Người giữ lửa chầu văn
Nghệ nhân Bùi Quốc Thi bận rộn với những buổi hát chầu văn tại các đền phủ. Dù lịch trình kín mít, ông vẫn sẵn lòng dành cho tôi một buổi trò chuyện. Hơn nửa thế kỷ qua, ông miệt mài ngược xuôi khắp trong Nam ngoài Bắc, chỉ cần được mời đi hát hay chia sẻ về nghệ thuật chầu văn, ông đều lập tức lên đường.
Sinh ra trong gia đình có truyền thống hát chầu văn và thờ Mẫu tại Vân Đình (Ứng Hòa, Hà Nội), ông Bùi Quốc Thi là thế hệ thứ tư nối tiếp di sản này. Từ nhỏ, ông đã lớn lên bên tiếng đàn nguyệt và những câu hát văn cổ từ cha mình – cụ Bùi Quốc Oanh. Được thừa hưởng vốn chữ Nho cùng năng khiếu âm nhạc bẩm sinh, ông nhanh chóng thấm nhuần tinh hoa của bộ môn nghệ thuật này.
Mới 14 tuổi, ông đã thành thạo đàn nguyệt, có thể đi hát tại các giá hầu ở đền phủ quanh vùng. Thậm chí, có những làn điệu ông chưa từng được dạy nhưng vẫn tự lĩnh hội, như thể hát văn đã ăn sâu vào máu thịt.

Nghệ nhân Bùi Quốc Thi thời còn trẻ, lúc đang nhập ngũ tại Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng TP.HCM. Ảnh: NVCC.
Khi bước vào tuổi đôi mươi, ông nhập ngũ tại Bộ Tư lệnh Bộ đội biên phòng TP.HCM. Dù ở môi trường quân đội, niềm đam mê chầu văn trong ông vẫn không hề vơi cạn. Mỗi khi có thời gian rảnh, ông lại tìm đến các cung văn giỏi để học hỏi, trau dồi thêm kỹ năng. Trong một hội thi văn nghệ do Bộ Tư lệnh tổ chức, ông đã sáng tác bài thơ “Ơn Đảng Bác Hồ” rồi phổ nhạc theo làn điệu chầu văn để biểu diễn. Nhờ đó, hai năm liên tiếp (1982-1983), ông đoạt giải thưởng cao nhất và nhận bằng khen từ Bộ Tư lệnh.
Sau khi xuất ngũ, ông tiếp tục theo đuổi đam mê và tham gia nhiều cuộc thi lớn, trong đó có các hội thi tại Phủ Dầy. Dù ở bất kỳ sân chơi nào, ông cũng giành giải thưởng cao nhất. Trải qua nhiều thập kỷ gắn bó với nghệ thuật hát chầu văn, những tấm bằng khen và huân chương treo kín phòng khách nhà ông chính là minh chứng cho sự cống hiến không mệt mỏi của một nghệ nhân tài hoa.
Nghệ nhân Bùi Quốc Thi coi hát chầu văn là lẽ sống. Ông bảo: “Ngày nào thiếu hát văn là không thể chịu được.” Với ông, chầu văn không chỉ là nghệ thuật mà còn là sự thăng hoa của mỹ cảm, là lịch sử hào hùng và những bài học nhân sinh sâu sắc.

Phòng khách nhà ông trưng bày nhiều bằng khen, huân chương cao quý. Ảnh: Minh Phương.
Khi nhắc đến từng giá trị ấy, ông không chỉ phân tích cặn kẽ mà còn trích dẫn những câu hát, thậm chí cất giọng hát ngay trong cuộc trò chuyện. Với ông, người hát văn không chỉ đơn thuần là người biểu diễn, mà còn là người gìn giữ tinh thần của tín ngưỡng thờ Mẫu. Họ phải cảm nhận được sự uy linh của các vị thánh, phải hiểu từng thông điệp thiện căn mà lời hát gửi gắm để có thể truyền tải trọn vẹn hồn cốt của chầu văn.
Nhưng dù say mê và tận hiến với chầu văn, điều khiến ông trăn trở nhất không phải là một giá hầu nào, mà là sự mai một của lối hát cổ. Ông lo ngại rằng những biến tướng, lệch chuẩn đang dần làm phai nhạt tinh hoa nguyên bản của nghệ thuật này. Sinh thời, lão nghệ nhân Hoàng Trọng Kha – người mà ông kính trọng – cũng từng dặn dò: “Phải giữ lấy bản sắc”. Lời căn dặn ấy trở thành kim chỉ nam để ông tiếp tục truyền dạy, gìn giữ những giá trị nguyên bản của chầu văn. “Dù sau này không thể tiếp tục hát, tôi vẫn sẽ dạy học. Dù chỉ còn một ngày cuối cùng, tôi vẫn tận hiến cho chầu văn,” ông khẳng định.
Từ những thăng trầm đến bậc “Cung văn đại thụ”
Tình yêu dành cho chầu văn lớn là vậy, nhưng không phải lúc nào con đường ông đi cũng bằng phẳng. Đã có thời, các hoạt động như hầu đồng, hát văn trong tín ngưỡng thờ Mẫu bị xem là mê tín, dị đoan. Những người theo nghề, trong đó có nghệ nhân Bùi Quốc Thi, không tránh khỏi những ánh nhìn dè dặt, thậm chí có lúc bị phản đối.
Ông kể, nhiều thanh đồng, cung văn từng bị nhắc nhở, răn đe, thậm chí chịu sự kiểm soát gắt gao từ chính quyền. Nhưng với ông thì khác, bằng sự am hiểu sâu sắc cùng lý lẽ thuyết phục, ông đã giúp không ít cán bộ nhận ra đây không phải là hủ tục, mà là một nét văn hóa đặc sắc của dân tộc.

Cố GS. TS Ngô Đức Thịnh từng nhiều lần tìm gặp nghệ nhân Bùi Quốc Thi và gọi những người như ông là “nhân chứng sống của chầu văn”. Ảnh: Minh Phương.
Chính niềm đam mê và sự kiên trì ấy đã giúp ông vượt qua giai đoạn khó khăn, trở thành một trong những người góp phần đưa tín ngưỡng thờ Mẫu được UNESCO công nhận là di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại. “Hát bao nhiêu năm nhưng tôi vẫn yêu nghề như vậy. Tôi luôn muốn lan tỏa cái hay, cái đẹp đến cộng đồng. Ai muốn học hay tìm hiểu về hát văn, tôi đều sẵn lòng chia sẻ”, ông bộc bạch.
Hát chầu văn không chỉ là nghệ thuật mà còn là linh hồn của tín ngưỡng thờ Mẫu. Người hát văn giống như một đạo diễn, giữ nhịp và tạo cảm xúc trong từng giá hầu. Ông Bùi Quốc Thi cho rằng, diễn xuất của thanh đồng có thăng hoa hay không phụ thuộc vào sự hòa quyện giữa tiếng đàn, giọng hát và cảm xúc của cung văn.
Ở tuổi ngoài 60, nghệ nhân Bùi Quốc Thi đã được xem như một “đại thụ” của nghệ thuật chầu văn. Ông là một trong số rất ít người có thể trình diễn trọn vẹn 36 giá đồng của tín ngưỡng thờ Mẫu. Không chỉ vậy, suốt nhiều năm qua, ông còn sưu tầm, bảo tồn hàng trăm bài hát với gần 60 làn điệu, trong đó có gần 20 làn điệu hát văn cổ quý giá.
Với mong muốn đưa nghệ thuật chầu văn đến gần hơn với công chúng, ông thường xuyên tham gia các buổi giao lưu văn hóa, hội diễn nghệ thuật quần chúng. Năm 2017, theo lời mời của Sở Văn hóa và Thể thao Hà Nội, ông dàn dựng và biểu diễn trích đoạn giá "Ông Hoàng Mười" và "Cô Đôi Thượng Ngàn" nhân Ngày Di sản văn hóa Việt Nam. Ông cũng đóng góp tư liệu cho các nghiên cứu về tín ngưỡng thờ Mẫu.

Nghệ nhân Bùi Quốc Thi thường xuyên có những buổi tham gia diễn xướng để làm tư liệu cho việc thực hành tín ngưỡng thờ Mẫu tam phủ của người Việt. Ảnh: NVCC.
Không chỉ là một nghệ nhân tài danh, nghệ nhân Bùi Quốc Thi còn là người thầy tận tâm. Từ năm 1998, ông đã mở nhiều lớp dạy hát chầu văn, truyền dạy những làn điệu cổ và kỹ thuật đàn nguyệt. Ông còn thành lập câu lạc bộ Bảo tồn hát văn xứ Đoài, góp phần đưa chầu văn vào đời sống văn hóa cộng đồng.
Ngoài những học trò trực tiếp, ông còn giảng dạy trực tuyến, giúp nghệ thuật hát văn lan tỏa rộng rãi hơn. Đến nay, bốn học trò của ông đã được phong tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú, còn bản thân ông cũng vinh dự nhận danh hiệu Nghệ nhân Nhân dân vào cuối năm 2022 – trở thành nghệ nhân duy nhất của loại hình chầu văn đạt danh hiệu này.
Không chỉ cống hiến trên sân khấu, ông còn hỗ trợ nhiều nhà nghiên cứu văn hóa dân gian trong việc biên soạn sách. Cố GS.TS Ngô Đức Thịnh – nhà nghiên cứu hàng đầu về đạo Mẫu – khi còn sinh thời từng nhiều lần tìm gặp ông, gọi ông là “nhân chứng sống của chầu văn”. Đó chính là minh chứng rõ nét cho những đóng góp không mệt mỏi của ông trong việc giữ gìn và phát huy tinh hoa nghệ thuật hát chầu văn.