Thứ Năm, 3/7/2025 4:46 (GMT +7)

| Hotline: 0983.970.780

Khắc phục hậu quả bão Yagi vướng 'rừng' thủ tục

Thứ Ba 03/06/2025 , 08:41 (GMT+7)

Điểm sạt lở trên địa bàn phường Bắc Sơn (Uông Bí) xảy ra từ tháng 9/2024. Sau 8 tháng, dự án khắc phục sạt lở vẫn chưa được triển khai do vướng nhiều thủ tục.

Đất đá chắn đường, thủ tục 'trói' dự án

Cơn bão số 3 (Yagi) đầu tháng 9/2024, mưa lớn kéo dài khiến cho nhiều khu vực trên địa bàn TP Uông Bí bị sạt lở nghiêm trọng, như đường Khe Giang (xã Thượng Yên Công); dọc tuyến đường mới từ phường Bắc Sơn đến cầu Vành Lược (phường Vàng Danh) có hai điểm sạt trượt.

Điểm sạt trượt ngã 3 cầu Vành Lược (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) xuất hiện sau bão Yagi đã được xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua. Ảnh: Cường Vũ.

Điểm sạt trượt ngã 3 cầu Vành Lược (phường Vàng Danh, TP Uông Bí) xuất hiện sau bão Yagi đã được xử lý, đảm bảo an toàn cho người dân khi đi qua. Ảnh: Cường Vũ.

Tháng 11/2024, điểm sạt trượt tại khu vực ngã 3 cầu Vành Lược (phường Vàng Danh) đã được TP Uông Bí đầu tư, triển khai thi công khẩn cấp bằng cách san gạt taluy dương, hạ độ dốc, xây kè chịu lực và hệ thống thoát nước để phòng chống sạt lở tiếp diễn. Đến tháng 4/2025, công trình hoàn thành, tạo điều kiện thuận lợi để nhân dân, du khách đi lại.

Hiện trên tuyến đường Bắc Sơn - Vàng Danh còn một điểm sạt trượt tại khu 1, phường Bắc Sơn chưa được đầu tư gia cố, gây cản trở giao thông, tiềm ẩn nguy cơ tiếp tục sạt trong mùa mưa bão.

Chị Nguyễn Thị Yến (phường Vàng Danh) cho biết, điểm sạt lở này xảy ra từ khi bão Yagi đổ bộ vào Quảng Ninh. Đất đá sạt xuống chiếm hết nửa già con đường, hiện vẫn chưa được bốc xúc đi.

"Hàng ngày tôi đi làm qua đây, hôm nào trời nắng ráo thì không sao còn những hôm mưa thì rất sợ đá từ trên cao lăn xuống", chị Yến nói và mong muốn chính quyền địa phương sớm có phương án xử lý triệt để điểm sạt trượt này để bà con nhân dân có thể yên tâm đi lại.

Anh Hải, lái xe đưa đón công nhân mỏ, phản ánh: "Đường có rất đông xe cộ qua lại, đặc biệt là vào các khung giờ buổi sáng, đầu giờ trưa, buổi chiều và tầm 10 giờ tối - lúc công nhân mỏ đi làm, tan ca. Do đất đá sạt đã chiếm quá nửa đường nên hai xe ô tô đi ngược chiều đến đoạn này thì một xe phải dừng lại chờ xe kia đi trước, rất mất thời gian và bất tiện". 

Dự án khắc phục sạt lở tại khu 1 phường Bắc Sơn do vướng nhiều thủ tục nên vẫn chưa được triển khai. Ảnh: Cường Vũ. 

Dự án khắc phục sạt lở tại khu 1 phường Bắc Sơn do vướng nhiều thủ tục nên vẫn chưa được triển khai. Ảnh: Cường Vũ. 

Trao đổi với phóng viên Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Nguyễn Văn Duy - Phó Giám đốc Ban Quản lý Dự án đầu tư xây dựng TP Uông Bí, cho biết: Để có đường giao thông cho nhân dân đi lại không bị ảnh hưởng bởi đất đá tràn ra lòng đường, phường Bắc Sơn đã cho máy múc xúc đất chiếm dụng lòng đường để sang bên cạnh. Song, đây cũng chỉ là phương án tạm thời.

"Để xử lý triệt để thì phải lập dự án, trước mắt Ban đã bổ sung công trình vào đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025, báo cáo UBND thành phố xem xét bố trí vốn đầu tư xây dựng công trình. Đồng thời chúng tôi đã thuê đơn vị tư vấn khảo sát địa hình, địa chất, lập báo cáo kinh tế kỹ thuật công trình đánh giá hiện trạng, đưa ra phương án kết cấu, tổng mức đầu tư xây dựng công trình", ông Duy cho hay.

Tuy nhiên, theo ông Duy, để dự án được triển khai thì cần thêm nhiều quy trình, thủ tục khác. Cụ thể, thành phố phải đề xuất UBND tỉnh báo cáo HĐND tỉnh xem xét ban hành Nghị quyết thu hồi đất vào kỳ họp HĐND gần nhất. Trên cơ sở Nghị quyết thu hồi đất thực hiện dự án của HĐND tỉnh, HĐND tỉnh báo cáo UBND tỉnh ban hành Quyết định thu hồi đất (về loại đất, diện tích đất...).

Tiếp đó, xây dựng giá đất, giá công trình do UBND thành phố phê duyệt ban hành quyết định làm cơ sở lập phương án đền bù hỗ trợ (trường hợp lấy đất của nhân dân, hoặc tổ chức).

Sau đó lập phương án trình Sở Nông nghiệp và Môi trường thẩm định báo cáo ban hành Quyết định phê duyệt phương án cấp quyền khai thác đất để xúc toàn bộ diện tích đất bị sạt trượt lấy mặt bằng thi công.

Trên cơ sở hồ sơ báo cáo kinh tế kỹ thuật, đơn vị tư vấn sẽ lập, trình phòng Kinh tế hạ tầng và Đô thị thẩm định nếu giá trị dự án dưới 20 tỷ đồng. Còn trên 20 tỷ đồng phải trình Sở Xây dựng thẩm định.

Xong các bước trên, tiếp tục trình UBND TP Uông Bí ban hành quyết định phê duyệt báo cáo kinh tế kỹ thuật làm cơ sở xác định giá trị gói thầu, mời thầu lựa chọn nhà thầu xây dựng công trình.

Phải làm đúng quy trình nên bị chậm

Lãnh đạo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng TP Uông Bí cũng thẳng thắn chia sẻ: "Người dân đi qua đây luôn lo lắng và bức xúc tại sao lại để đống đất chình ình trên đường lâu như vậy mà không xúc đi. Thành phố cũng rất sốt ruột nhưng để triển khai thì phải làm đúng theo quy trình nên bị chậm".

Phía trên đồi có nhiều đất đá rời, nguy cơ sạt lở rất cao khi mưa lớn. Ảnh: Cường Vũ.

Phía trên đồi có nhiều đất đá rời, nguy cơ sạt lở rất cao khi mưa lớn. Ảnh: Cường Vũ.

Mới đây, ông Mai Vũ Tuấn - Bí thư Thành ủy Uông Bí cùng các phòng, ban liên quan đã trực tiếp đi kiểm tra thực địa tại các khu vực có nguy cơ sạt lở trên địa bàn khu 1, phường Bắc Sơn.

Tại buổi kiểm tra, Bí thư Thành ủy Uông Bí đã khảo sát thực địa, đánh giá mức độ nguy hiểm của điểm sạt lở và nghe báo cáo từ các đơn vị chuyên môn.

Trên cơ sở đó, ông Tuấn chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương triển khai các biện pháp khắc phục, thu gom đất đá sạt lở tại chỗ để đảm bảo an toàn giao thông và ổn định đời sống người dân; đồng thời yêu cầu xây dựng các giải pháp phòng ngừa lâu dài nhằm giảm thiểu rủi ro trong mùa mưa bão sắp tới, như gia cố mái taluy, xây dựng kè chắn, rọ đá và các công trình ổn định địa chất khác. Cùng với đó là tăng cường lắp đặt biển cảnh báo, rào chắn và cung cấp thông tin kịp thời về tình hình sạt lở để người dân chủ động ứng phó.

Tháng 9/2024, HĐND tỉnh Quảng Ninh đã ra Nghị quyết về việc điều chỉnh, phân bổ dự toán chi ngân sách cấp tỉnh năm 2024 nhằm quản lý sử dụng tiết kiệm, hiệu quả vốn ngân sách nhà nước; cơ cấu lại nguồn chi thường xuyên để dành nguồn lực ưu tiên hỗ trợ khắc phục hậu quả bão số 3. Theo đó, Quảng Ninh bố trí 1.000 tỷ đồng để khắc phục hậu quả bão Yagi gây ra và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.

Xem thêm
Nhớ nhà văn Sơn Tùng - người gắn kết những bậc kỳ tài

Tài sản văn chương đồ sộ mà nhà văn Sơn Tùng để lại cho đời khó có thể đong đếm. Tâm huyết, sự khiêm nhường và đức độ của ông thật đáng nể trọng.

Bình luận mới nhất