Khi cung vượt quá cầu
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có 28 mỏ cát được cấp phép, với tổng diện tích là 299 ha, với tổng trữ lượng khai thác khoảng 9,4 triệu m3, công suất cấp phép khai thác 0,784 triệu m3/năm, trong khi nhu cầu sử dụng cát năm 2025 ước tính phải có 5,49 triệu m3 (thiếu khoảng 4,706 triệu m3).
Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn duy nhất mỏ cát số 50 và mỏ 50 mở rộng còn hoạt động với công suất khai thác 15.000 m3/năm, chiếm khoảng 1,9% tổng công suất được cấp phép. Còn 27 mỏ không hoạt động hoặc chưa hoạt động do các tàu thuyền không được đăng kiểm theo quy định hoặc các nguyên nhân khác như chưa được thuê đất nên không đủ điều kiện để khai thác.

Mỏ cát số 62 cắm phao mốc giới theo quy định (hình tròn đỏ). Ảnh: Nguyễn Dũng.
Nguyên nhân chính để các mỏ cát trên địa bàn tỉnh đang dừng hoạt động do không có tàu, thuyền hút cát được đăng kiểm theo quy định, dẫn đến tình trạng hoạt động tại các mỏ được cấp phép gặp khó khăn. Theo báo cáo của các ngành chức năng, để hoàn thành thủ tục mua mới, đăng kiểm các tàu hoán cải hiện có thì thời gian kéo dài từ 4 tháng đến 1 năm, các mỏ còn thiếu thuyền phân luồng ở trên và dưới mỏ theo phương án đảm bảo an toàn giao thông đường thủy; chưa làm xong thủ tục bến bến thủy nội địa; người lái tàu chưa có chứng chỉ nghiệp vụ.
Ngoài ra, tâm lý lo sợ của các chủ mỏ vì có một số trường hợp vi phạm đã bị khởi tố nên một số chủ mỏ đã dừng khai thác dẫn đến tình trạng khan hiếm cát trong thời gian vừa qua.
Theo báo cáo của Đảng ủy UBND tỉnh Thanh Hóa, dự báo trữ lượng quy hoạch so với cấp phép và nhu cầu sử dụng cát làm vật liệu xây dựng giai đoạn 2025- 2030 là 32,84 triệu m3, trong khi trữ lượng cấp phép theo quy hoạch bổ sung mới chỉ đạt 9,4 triệu m3. Như vậy, trữ lượng cấp phép chưa đáp ứng nhu cầu sử dụng (thiếu 23,44 triệu m3).
Nhiều giải pháp khắc phục
Để giải quyết nhu cầu khan hiếm cát xây dựng, Đảng ủy UBND tỉnh đề nghị Ban Thường vụ Tỉnh ủy Thanh Hóa cho chủ trương để các doanh nghiệp được cấp phép khai thác các mỏ cát còn hạn thực hiện phương án khai thác tạm thời, được sử dụng các phương tiện hiện có để bơm, hút cát lên các bãi tập kết và các tàu, thuyền vận chuyển ra khỏi mỏ (các tàu, thuyền vận chuyển không được lắp đặt các thiết bị bơm, hút cát); thời hạn thực hiện không quá 5 tháng để có thời gian cho các chủ mỏ đóng mới, cải hoán tàu thuyền theo quy định.

Mỏ cát số 177 cắm mốc giới trên bờ sông. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Đồng thời, UBND tỉnh giao Sở Nông nghiệp và Môi trường hướng dẫn các doanh nghiệp có mỏ đang bị tạm dừng hoạt động, khẩn trương rà soát hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật để sớm được xem xét hoạt động trở lại. Sở Xây dựng, Chi cục đăng kiểm số 12 cần khẩn trương hoàn thiện các thủ tục đăng ký, đăng kiểm các phương tiện thủy nội địa trong hoạt động khai thác vận chuyển tại khu vực mỏ cát đã được cấp phép để sớm đưa mỏ vào hoạt động khai thác theo quy định.
Căn cứ kết quả khảo sát, Sở Xây dựng phối hợp với Sở Nông nghiệp và Môi trường đánh giá công suất hoạt động của các mỏ khoáng sản trên địa bàn tỉnh hiện nay và quy hoạch khoáng sản của tỉnh để tham mưu, đề xuất danh mục dự án khai thác, chế biến khoáng sản cần tổ chức đấu giá (hoặc tổ chức không đấu giá) đưa vào khai thác trong thời gian tới để chủ động, kịp thời, không bị gián đoạn nguồn cung, nhất là phục vụ các công trình trọng điểm quốc gia qua địa bàn tỉnh sắp tới sẽ khởi công, như: Đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam; Mở rộng đường bộ cao tốc Bắc Nam.
Sở Nông nghiệp và Môi trường có trách nhiệm khẩn trương rà soát tổng thể các quy trình, thủ tục liên quan đến hoạt động khoáng sản và rút ngắn tối đa thời gian thực hiện thủ tục đấu giá, thăm dò, phê duyệt trữ lượng, chấp thuận chủ trương đầu tư, đánh giá tác động môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng rừng, cấp phép khai thác… sớm đưa các mỏ đã trúng đấu giá nhưng chưa hoàn thiện thủ tục đầu tư, đất đai để đi vào hoạt động.

Mốc giới các mỏ được cắm theo quy định. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Sở Nông nghiệp và Môi trường rà soát và hướng dẫn chủ mỏ thực hiện thủ tục nâng công suất khai thác đối với các mỏ khoáng sản đã cấp phép, đang khai thác trên địa bàn có đủ điều kiện theo quy định; hướng dẫn các doanh nghiệp có mỏ đang bị tạm dừng hoạt động, khẩn trương khắc phục vi phạm và hoàn thiện đầy đủ hồ sơ theo quy định của pháp luật để sớm được xem xét hoạt động trở lại.
UBND tỉnh yêu cầu Sở Nông nghiệp và Môi trường tiếp tục rà soát các mỏ trong quy hoạch có đủ điều kiện để đưa vào đấu giá và cấp phép để sớm bổ sung nguồn cung trong những năm tiếp theo; ưu tiên đề xuất đấu giá các mỏ đã thăm dò, phê duyệt trữ lượng tại các địa phương chưa có hoặc có ít mỏ, khu vực gần các dự án có nhu cầu lớn sử dụng vật liệu để đáp ứng đủ, kịp thời nguồn vật liệu cho công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.
Đến ngày 17/6/2025, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa ban hành Quyết định số 1938/QĐ-UBND về việc thành lập Tổ công tác giải quyết khó khăn, vướng mắc trong hoạt động khai thác khoáng sản làm vật liệu xây dựng. Đến ngày 25/6/2025, Sở Nông nghiệp và Môi trường Thanh Hóa có Báo cáo số 236/BC-SNNMT Báo cáo kết quả làm việc tại các mỏ cát và kiến nghị: Đối với mỏ cát số 50 và mỏ 50 mở rộng đã đi vào khai thác, các mỏ số 62 và 20 sẽ đi vào hoạt động trong thời gian tới; 2 mỏ cát tại số 177 sau khi HĐND tỉnh có Nghị quyết thông qua danh mục công trình dự án thu hồi đất, đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo Văn phòng UBND tỉnh, Sở Nông nghiệp và Môi trường, UBND cấp xã (mới) hướng dẫn, đôn đốc và thực hiện ngay các thủ tục hành chính để cho thuê đất. Sở chỉ đạo Chi cục đang kiểm số 12 phối hợp chặt chẽ với đơn vị để hướng dẫn và hoàn thiện các thủ tục đăng kiểm sớm nhất theo quy định.