Đây là tín hiệu báo động cho hệ sinh thái biển Nam Trung Bộ và sức hấp dẫn du lịch của một trong những vịnh đẹp nhất thế giới.
Phân tích ảnh viễn thám và học máy trên diện tích 160 km² cho thấy, khu vực quanh các đảo Hòn Mun, Hòn Một, Hòn Miễu, Hòn Tre, Hòn Tằm bị tổn thất san hô nghiêm trọng nhất. Trong đó, giai đoạn 2002-2016, quá trình phát triển hạ tầng ven biển như: xây dựng cảng, đường ven biển và resort đã khiến 125 ha rạn san hô biến mất.
Nhiều nguyên nhân khác tiếp tục góp phần đẩy san hô vào tình trạng suy thoái kéo dài: ô nhiễm từ đất liền, khai thác hải sản trái phép, hiện tượng sao biển gai bùng phát, nhiệt độ nước biển vượt ngưỡng 30°C gây tẩy trắng san hô, và tác động từ 32 cơn bão trong hơn hai thập kỷ qua.

San hô vịnh Nha Trang mất gần 200 ha, ảnh hưởng lớn đến du lịch biển. Ảnh: Minh Hoàng.
Theo ThS Mai Thuận Lợi, Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển Du lịch bền vững, Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM, việc mất rạn san hô ảnh hưởng trực tiếp đến đa dạng sinh học biển và đe dọa tính bền vững của du lịch lặn biển – một sản phẩm đặc trưng của Nha Trang. "Nếu trải nghiệm dưới biển không còn đúng như quảng bá, đặc biệt với du khách quốc tế, họ sẽ cảm thấy hụt hẫng và ít có khả năng quay lại", ông Lợi cảnh báo.
Đáng chú ý, dù Ban quản lý Vịnh Nha Trang đã có nhiều nỗ lực bảo tồn như đóng cửa phân khu Hòn Mun, phối hợp với Viện Hải dương học khảo sát và phục hồi, giám sát hệ sinh thái với tình nguyện viên, trồng lại rừng ngập mặn và xây dựng vườn ươm san hô, song kết quả phục hồi còn rất chậm. San hô cứng chỉ tăng trưởng khoảng 1 cm/năm.
Khu vực Hòn Chồng là điểm sáng hiếm hoi khi san hô phát triển tốt với độ phủ trung bình đạt 32,4%. Tuy nhiên, Ban quản lý Vịnh cũng thừa nhận công tác bảo tồn vẫn gặp nhiều khó khăn do thiếu cơ chế phối hợp liên ngành, nhận thức cộng đồng còn hạn chế, tài chính chưa đảm bảo cho các hoạt động dài hạn.
Theo các chuyên gia, bên cạnh biến đổi khí hậu, những hệ quả của các hoạt động thiếu kiểm soát trong quá khứ như: neo đậu sai vị trí, lặn không đúng quy định, xả thải trực tiếp ra biển vẫn đang hiện hữu và gây tổn hại nặng nề đến hệ sinh thái san hô.
"Phục hồi rạn san hô không thể làm trong một năm, mà là quá trình kiên trì, đồng bộ và đặt yếu tố bảo tồn lên hàng đầu", ThS. Lợi nhấn mạnh.