TP. Hà Nội hiện có trên 8 triệu dân với khoảng hơn 9,2 triệu phương tiện các loại và hơn 1,2 triệu phương tiện cá nhân từ các địa phương khác lưu thông hằng ngày, đang gây quá tải hạ tầng giao thông thành phố, dẫn đến ùn tắc giao thông. Trong khi đó, tốc độ gia tăng phương tiện giao thông cá nhân 4 - 5%/năm cao hơn tốc độ phát triển kết cấu hạ tầng giao thông 0,35%/năm.
Ngày 19/5, Hà Nội sẽ chính thức khởi công Dự án cầu Tứ Liên. Đây là một trong những dự án giao thông trọng điểm của Thủ đô Hà Nội, tổng mức đầu tư khoảng 15.498 tỷ đồng. Đến nay, công tác chuẩn bị đã hoàn tất để khởi công vào đúng dịp Kỷ niệm 135 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh (19/5/1890 - 19/5/2025).

Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông TP Hà Nội ký hợp đồng với nhà thầu, đủ điều kiện để khởi công cầu Tứ Liên và đường hai đầu cầu (từ nút giao với đường Nghi Tàm đến nút giao với đường Trường Sa). Ảnh: Trung Nguyên.
Hà Nội đã và đang có nhiều nỗ lực trong việc kéo giảm ùn tắc giao thông như việc tối ưu hóa tổ chức giao thông, phát triển vận tải hành khách công cộng đến phân luồng giao thông, giảm xung đột giữa các làn xe và gần đây nhất là xén dải phân cách để mở rộng lòng đường. Cùng với việc đẩy nhanh tiến độ xây dựng khép kín các tuyến đường vành đai, dự án đầu tư phát triển hạ tầng giao thông chiến lược, các tuyến quốc lộ hướng tâm, đầu tư các tuyến đường sắt đô thị, thành phố đang tích cực chuẩn bị khởi công 7 cầu lớn qua sông Hồng để giải bài toán giảm ùn tắc giao thông.

Cầu Tứ Liên bắc qua sông Hồng. Ảnh: Đơn vị thiết kế.
Ông Dương Đức Tuấn, Phó Chủ tịch UBND thành phố Hà Nội cho biết: Dự án đường Vành đai 4 cơ bản hoàn thành trong năm 2026, đưa vào khai thác năm 2027; tuyến đường Mỹ Đình - Ba Sao - Bái Đính triển khai từ tháng 5/2025; cầu Tứ Liên khởi công ngày 19/5; các cầu Trần Hưng Đạo khởi công ngày 19/8; cầu Ngọc Hồi khởi công ngày 2/9/2025.
Giai đoạn 2025-2030, thành phố sẽ đầu tư hơn 100km đường sắt đô thị. Trong đó, các tuyến đường sắt đô thị Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, Văn Cao - Hòa Lạc đang chuẩn bị đầu tư, phấn đấu khởi công trong năm 2025.
Việc xây dựng hàng loạt cây cầu lớn qua sông Hồng sẽ mang lại nhiều lợi ích cho Hà Nội và các vùng lân cận, bao gồm việc cải thiện kết nối giao thông, thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, và giải tỏa áp lực giao thông.