn, công việc nặng nhọc hơn. Nếu như ngày thường, anh chỉ cần vào ca đúng giờ, làm vài tiếng là xong phần việc được giao thì trong dịp đại lễ này, lịch làm việc của anh gần như không theo giờ giấc. Anh bắt đầu công việc từ 2 giờ sáng, khi mọi người còn đang ngủ để kịp dọn sạch các tuyến đường trước khi xe chuyên dụng vào gom rác và người dân bắt đầu một ngày mới.
Vừa tranh thủ gom từng bịch rác bỏ vào xe, anh Phú chia sẻ: “Thấy mọi người chở nhau đi chơi, gia đình sum họp, đôi lúc suy nghĩ mình cũng thèm được nghỉ ngơi như họ. Tuy nhiên, thành phố đang rộn ràng đón lễ, mình là người góp phần giữ cho phố phường sạch đẹp, nếu có phải thức trắng đêm dọn sạch đường phố, mình cũng sẵn sàng. Mình làm vì mọi người, vì thành phố nên có mệt vẫn thấy vui”.

Đêm nào anh Phú cũng đi cùng anh em trong đội vệ sinh cần mẫn quét rác, dọn rác, không quản trời khuya hay nắng sớm. Ảnh: Minh Sáng.
Một tuần qua, anh Phú gần như không có ngày nghỉ, đêm nào anh cũng đi cùng anh em trong đội vệ sinh cần mẫn quét rác, dọn rác, không quản trời khuya hay nắng sớm. Tiếng chổi tre vẫn miệt mài xào xạc trong đêm cho đến khi ánh bình minh ló rạng, đường phố đã sạch sẽ như chưa từng có dấu vết của những cuộc vui hôm qua.
Cũng ở một “mặt trận” thầm lặng khác, Bệnh viện Nhân dân 115 (đường Sư Vạn Hạnh, Quận 10, TP. HCM) vẫn sáng đèn suốt đêm. Tiếng giày rảo bước, tiếng băng ca lướt vội, tiếng máy theo dõi sinh hiệu không ngừng vang lên…nhịp điệu thường nhật trong phòng cấp cứu. Không có ngày nghỉ, chỉ có những ca trực nối dài và những nỗ lực giành giật sự sống. “Trực lễ là nhiệm vụ thường xuyên và chúng tôi không cho phép mình lơ là dù chỉ một phút. Mỗi chỉ số sinh tồn, mỗi thay đổi nhỏ đều phải theo sát, điều chỉnh kịp thời”, một bác sĩ Khoa ngoại thần kinh, Bệnh viện Nhân dân 115 chia sẻ.

Với đội ngũ y bác sĩ, lễ không phải là thời gian được nghỉ ngơi mà là lúc phải giữ vững tay nghề, vững tinh thần, vì bệnh nhân phục vụ. Ảnh: Tư liệu Bệnh viện cung cấp.
Áp lực lớn, cường độ cao, nhưng đội ngũ y bác sĩ vẫn giữ trọn tinh thần phục vụ, luôn lắng nghe, chia sẻ, phối hợp chặt chẽ với người nhà để nâng cao hiệu quả điều trị. Với họ, lễ không phải là thời gian nghỉ ngơi, mà là lúc phải vững tay nghề, vững tinh thần, bởi bệnh tật, tai nạn... không chờ lễ hội qua đi.
Kết nối hành trình, lan tỏa văn hóa dân gian
Những ngày lễ, ga Sài Gòn như càng “nóng” hơn bao giờ hết, lưu lượng hành khách tăng gấp ba lần, khiến mọi khâu vận hành phải căng mình hoạt động hết công suất. Trong dòng người tấp nập ấy, có những người tạm gác lại kỳ nghỉ lễ, đội ngũ nhân viên nhà ga túc trực ngày đêm, giữ cho từng chuyến tàu an toàn và thông suốt.

Giữa không khí rộn ràng của ngày lễ, những nhân viên của ga Sài Gòn luôn giữ nhịp hành trình để mỗi chuyến tàu không chỉ chở người mà còn chở theo niềm vui đoàn viên. Ảnh: Minh Sáng.
Anh Trần Hoàng Thắng, một nhân viên ga Sài Gòn chia sẻ: “Với ngành đường sắt, lễ tết không phải là lúc nghỉ ngơi mà là thời điểm phải tăng cường lực lượng gấp 2–3 lần. Chúng tôi luôn cố gắng làm hết sức để phục vụ bà con đi lại được thuận lợi hơn. Đồng thời nhà ga cũng đã bố trí lực lượng chạy tàu đảm bảo có sức khỏe làm xuyên suốt cho hành khách đi lại an toàn trong những ngày lễ”.
Mặc dù không được sum vầy cùng gia đình trong dịp lễ nhưng họ vẫn miệt mài cống hiến, âm thầm giữ cho dòng chảy giao thông không bị đứt quãng, để hành khách có được hành trình trọn vẹn niềm vui. Trong khi từng chuyến tàu rời ga mang theo những cuộc hội ngộ ngày lễ, thì ở một góc thành phố, những nghệ sĩ rối nước cũng đang cặm cụi sau tấm màn ướt để đánh thức những ký ức văn hóa dân tộc bằng những giọt mồ hôi, đam mê và tình yêu không mệt mỏi với nghệ thuật truyền thống.

Từ nhiều ngày trước kỳ nghỉ lễ, các nghệ sĩ đã miệt mài tập luyện, dàn dựng lại các tiết mục rối nước mang đậm hồn Việt để trong dịp này phục vụ khán giả trong và ngoài nước. Ảnh: Minh Sáng.
Với những nghệ sĩ múa rối nước, ngày lễ chính là khoảng thời gian bận rộn nhất trong năm. Khi phố phường rộn rã tiếng cười, sân khấu rối nước lại sáng đèn từ sáng sớm đến tận đêm khuya. Đứng sau tấm rèm che, dưới làn nước lung linh, những nghệ sĩ của đoàn múa rối Rồng Phương Nam âm thầm cống hiến từng động tác điêu luyện, từng nhịp phách chuẩn xác. Các nghệ sĩ luôn xem mỗi buổi biểu diễn không chỉ là phục vụ khán giả mà còn là cách để tri ân tiền nhân, tiếp lửa nghề cho thế hệ mai sau. Dù làm việc ở vị trí nào, chỉ cần làm bằng đam mê và tâm huyết, thì đó cũng là một cách đóng góp cho ngày đại lễ của đất nước.
Đạo diễn Trần Được, Phó trưởng đoàn múa rối Rồng Phương Nam chia sẻ đầy xúc động: “Những ngày này, khi phố phường rộn ràng chào mừng đại lễ, nhiều người lên kế hoạch du lịch, nghỉ ngơi… thì chúng tôi là những nghệ sĩ múa rối nước vẫn chỉ lặng thầm đứng sau sân khấu, cống hiến từng tiết mục để giữ gìn và lan tỏa giá trị của một loại hình nghệ thuật truyền thống do cha ông để lại, mong muốn phục vụ cho khán giả trong nước cũng như quốc tế được thưởng thức những vở diễn hay nhất”.
Theo đạo diễn Trần Được, từ nhiều ngày trước kỳ nghỉ lễ, các nghệ sĩ đã miệt mài tập luyện, dàn dựng lại các tiết mục rối nước mang đậm hồn Việt, để trong dịp này, mỗi ngày đoàn diễn 3 suất, phục vụ hàng trăm lượt khán giả trong và ngoài nước.

Những ngày lễ, khán giả đến với rối nước đông hơn khiến người nghệ sĩ cảm nhận được loại hình nghệ thuật múa rối nước không chỉ là trò diễn mà chính là ký ức văn hóa đang được đánh thức. Ảnh: Minh Sáng.
Đặc biệt, với những vở diễn như "Huyền sử Yết Kiêu" hay "Trước ngọn sóng" không chỉ là nghệ thuật biểu diễn, mà còn truyền tải thông điệp yêu nước, tôn vinh những anh hùng bảo vệ non sông, biển đảo. Giữa phố thị sôi động, sân khấu rối nước vẫn lặng lẽ giữ hồn dân tộc, trở thành điểm hẹn văn hóa ý nghĩa trong mỗi mùa lễ hội.
“Những ngày lễ như thế này, khi khán giả đến đông hơn, lặng nhìn những con rối múa trên mặt nước khiến chúng tôi cảm nhận rõ ràng loại hình nghệ thuật múa rối nước không chỉ là trò diễn mà chính là ký ức văn hóa đang được đánh thức. Mỗi tràng pháo tay, mỗi ánh mắt say mê theo dõi của khán giả sẽ là nguồn động lực để chúng tôi tiếp tục hành trình gìn giữ di sản, một hành trình tuy gian nan, nhưng chúng tôi rất tự hào vì được góp phần giữ hồn dân tộc qua từng vở diễn”, đạo diễn Trần Được chia sẻ.
Với những nghệ sĩ múa rối nước, mỗi tiết mục không chỉ đơn thuần là một màn trình diễn giải trí, mà còn là một lát cắt ký ức sống động, chân thực của văn hóa dân gian Việt Nam được tái hiện bằng đôi tay và nhịp thở của người nghệ sĩ.

Phía sau tấm rèm che, dưới làn nước mờ ảo không phải là những con người tìm kiếm hào quang mà họ chính là những nghệ sĩ thầm lặng, tận tụy với nghề. Ảnh: Minh Sáng.
Đứng phía sau tấm rèm che, dưới làn nước mờ ảo không phải là những con người tìm kiếm hào quang mà họ chính là những nghệ sĩ thầm lặng, tận tụy với nghề. Không cần ánh đèn sân khấu rực rỡ để toả sáng, bởi chính mồ hôi mặn, đôi bàn tay chai sạn và trái tim luôn cháy bỏng với nghệ thuật mới là thứ khiến họ bền bỉ bám nghề.
Giữa niềm vui những ngày lễ, vẫn có những con người lặng lẽ giữ cho thành phố sạch đẹp, bệnh viện không ngừng hoạt động, sân khấu luôn sáng đèn… Họ không nghỉ, để mọi người có được niềm vui trọn vẹn. Thật đáng trân quý hơn bao giờ hết!...