| Hotline: 0983.970.780

"Lạm phát" cây Mắc ca: Coi chừng thành họa

Thứ Ba 23/11/2010 , 10:42 (GMT+7)

Hiện cây mắc ca mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho nhiều người dân Lâm Đồng. Tuy nhiên, với kiểu mở rộng diện tích vô tội vạ thì lời cảnh báo được đưa ra bây giờ hẳn không phải là quá sớm.

Ông Phạm Văn Án, GĐ NN-PTNT Lâm Đồng khẳng định: “Trong hiện tại, loại cây mắc ca chỉ mới được phép trồng thử nghiệm trên đất Lâm Đồng chứ tỉnh chưa có chủ trương đưa ra trồng đại trà”. Bởi vậy, việc phát triển tràn lan về diện tích và nhất là việc không kiểm soát được nguồn gốc cây giống đối với loại cây trồng này đang là vấn đề bức xúc của địa phương.

Hiện cây mắc ca mang lại nguồn lợi kinh tế đáng kể cho nhiều người dân Lâm Đồng. Tuy nhiên, với kiểu mở rộng diện tích vô tội vạ không đếm xỉa đến nguồn gốc xuất xứ của cây giống thì ngay bây giờ, có lẽ một lời cảnh báo được đưa ra hẳn không phải là quá sớm.

VIỄN CẢNH TỐT ĐẸP

Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, năm 2006 đơn vị đã đưa giống cây mắc ca về trồng thử nghiệm ở 3 vùng sinh thái điển hình của tỉnh với quy mô 3 – 4 sào/mô hình theo hình thức xen canh trong vườn cây cà phê. Tiếp đến, năm 2007, Công ty TNHH Mắt Đá (TPHCM) cũng đã tiến hành trồng thử nghiệm vài chục hecta tại 4 khu vườn ở hai huyện Lâm Hà và Đơn Dương. Đến cuối 2009 và đầu 2010, những vườn mắc ca của hai đơn vị này đã bắt đầu cho quả.

Ông Bạch Văn Tiến, Phó GĐ Công ty TNHH Mắt Đá, đưa ra phép tính: Với giá hiện tại của thị trường thế giới từ 1,5 – 2USD/kg hạt và với năng suất 3 tấn hạt/ha thì mỗi năm, 1ha mắc ca cho thu nhập khoảng 6.000USD. Mức thu nhập này cao hơn 1.500 – 2.000USD/ha so với trồng cà phê. Hơn thế, so với cây cà phê thì việc trồng cây mắc ca đơn giản hơn nhiều bởi cây chịu hạn tốt, việc chăm sóc không quá cầu kỳ, phù hợp với nhều vùng tiểu khí hậu của Lâm Đồng… nên triển vọng của loại cây trồng này càng lớn đối với tỉnh miền núi Nam Tây Nguyên.

Điều đặc biệt, về lý thuyết thì cây mắc ca sau khi trồng từ 5 – 10 năm mới cho thu hoạch (tùy theo trồng cây giống hạt hoặc cây ghép) nhưng trong thực tế ở Lâm Đồng, vườn mắc ca của hai đơn vị nói trên chỉ mới sau 3 năm đã bắt đầu cho quả bói và đến năm thứ 4 cho thu hoạch chính thức. Ngoài ra, cũng về lý thuyết mà nói, việc trồng xen mắc ca trong vườn cà phê không những tạo tán che mát cho vườn (mắc ca là cây thân gỗ, có tuổi đời trên dưới 100 năm, cao đến hàng chục mét) mà đây còn là nguồn thu nhập phòng bị nếu cà phê rớt giá.

“CHỈ THẤY LỢI LÀ LÀM”

Ông Trần Ngọc Anh ở thị trấn Đinh Văn (huyện Lâm Hà) trong “chiến lược đa dạng hóa cây trồng” bằng cây mắc ca đã trồng thuần khoảng 1ha và trồng xen ở hầu hết 3ha cà phê hiện có của gia đình. Thế nhưng, khi hỏi về nguồn gốc cây giống, ông đã thú thật: “Toàn bộ lượng cây giống đã trồng đều được tôi mua tại một vài cơ sở quen biết và tin tưởng ở huyện Đức Trọng. Tuy nhiên, cũng chỉ là tin tưởng mà mua về trồng thôi, chứ còn nói về nguồn gốc, xuất xứ thì làm sao tôi tường tận”.

Không chỉ ông Anh mà hầu hết các hộ dân trồng mắc ca trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng hiện nay đều mua giống cây trồng theo dạng trôi nổi như vậy. Theo Trung tâm Khuyến nông Lâm Đồng, hiện có rất nhiều hộ gia đình và cơ sở ươm giống tự động săn lùng hạt giống mắc ca (với giá rất cao – 90.000 đồng/kg hạt) để tự gieo ươm và bán cây giống cho nông dân một cách… ngẫu hứng chứ không kể gì đến việc kiểm soát chất lượng giống cây và nguồn gốc xuất xứ theo quy định.

“Chính bản thân những người sản xuất cây giống cũng không thể chắc chắn chất lượng cây giống mà mình xuất bán. Trong khi đó, cũng như nhiều loại cây trồng lâu năm khác, cây mắc ca có thể phát triển khá tốt trong giai đoạn đầu nhưng sau khi thu hoạch vài năm, thậm chí rất nhiều năm thì mới phát bệnh” – ông Phạm Văn Án trao đổi.

GĐ Sở NN-PTNT Lâm Đồng còn cho biết, trong hiện tại, hầu hết giống mắc ca đã được đưa vào trồng thử nghiệm ở Lâm Đồng và cả Tây Nguyên đều được nhập từ Úc, Trung Quốc và Thái Lan với khoảng 20 giống (mắc ca là cây trồng có nguồn gốc từ nước ngoài). Việc nghiên cứu lai tạo hoặc nhân giống để chủ động nguồn cây giống ngay tại chỗ hiện mới chỉ được Viện KHKT Nông lâm nghiệp Tây Nguyên tiến hành (chưa có kết quả chính thức).

“Nông dân chỉ thấy lợi trước mắt là làm chứ chưa tuân thủ quy trình quản lý về chất lượng cây giống. Trước dấu hiệu phát triển tràn lan cây mắc ca trong dân, không ai dám chắc chắn rằng toàn bộ diện tích đó đều được đảm bảo trong vòng mười hoặc mười lăm năm tới, khi cây mắc ca bước vào giai đoạn sung mãn cho trái, cũng chính là lúc mầm bệnh khởi phát” – ông Phạm Văn Án nói. “Sở chúng tôi sẽ tiến hành kiểm tra thực trạng của việc phát triển cây mắc ca trên địa bàn tỉnh trong thời gian sớm nhất để tham mưu cho UBND tỉnh trong việc quản lý chất lượng nguồn giống” – ông Án cho biết thêm.

Xem thêm
Thịt lợn ế ẩm chưa từng có

QUẢNG NGÃI Dịch tả lợn Châu Phi lan rộng ở Quảng Ngãi, gây thiệt hại nặng nề cho người nuôi. Các tiểu thương bán thịt lợn cũng rơi vào cảnh ế ẩm chưa từng có.

Bị xử phạt 5,5 triệu đồng do vứt xác lợn chết ra môi trường

TUYÊN QUANG Từ 19 đến 22/7, tỉnh Tuyên Quang buộc phải tiêu hủy 5.481 con lợn mắc dịch tả lợn Châu Phi tại 376 hộ thuộc 114 thôn, 22 xã, với tổng trọng lượng hơn 304 tấn.

Thử nghiệm khắc phục vùng trồng sầu riêng bị nhiễm cadimi

ĐỒNG THÁP Đồng Tháp - địa phương có diện tích sầu riêng lớn nhất ĐBSCL tiên phong thử nghiệm mô hình giải độc cadimi, mở ra hướng canh tác bền vững và an toàn.

Thiếu dữ liệu, nông hộ cà phê khó đáp ứng quy định EUDR

Hơn 600.000 nông hộ cà phê Việt Nam đối mặt thách thức lớn khi EU siết yêu cầu truy xuất và chống mất rừng từ cuối năm 2025.

Tiết kiệm hơn 30% chi phí phân bón nhờ phương pháp dúi phân

SƠN LA Phương pháp bón dúi phân kết hợp kỹ thuật cấy hàng rộng - hàng hẹp giúp giảm thất thoát, giảm số lần bón phân, chi phí phân bón giảm khoảng 30%, hạn chế sâu bệnh.

Hàng trăm tàu cá bị kiểm tra, xử lý trên vịnh Bắc Bộ

HẢI PHÒNG Từ đầu năm 2025 đến nay, Chi cục Kiểm ngư Vùng I đã tuần tra 80 ngày trên biển, kiểm tra 187 tàu cá, xử lý hàng chục trường hợp vi phạm.

Cần Thơ trồng 5 ha rừng ngập mặn trên đất bãi bồi ven biển

Trồng và bảo vệ rừng hiện không còn là nhiệm vụ của ngành nông nghiệp và môi trường mà trở thành trách nhiệm chung của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội.

Bình luận mới nhất