Trao đổi với Báo Nông nghiệp Việt Nam, kiến trúc sư Trần Huy Ánh (KTS) - Ủy viên Thường vụ Hội Kiến trúc sư Hà Nội, cho biết: Tòa nhà “Hàm cá mập” ở địa chỉ số 7 phố Đinh Tiên Hoàng (quận Hoàn Kiếm) được xây từ đầu năm 1990, hoàn thành vào năm 1993. Quá trình xây dựng, tòa nhà này gặp phải nhiều ý kiến trái chiều từ giới chuyên gia quy hoạch đô thị, cũng như người dân.
Ông nhận xét: phần thô của tòa nhà khá đẹp, duyên dáng, ăn nhập với không gian hồ Hoàn Kiếm. Điều này phù hợp thiết kế ban đầu của KTS Tạ Xuân Vạn. Tuy nhiên, thời điểm đó, tác giả và chính quyền Hà Nội cũng nhận được nhiều ý kiến chê bai kiến trúc “Hàm cá mập” nên phải dừng lại, sau đó giao cho KTS khác sửa.

Tòa nhà 'Hàm cá mập’ nhận nhiều ý kiến chê bai từ khi xây dựng, cần phá bỏ dành. Ảnh: Giang Huy.
Việc thay đổi, chỉnh sửa thiết kế ban đầu khiến công trình “càng sửa càng xấu hơn”, mất đi sự duyên dáng ban đầu, không còn "nương nhờ" không gian hồ Hoàn Kiếm và Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục.
“Điều này càng khiến KTS Tạ Xuân Vạn ngậm ngùi, đem nỗi buồn vào trong lòng, vì ông muốn làm đẹp hồ Hoàn Kiếm nhưng không có cơ hội. Năm 1993, khi công trình đã thi công thô gần xong, ông Vạn đi công tác ở Vinh, về Hà Nội, thấy “đứa con tinh thần” của mình bị bọc kín bằng vải dứa, nhiều chỗ bị đập nham nhở để cơi rộng ra. Ông đã rất đau xót vì không hiểu tại sao người ta lại có cách đối xử dã man như vậy với tác phẩm kiến trúc, với tác giả thiết kế như thế”, KTS Trần Huy Ánh chia sẻ.
Theo ông Ánh, quyết định phá bỏ tòa nhà “Hàm cá mập” của UBND TP Hà Nội là mong ước của nhiều thế hệ người Hà Nội và giới kiến trúc sư.
“Đây là việc làm mang tính lịch sử, hành động mang tính đột phá, góp phần thay đổi tư duy khi nhìn đất đai Hà Nội chỉ là bất động sản khổng lồ để kiếm lợi. Chúng ta phải tạo dựng không gian công cộng đem lại lợi ích cho người dân hôm nay và mai sau.

Kiến trúc sư Trần Huy Ánh. Ảnh: Kiên Trung.
Việc xóa bỏ công trình tòa nhà "Hàm cá mập" sẽ có dư địa để mở rộng không gian Quảng trường Đông Kinh - Nghĩa Thục. Từ lâu, nhiều kiến trúc sư tâm huyết với Hà Nội đều chung suy nghĩ là không nên xây dựng thêm bất cứ công trình nào, mà chỉ "nhổ bớt đi" để hồ Hoàn Kiếm có không gian khoáng đạt hơn, không bị che chắn, tù túng…
Không riêng công trình “Hàm cá mập”, Hà Nội cũng cần phá dỡ, di dời một số trụ sở cơ quan ở phía Đông hồ Hoàn Kiếm (khu vực đường Đinh Tiên Hoàng) như Tổng Công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội, Sở Văn hóa - Thể thao và hàng chục hộ dân… Năm 2008, Hà Nội phát động cuộc thi "Ý tưởng quy hoạch và thiết kế đô thị khu vực Hồ Gươm và phụ cận". Các bài thi sau đó được chấm điểm, trao giải và tổ chức trưng bày, tuy nhiên đến nay hầu hết các ý tưởng chưa được cụ thể hóa", KTS Trần Huy Ánh nói.
Hà Nội mở rộng không gian Hồ Gươm
Thành phố Hà Nội chủ trương di dời một số trụ sở, nhà dân ở phía đông Hồ Gươm, quận Hoàn Kiếm để mở rộng không gian công cộng. Chủ tịch TP. Hà Nội thống nhất việc nghiên cứu quy hoạch, cải tạo theo hướng tăng cường không gian công cộng, không gian mở, phục vụ cộng đồng nhân dân Thủ đô.
Thành phố yêu cầu sở, ngành khẩn trương hỗ trợ các tổ chức, đơn vị và hộ dân nằm trong ranh giới nghiên cứu quy hoạch, xác định khu vực bố trí, xây dựng lại cơ quan, trụ sở làm việc thay thế, dự án tái định cư (đối với hộ dân); đảm bảo điều kiện hoạt động của cơ quan, doanh nghiệp, ổn định đời sống người dân.
UBND TP đề nghị Tập đoàn Điện lực Việt Nam, Tổng công ty Điện lực miền Bắc, Tổng Công ty Truyền tải điện quốc gia, Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội phối hợp với các sở, ngành, UBND quận Hoàn Kiếm để thống nhất phương án, cách thức giải quyết, xử lý công việc liên quan với thời gian nhanh nhất, đảm bảo cho công tác quản lý, vận hành hệ thống cung cấp điện được ổn định.
Phạm vi nghiên cứu quy hoạch được UBND quận Hoàn Kiếm đề xuất là đoạn phố Đinh Tiên Hoàng, từ phố Trần Nguyên Hãn đến trụ sở Sở Văn hóa và Thể thao ở phố Hàng Dầu. Khu vực này hiện có trụ sở Tổng Công ty Điện lực TP Hà Nội và dãy số nhà lẻ từ 61 đến 67.