Bài học từ sự cố mất điện diện rộng ở Tây Ban Nha
Ngày 28/4/2025, Tây Ban Nha bất ngờ trải qua một sự cố mất điện diện rộng, khiến nhiều hoạt động kinh tế - xã hội bị gián đoạn nghiêm trọng. Giao thông tê liệt, các dịch vụ công cộng bị đình trệ, người dân phải đối mặt với nhiều bất tiện trong suốt 6 đến 8 giờ đồng hồ. Chính phủ Tây Ban Nha thậm chí đã phải ban bố tình trạng khẩn cấp để ứng phó với sự cố này.
Theo các báo cáo ban đầu, một trong những nguyên nhân dẫn đến sự cố là do hệ thống điện chịu tác động lớn từ biến động của nguồn năng lượng tái tạo. Cụ thể, vào thời điểm xảy ra sự cố, sản lượng điện mặt trời tăng cao đột ngột, sau đó lại sụt giảm nhanh chóng khiến các nguồn điện nền không kịp phản ứng, làm mất cân bằng toàn hệ thống.
Tây Ban Nha hiện là quốc gia đi đầu trong chuyển đổi năng lượng tại châu Âu, với tỷ trọng năng lượng tái tạo đạt 56% tổng sản lượng điện năm 2024. Về lý thuyết, hệ thống điện của nước này có tổng công suất vượt phụ tải đỉnh hơn 30%, tức vẫn đảm bảo đủ điện cho mọi tình huống mà không phụ thuộc hoàn toàn vào điện mặt trời hay điện gió.

Một hệ thống điện có tỷ trọng năng lượng tái tạo cao cần được đầu tư hệ thống lưới điện tương xứng. Ảnh minh họa.
Tuy nhiên, sự cố vừa qua đã cho thấy rằng, tỷ trọng cao năng lượng tái tạo không đồng nghĩa với an toàn vận hành.
Ông Hà Đăng Sơn, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Năng lượng và Tăng trưởng xanh nhận định: Hệ thống điện với tổng công suất lên đến 15.000 MW của Tây Ban Nha đã sụp đổ chỉ trong vòng 5 giây. Các chuyên gia quốc tế cho rằng, nguyên nhân sâu xa nằm ở hạ tầng truyền tải đã lạc hậu, chưa theo kịp với tốc độ phát triển nguồn điện tái tạo, thiếu khả năng dự phòng và còn nhiều hạn chế trong nghiên cứu, tích hợp các nguồn năng lượng này vào mạng lưới điện liên kết châu Âu.
Trên lý thuyết, bất kỳ cơ quan quản lý ngành điện quốc gia nào đều hiểu, nếu nguồn điện tái tạo phát ra quá nhiều hoặc quá ít, các trạm biến áp và đường dây truyền tải không thể xử lý kịp thời, dẫn đến hệ thống điện mất khả năng điều tiết khi có sự cố. Hệ lụy dẫn đến hiện tượng “rã lưới” – tình trạng mà hệ thống điện không thể duy trì được sự kết nối giữa các phần của mạng lưới và phải ngừng hoạt động hoàn toàn - để bảo đảm an toàn cho toàn bộ hệ thống điện.
Sự cố này xảy ra tại nhiều quốc gia có tỷ lệ năng lượng tái tạo cao, và Việt Nam không phải là ngoại lệ. Với tốc độ phát triển mạnh mẽ của điện mặt trời và gió, đặc biệt là ở các khu vực miền Trung và miền Nam hiện nay, việc không có một hệ thống lưới điện linh hoạt và hiện đại có thể khiến hệ thống điện quốc gia gặp nguy cơ mất ổn định trong tương lai gần.
Trong Kế hoạch huy động nguồn lực thực hiện Tuyên bố chính trị thiết lập quan hệ đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (Tuyên bố JETP), một trong những nhóm dự án ưu tiên đầu tư là nâng cấp hệ thống truyền tải và phân phối điện, đẩy nhanh lộ trình xây dựng hệ thống điện thông minh.
Cần cải cách để thúc đẩy đầu tư lưới điện
Những gì xảy ra ở Tây Ban Nha cũng là lời cảnh báo cần thiết cho Việt Nam. Nếu không có một hệ thống truyền tải đủ mạnh, linh hoạt và hiện đại, những thành quả trong phát triển năng lượng tái tạo có thể bị chính lưới điện “kìm hãm” - thậm chí gây nên bất ổn cho toàn hệ thống điện quốc gia trong tương lai. Dẫn chứng chính từ giai đoạn phát triển nóng điện mặt trời năm 2019-2020 nhưng việc mở rộng lưới điện lại không theo kịp, dẫn đến không thể sử dụng hết nguồn điện này.
Nhằm hiện thực hóa mục tiêu chuyển đổi năng lượng hướng đến trung hòa carbon, Quy hoạch Điện 8 điều chỉnh mới đây đặt mục tiêu sẽ phát triển mạnh các nguồn năng lượng tái tạo (không bao gồm thủy điện) đạt tỉ lệ 28 - 36% vào năm 2030, và định hướng đạt 74-75% vào năm 2050.
Song hành với phát triển các nguôn điện, Việt Nam sẽ cần khoảng 18,1 tỷ USD trong giai đoạn 2026-2030 để phát triển hệ thống truyền tải điện. Trong đó, trọng tâm là đầu tư các đường dây và trạm biến áp 500kV, 220kV.
Lưới điện không chỉ đơn thuần là hạ tầng kỹ thuật, mà chính là “xương sống” trong quá trình chuyển đổi năng lượng. Vì vậy, việc đầu tư phát triển lưới điện đồng bộ với các nguồn phát và nhu cầu phụ tải là điều kiện tiên quyết. Một trong những điểm yếu cần giải quyết của hệ thống lưới điện hiện tại là thiếu kết nối hiệu quả giữa các khu vực. Các khu vực sản xuất điện từ năng lượng tái tạo như miền Trung và Tây Nguyên phải được kết nối chặt chẽ hơn với các khu vực tiêu thụ điện lớn như miền Bắc và miền Nam.

Thi công đường dây 500kV mạch 3. Ảnh: EVN.
Điều này có thể đạt được thông qua việc xây dựng các tuyến đường dây truyền tải dài hơn và mạnh mẽ hơn. Quy hoạch điện 8 điều chỉnh đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xây dựng một hệ thống truyền tải 500kV vững chắc, giữ vai trò trung tâm trong việc liên kết các miền và kết nối với các nước trong khu vực. Đồng thời, thúc đẩy phát triển lưới điện thông minh – giải pháp công nghệ có khả năng điều tiết linh hoạt và xử lý nhanh các biến động từ nguồn điện tái tạo.
Đây là thách thức rất lớn. Theo chuyên gia năng lượng Ngô Hà, để thực hiện mục tiêu này, Việt Nam cần xây dựng thêm khoảng 12.300 km đường dây 500kV chỉ trong vòng hơn 5 năm, chưa kể đến việc xây mới các trạm biến áp và tu sửa các đường dây sẵn có.
Con số này gấp 24 lần đường dây 500kV mạch 3 đoạn Quảng Trạch - Phố Nối vừa hoàn thành năm 2024 và được ca tụng là một kỷ lục với "thời gian thi công thần tốc" trong vòng 7 tháng. Để đạt được kết quả đặc biệt này, cả một hệ thống chính trị từ trung ương đến cấp chính quyền địa phương đã phải theo sát gắt gao và gỡ rối các vướng mắc pháp lý ngay khi phát sinh.
Nếu cùng tiến độ, để đạt được mục tiêu đề ra trong năm 2030 thì mỗi năm, Việt Nam phải xây dựng được 4 đoạn dây truyền tải điện tương tự. Việc này chỉ có thể thành hiện thực khi chính phủ và các cơ quan quản lý thực hiện một cuộc cải cách sâu rộng trong cách tiếp cận các dự án lưới điện, đặc biệt là cắt giảm thủ tục hành chính và đẩy nhanh quá trình cấp phép để mở rộng và củng cố lưới điện, và khả năng thu hút vốn xã hội hóa.
Hiện nay, giá truyền tải do Nhà nước quy định và việc điều chỉnh lại phụ thuộc giá bán lẻ điện cuối cùng, tức giá bán lẻ tăng thì mới trở lại tính giá truyền tải. Trong bối cảnh đó, động thái tăng giá điện gần đây nhất của EVN hôm 10/5 vừa qua được xem là giải pháp bước đầu để thu hút khu vực tư nhân tham gia đầu tư vào lĩnh vực điện nói chung và truyền tải điện nói riêng. Mặt khác, Nhà nước cần có hướng dẫn cụ thể hơn về cơ chế chuyển giao hệ thống truyền tải tư nhân đầu tư cho Nhà nước quản lý một cách rõ ràng, minh bạch hơn.
Theo Điều chỉnh Quy hoạch điện VIII, giai đoạn 2025 – 2030, Việt Nam đầu tư phát triển lưới điện truyền tải với tổng nguồn vốn khoảng 18,1 tỷ USD. Đến giai đoạn 2031 – 2035, tổng vốn đầu tư phát triển lưới điện truyền tải giai đoạn này khoảng 15,9 tỷ USD.