Bộ Xây dựng vừa ban hành Quyết định phê duyệt Quy hoạch chi tiết phát triển vùng đất, vùng nước cảng biển Thái Bình thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, cảng biển Thái Bình gồm các khu bến: Diêm Điền, Trà Lý, Ba Lạt, các bến phao, khu chuyển tải và các khu neo chờ, tránh, trú bão.

Theo quyết định, tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 24.231,5 ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải). Ảnh minh họa.
Mục tiêu của Quy hoạch đến năm 2030 hàng hóa thông qua từ 6,8 triệu tấn đến 7,85 triệu tấn (trong đó hàng container 0,02 triệu TEU). Quy hoạch Cảng Thái Bình có tổng số từ 10 bến cảng đến 11 bến cảng gồm từ 12 cầu cảng đến 13 cầu cảng với tổng chiều dài từ 1.909 m đến 2.459 m (chưa bao gồm các bến cảng khác).
Trong tầm nhìn đến năm 2050, hàng hóa thông qua với tốc độ tăng trưởng bình quân khoảng từ 5,0%/năm đến 5,3%/năm. Về kết cấu hạ tầng, quy hoạch định hướng phát triển hệ thống cảng biểnThái Bình và các dịch vụ hỗ trợ phù hợp với tiến trình hình thành Khu kinh tế Thái Bình, các khu công nghiệp và vùng phụ cận.
Theo Quyết định, tổng nhu cầu sử dụng đất theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 75,2 ha (chưa bao gồm các khu vực phát triển các khu công nghiệp, logistics... gắn liền với cảng). Tổng nhu cầu sử dụng mặt nước theo quy hoạch đến năm 2030 khoảng 24.231,5 ha (đã bao gồm diện tích vùng nước khác trong phạm vi quản lý không bố trí công trình hàng hải).
Theo quy hoạch, nhu cầu vốn đầu tư giai đoạn đến 2030 khoảng 11.240 tỷ đồng gồm nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng hảng hải công cộng khoảng 7.890 tỷ đồng và nhu cầu vốn đầu tư cho bến cảng khoảng 3.350 tỷ đồng (chỉ bao gồm các bến cảng kinh doanh dịch vụ xếp dỡ hàng hóa).
Để thực hiện được những mục tiêu đặt ra, quyết định cũng đặt ra các giải pháp để quy hoạch về cơ chế chính sách, huy động vốn đầu tư, môi trường và khoa học công nghệ…