Chỉ có 1/28 mỏ hoạt động
Dọc theo thượng nguồn sông Mã, đoạn xã Thiết Ống, huyện Bá Thước (cũ), mỏ cát số 177 của Công ty Công ty Cổ phần hạ tầng Hồng Kỳ đã được UBND tỉnh Thanh Hóa cấp phép khai thác với cả hai phương án: khai thác lộ thiên bằng máy xúc và sử dụng tàu hút. Nhưng hiện tại mỏ cát này vẫn còn nguyên trạng với lý do đang chờ Hội đồng nhân tỉnh thông qua Nghị quyết danh mục dự án thu hồi đất, sau đó mới đề nghị UBND xã (sau thành lập) đưa vào kế hoạch sử dụng đất, hoàn thiện hồ sơ thuê đất và khai thác theo quy định của pháp luật.
Tại mỏ cát số 45, số 46, số 47 xã Cẩm Vân, huyện Cẩm Thủy, mỏ cát số 20 tại xã Yên Thái, huyện Yên Định. Xuôi về phía hạ nguồn sông Mã các mỏ cát số 18, mỏ số 40, mỏ cát số 62… cũng đang trong tình trạng ngừng khai thác từ đầu năm 2025 do các phương tiện tàu hút cát đã cũ, hết hạn đăng kiểm, nên đang chờ hoán cải đăng kiểm mới tiến hành khai thác trở lại.

Bãi tập kết cát của Công ty Cổ phần Vĩnh An đang dừng hoạt động. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Trên dòng sông Chu, tình trạng các mỏ khai thác và các bãi tập kết cát vẫn “đóng cửa im lìm” như mỏ cát số 09 tại xã Thiệu Ngọc, huyện Thiệu Hóa; mỏ cát số 28 tại các xã Xuân Hòa, Xuân Tín, Thọ Lập (huyện Thọ Xuân cũ)… cũng chung như tình trạng trên sông Mã.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Môi trường tỉnh Thanh Hóa, hiện trên địa bàn tỉnh có 28 mỏ cát được cấp phép, với tổng diện tích là 299 ha, với tổng trữ lượng khai thác khoảng 9,4 triệu m3, công suất cấp phép khai thác 0,784 triệu m3/năm. Tuy nhiên, hiện nay trên địa bàn tỉnh chỉ còn duy nhất mỏ cát số 50 và mở rộng còn hoạt động với công suất khai thác 15.000 m3/năm, chiếm khoảng 1,9% tổng công suất được cấp phép.
Còn 27 mỏ không hoạt động hoặc chưa hoạt động do các tàu thuyền không được đăng kiểm theo quy định hoặc các nguyên nhân khác như chưa được thuê đất nên không đủ điều kiện để khai thác như mỏ cát 50 ở Yên Định, mỏ cát số 04 ở Thiệu Hóa (cũ), mỏ cát nhiễm mặn ở Nghi Sơn, mỏ cát số 177 ở Bá Thước và các mỏ bị dừng để đo đạc xác định trữ lượng còn lại và đánh giá việc sạt lở bờ sông, bãi sông, như mỏ cát số 18 ở Vĩnh Lộc (cũ), mỏ cát số 54 ở huyện Yên Định (cũ), mỏ cát số 20 ở huyện Thọ Xuân (cũ)…
Theo nhiều người dân sinh sống dọc 2 bờ sông Chu, sông Mã, sông Bưởi…, kể từ khi các mỏ khai thác cát dọc các sông tạm dừng hoạt động, người dân cảm thấy yên tâm vì không còn cảnh sạt lở lấn chiếm vào đất nông nghiệp, tiếng máy hút cát rền vang suốt ngày đêm cũng không còn nữa. Tuy nhiên, việc các mỏ khai thác cát tạm dừng cũng lại ảnh hưởng không nhỏ đến cuộc sống của người dân vì giá cát đẩy lên cao, có nhiều người dân đang xây dựng nhà cửa đành phải “tạm dừng” vì không mua được cát.
Theo Sở NN-MT Thanh Hóa, trong số 28 mỏ cát được cấp phép trên địa bàn tỉnh, hiện chỉ có duy nhất mỏ cát số 50 và mở rộng còn hoạt động với công suất khai thác 15.000 m3/năm, chiếm khoảng 1,9% tổng công suất được cấp phép.
Tiếng nói từ doanh nghiệp
Theo ông Phạm Văn Đô, Giám đốc Công ty Cổ phần Vĩnh An cho biết: Tình trạng thiếu vật liệu xây dựng đang là một vấn đề đáng lo ngại trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa, đặc biệt là đối với cát, đã làm ảnh hưởng đến tiến độ nhiều công trình, dự án.
Các mỏ cát hiện nay chưa thể khai thác hầu hết là do các phương tiện chưa đủ điều kiện khai thác. Đối với các phương tiện tàu thuyền hút cát phải có đăng ký, đăng kiểm đầy đủ các thủ tục theo quy định thì đơn vị mới được tiến hành hoạt động khai thác. Hiện nay mỏ cát số 62 của Công ty Vĩnh An đang tạm dừng hoạt động vì không thuê được tàu thuyền đủ điều kiện khai thác nên bắt buộc công ty phải đi mua tàu khác mà đang trong quá trình hoàn thiện các thủ tục pháp lý.

Đoạn hạ nguồn sông Mã trước đây nhộn nhịp khai thác nay không còn tàu thuyền hút cát. Ảnh: Nguyễn Dũng.
Đồng thời, Công ty tiến hành gia cố lại phao tiêu và các thiết bị khai thác khác nhằm đảm bảo an toàn trong khai thác…, khi nào xong đơn vị mới được đưa vào sử dụng hoạt động khai thác mỏ theo quy định của pháp luật, ông Đô cho biết thêm.
Cùng chung tình trạng như ông Đô, ông Lê Trí Kỳ, chủ mỏ cát số 177 cho biết: Mặc dù mỏ cát của Công ty đã trúng đấu giá và được cấp phép, Công ty cũng đang tìm hiểu để mua các tàu hút cát phù hợp với điều kiện thực tế tại mỏ. Tuy nhiên, thời gian chờ đợi thông qua Nghị quyết của Hội đồng nhân dân và quyết định cho thuê đất của các cấp chính quyền cũng khá lâu, công ty chúng tôi mong sao các thủ tục này được nhanh gọn để công ty đi vào hoạt động sản xuất.
Trước thực trạng thiếu vật liệu xây dựng, đặc biệt là cát xây dựng. Tỉnh ủy, UBND tỉnh Thanh Hóa đã chỉ đạo sát sao, cho rà soát và đánh giá lại tình hình thực hiện thăm dò và đưa ra nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng quy hoạch để khắc phục tình trạng khan hiếm khoáng sản vật liệu xây dựng.