| Hotline: 0983.970.780

Nguồn nước cơ bản đủ cho sản xuất nông nghiệp

Thứ Sáu 04/07/2025 , 19:17 (GMT+7)

Trong tuần từ ngày 5-11/7, nguồn nước cơ bản đảm bảo cấp nước phục vụ sản xuất nông nghiệp nhưng hạn hán vẫn có khả năng xảy ra ở Quảng Ngãi và Đắk Lắk.

Phía Bắc có mưa, nước đảm bảo cho sản xuất

Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, về dự báo mưa, khu vực Bắc Bộ tiếp tục duy trì mưa vừa đến mưa to, với tổng lượng mưa từ 100–180mm. Bắc Trung Bộ và các tỉnh miền Trung mưa phổ biến ở mức trung bình 30–80mm. 

Về tình hình hồ chứa thủy lợi, dung tích trữ nước tại các hồ cơ bản vẫn ở mức đảm bảo cho sản xuất. Cụ thể, Bắc Bộ đạt bình quân 71,3% dung tích thiết kế (DTTK), tăng 3,2% so với tuần trước, trong đó Lào Cai và Tuyên Quang đạt mức trữ gần đầy (96–100%). Một vài hồ có dung tích trữ thấp dưới 55%.

Tại Bắc Trung Bộ, dung tích hồ chứa trung bình đạt 63,5% DTTK, cao hơn trung bình nhiều năm. Các tỉnh như Thanh Hóa, Nghệ An vẫn cần tiếp tục theo dõi sát nguồn nước phục vụ sản xuất hè thu.

Dung tích trữ nước tại các hồ cơ bản vẫn ở mức đảm bảo cho sản xuất. Ảnh minh họa.

Dung tích trữ nước tại các hồ cơ bản vẫn ở mức đảm bảo cho sản xuất. Ảnh minh họa.

Phía Nam tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn nước

Phía Nam từ Nam Trung Bộ trở vào, tình hình nguồn nước không dồi dào bằng phía Bắc. Theo Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi, tại Nam Trung Bộ và Đồng bằng sông Cửu Long, lượng mưa dự kiến sẽ giảm nhẹ và không đồng đều, tiềm ẩn nguy cơ thiếu hụt nguồn nước tại một số nơi.

Dung tích các hồ thủy lợi ở Nam Trung Bộ hiện đạt trung bình 58% DTTK, giảm nhẹ so với tuần trước. Một số hồ nhỏ tại Gia Lai và Khánh Hòa đã cạn nước hoàn toàn. Nguy cơ thiếu nước phục vụ sản xuất vẫn hiện hữu tại Quảng Ngãi và Đắk Lắk nếu trong thời gian tới nắng nóng kéo dài và không có mưa bổ sung. Tổng diện tích bị ảnh hưởng từ 1.000-2.000 ha, chia đều ở hai tỉnh.

Trong trường hợp các hồ thuỷ điện trên lưu vực sông Vu Gia – Thu Bồn vận hành không đảm bảo, nguy cơ cao xảy ra tình trạng xâm nhập mặn cho vùng hạ lưu và các trạm bơm bị gián đoạn khả năng lấy nước gây ảnh hưởng cho tổng diện tích khoảng 2.000 ha

Tại Đông Nam Bộ, dung tích trữ nước trung bình đạt 47,8% DTTK, cao hơn nhẹ so với tuần trước. Tuy nhiên, các tỉnh như Long An, TP.HCM vẫn ghi nhận mức trữ thấp, cần có biện pháp điều tiết phù hợp để đảm bảo nước tưới cho sản xuất vụ hè thu.

Dung tích các hồ chứa trên cả nước hiện nay và dự báo tuần tới. Nguồn: Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi.

Dung tích các hồ chứa trên cả nước hiện nay và dự báo tuần tới. Nguồn: Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi.

Tại Đồng bằng sông Cửu Long, lũ nội đồng vùng ĐBSCL nhìn chung vẫn ở mức thấp và diễn biến ổn định. Trong tuần, mực nước các vùng thượng, giữa và ven biển giảm nhẹ 2–4cm/ngày và có xu hướng tăng trở lại vào cuối tuần. Dự báo đỉnh lũ chính vụ 2025 sẽ xuất hiện vào đầu tháng 10, khả năng chỉ ở mức dưới hoặc bằng báo động 1 (3,2-3,5m tại trạm Tân Châu), do đó ít có khả năng gây thiệt hại lớn.

Viện Quy hoạch Thủy lợi miền Nam dự báo, 10 ngày đầu tháng 7, mực nước nội đồng vùng đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhìn chung ở mức thấp, biến động theo thủy triều.

Vùng Thượng ĐBSCL (Đồng Tháp Mười, Tứ giác Long Xuyên) có xu thế giảm nhẹ đến ngày 5-7/7 với cường suất trung bình 4-6 cm/ngày, sau đó tăng trở lại. Vùng giữa và ven biển ĐBSCL cũng có xu thế giảm đến 6-7/7, sau đó mực nước sẽ tăng dần theo thủy triều và bổ sung từ thượng nguồn. Điều này phù hợp với quy luật "lũ tiểu mãn" giai đoạn lũ đầu mùa thường xuất hiện từ đầu tháng 7, báo hiệu khởi đầu cho mùa nước nổi.

Thủy triều cũng là yếu tố quan trọng chi phối mực nước ĐBSCL trong tháng 7/2025. Dự báo sẽ xuất hiện hai đợt triều cường: đợt đầu giữa tháng và đợt cao nhất cuối tháng 7. Mực nước triều dự báo cao hơn TBNN khoảng 0,07 m, nhưng vẫn thấp hơn cùng kỳ 2024. Tuy mực nước đầu nguồn dồi dào hơn năm trước, triều cường vẫn tiềm ẩn nguy cơ gây dâng nước cục bộ ở các vùng trũng thấp, đặc biệt nơi có hệ thống bờ bao chưa kiên cố.

Theo dõi diễn biến mức nước để điều tiết nguồn nước

Trước diễn biến thời tiết và nguồn nước còn nhiều biến động, Cục Quản lý và Xây dựng công trình thủy lợi đang phối hợp chặt chẽ với các đơn vị chuyên môn tiếp tục theo dõi, cập nhật diễn biến dòng chảy từ thượng nguồn sông Mê Kông, cũng như giám sát tình trạng xâm nhập mặn, hạn hán để chủ động xây dựng các giải pháp ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn sản xuất và dân sinh trong thời gian tới.

Riêng tại ĐBCSL, kế hoạch xuống giống lúa Hè Thu năm 2025 trên toàn vùng ĐBSCL đạt gần 1,46 triệu ha, đã thu hoạch khoảng 21% diện tích. Vụ Thu Đông - vụ lúa chịu tác động trực tiếp của lũ đã bắt đầu xuống giống hơn 186.000 ha trên kế hoạch 650.000 ha. Việc điều chỉnh lịch thời vụ, chọn giống chịu ngập và củng cố đê bao được các địa phương triển khai để chủ động né lũ và tận dụng nguồn nước ngọt dồi dào bổ sung phù sa.

Trong bối cảnh mùa mưa lũ đang vào giai đoạn đầu, tình hình và dự báo tài nguyên nước đổ về ĐBSCL năm 2025, ngành nông nghiệp và môi trường khuyến nghị, các địa phương cần tiếp tục theo dõi chặt chẽ dự báo mực nước thượng nguồn, mưa trên lưu vực Mekong, thủy triều và thông tin dự báo thời tiết. Đặc biệt, việc cập nhật và chia sẻ kịp thời dữ liệu sẽ giúp chủ động xây dựng phương án điều tiết nước, bảo vệ sản xuất và đảm bảo an toàn dân sinh, nhất là trong giai đoạn lũ chính vụ từ tháng 8 đến tháng 10/2025.

Xem thêm
Luật Địa chất và Khoáng sản thay đổi tư duy quản trị tài nguyên

Từ ngày 1/7, Luật Địa chất và Khoáng sản có hiệu lực, đánh dấu bước ngoặt trong điều tra, quản lý và sử dụng bền vững tài nguyên khoáng sản.

Hải trình cùng kiểm ngư: [Bài 5] Sứ mệnh giữ ‘màu xanh’ cho biển cả

Một ngành thủy sản xanh không thể thiếu những người giữ biển. Nơi đó, lực lượng kiểm ngư giữ sinh kế, giữ chủ quyền và giữ lại hy vọng cho thế hệ mai sau.

Bình luận mới nhất