Trường hợp của xã Minh Bảo (TP. Yên Bái, tỉnh Yên Bái) là một ví dụ điển hình cho quá trình chuyển đổi từ không gian nông thôn sang mô hình tích hợp trong lòng đô thị.
Minh Bảo, một xã nông thôn mới (NTM) kiểu mẫu đã được hợp nhất với xã Tuy Lộc để thành lập phường Nam Cường. Tuy nhiên, toàn bộ khu vực phường mới này hiện vẫn chưa đạt chuẩn đô thị hoàn chỉnh, trong khi Minh Bảo vẫn giữ được bản sắc nông thôn cùng những thành quả của quá trình xây dựng NTM.
Thực tiễn này đặt ra đòi hỏi cấp thiết: phải tiếp tục duy trì và nâng cao các tiêu chí NTM kiểu mẫu ngay trong không gian đô thị. Khi quá trình đô thị hóa lan đến từng thôn xóm, các khu vực này sẽ chuyển đổi thành tổ dân phố, nhưng điều cốt lõi là không được đánh mất chất lượng cuộc sống nông thôn đã dày công vun đắp.

Tuyến đường kiểu mẫu của xã Minh Bảo hôm nay. Ảnh: Minh Huyền.
Tại cuộc tiếp xúc cử tri ở Yên Bái ngày 20/4, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Đỗ Đức Duy cho biết, Bộ và các cơ quan Trung ương đã ghi nhận kiến nghị về việc công nhận mô hình phường có khu vực nông thôn hoàn thành NTM kiểu mẫu. Đây là một đề xuất hoàn toàn phù hợp với định hướng phát triển của TP. Yên Bái nói riêng và nhiều địa phương trên cả nước nói chung, nhất là trong bối cảnh cả nước đang triển khai mô hình chính quyền hai cấp – nơi mô hình “nông thôn trong đô thị” không còn là điều hiếm gặp.
Trong xu thế sắp xếp lại mô hình tổ chức chính quyền từ ba cấp (tỉnh – huyện – xã) xuống còn hai cấp (tỉnh – xã/phường), chương trình xây dựng NTM cũng buộc phải điều chỉnh theo hướng linh hoạt, hiệu quả và phù hợp với thực tiễn mới. Những thay đổi về thể chế đặt ra yêu cầu đổi mới tư duy trong lựa chọn và triển khai mô hình NTM, đặc biệt là trong việc thiết kế tiêu chí, phân bổ nguồn lực và công nhận chuẩn.
Chính sách thay đổi: Phân quyền và linh hoạt
Hiện tại, Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng NTM đã bước vào năm cuối của giai đoạn 2021–2025. Nhiều địa phương đang tăng tốc để “về đích” đúng hẹn. Tuy nhiên, trước những thay đổi thể chế, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có văn bản đề nghị các địa phương hoàn tất hồ sơ công nhận xã, huyện NTM trước thời điểm hệ thống hành chính cấp huyện hoàn tất sứ mệnh lịch sử.
Theo đó, một số điều chỉnh đáng chú ý đã được đưa ra. Cụ thể, việc quản lý chương trình sẽ không còn do cấp huyện thực hiện mà được chuyển lên cấp tỉnh. Văn phòng điều phối NTM cấp huyện cũng sẽ được hợp nhất vào hệ thống chung. Các chính sách hỗ trợ vẫn được duy trì đối với các xã đang trong quá trình hoàn thiện. Trong trường hợp các xã sáp nhập mà có xã đã đạt chuẩn, còn xã kia chưa đạt, chính sách sẽ ưu tiên hỗ trợ phần còn thiếu để đảm bảo đạt chuẩn đồng bộ.
Nguồn vốn đầu tư sẽ được tỉnh điều tiết một cách chủ động giữa các ngành, các địa phương, thay vì chờ cấp trên phân bổ cụ thể. Tinh thần chung là linh hoạt, hiệu quả và sát với nhu cầu thực tế. Việc công nhận đạt chuẩn vẫn tiếp tục được thực hiện đến hết tháng 5/2025. Sau thời điểm này, việc công nhận sẽ tạm dừng để chuẩn bị cho mô hình quản lý mới.
Giai đoạn mới – Tư duy mới
Bộ trưởng Đỗ Đức Duy cho biết, sau khi tổng kết chương trình vào tháng 6 tới, Bộ sẽ tham mưu Chính phủ xây dựng Chương trình NTM giai đoạn 2026–2030. Một số định hướng lớn đã được xác lập, trong đó có việc tập trung hỗ trợ các địa bàn khó khăn – đặc biệt là khu vực trung du, miền núi – nơi tỷ lệ xã đạt chuẩn còn thấp. Ngược lại, vùng đồng bằng về cơ bản đã hoàn thành các tiêu chí NTM.
Một thay đổi đáng chú ý khác là xu hướng tích hợp các chương trình mục tiêu quốc gia. Thay vì triển khai riêng rẽ, ba chương trình gồm xây dựng NTM, giảm nghèo bền vững và phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số có thể được hợp nhất thành một hoặc hai chương trình tổng thể.
Chính phủ cũng sẽ phân cấp mạnh cho địa phương. Trung ương chỉ giữ vai trò thiết kế, quy định tiêu chí, phân bổ nguồn lực và giám sát đầu ra. Địa phương sẽ toàn quyền quyết định phương thức tổ chức và triển khai. Ví dụ, với chỉ tiêu giảm nghèo, Trung ương giao mục tiêu còn phương pháp thực hiện sẽ do địa phương chủ động lựa chọn.
Một điểm quan trọng khác là việc ban hành bộ tiêu chí NTM mới, áp dụng cho các xã có quy mô lớn hơn sau sáp nhập. Bộ tiêu chí sẽ được phân loại theo khu vực, để phù hợp với đặc điểm từng vùng – như xã vùng đồng bằng, xã ven đô (hướng tới đô thị hóa) và xã miền núi. Bộ trưởng lấy ví dụ, các xã gần trung tâm TP. Yên Bái sau sáp nhập sẽ phải đáp ứng các tiêu chí hạ tầng nâng cao hơn, như: đường giao thông rộng tối thiểu 7m, hệ thống xử lý nước thải, chiếu sáng đô thị và thu gom rác thải tập trung. Trong khi đó, với các xã miền núi, tiêu chí sẽ được điều chỉnh nhẹ nhàng hơn, phù hợp điều kiện thực tế.
Từ nay đến tháng 10/2025, Bộ sẽ hoàn thiện thiết kế Chương trình NTM giai đoạn 2026–2030, trình Chính phủ xem xét và báo cáo Quốc hội phê duyệt. Quá trình này sẽ mở ra một giai đoạn mới, nơi các tiêu chí, phương thức tổ chức và mô hình triển khai NTM phải thực sự phù hợp với một Việt Nam đang đô thị hóa nhanh chóng và tổ chức bộ máy hành chính ngày càng tinh gọn.