| Hotline: 0983.970.780

Giảm lãng phí thực phẩm: Bước đi cần thiết hướng tới kinh tế tuần hoàn

Thứ Năm 15/05/2025 , 18:55 (GMT+7)

Chất thải thực phẩm đã trở thành một vấn đề nghiêm trọng trong xã hội hiện đại, đặc biệt là ở các thành phố đô thị hóa và phát triển nhanh như Hà Nội.

Một trong những nguyên nhân chính gây khủng hoảng môi trường

Khảo sát cho thấy, Việt Nam đứng thứ 2 ở châu Á - Thái Bình Dương về chất thải thực phẩm, với tỷ lệ chất thải thực phẩm ở Việt Nam cao gấp đôi so với các nền kinh tế tiên tiến và giàu có khác trên toàn thế giới. Mỗi năm Việt Nam thải ra hơn 23 triệu tấn chất thải rắn sinh hoạt, trong đó khu vực đô thị phát sinh khoảng 13 triệu tấn, với thành phần hữu cơ chiếm khoảng 54-77%.

Phát biểu tại cuộc họp tham vấn Thực trạng chất thải thực phẩm và giải pháp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội, ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường cho biết, sự gia tăng chất thải thực phẩm, lãng phí thực phẩm có tác động tiêu cực đến tính bền vững của môi trường, tạo gánh nặng cho hệ thống quản lý chất thải; làm trầm trọng thêm tình trạng mất an ninh lương thực. Đây cũng là một trong những nguyên nhân chính gây ra 3 cuộc khủng hoảng môi trường toàn cầu: biển đối khí hậu, suy giảm đa dạng sinh học và ô nhiễm môi trường.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phát biểu tại cuộc họp tham vấn Thực trạng chất thải thực phẩm và giải pháp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiền.

Ông Nguyễn Trung Thắng, Phó Viện trưởng Viện Chiến lược, Chính sách nông nghiệp và môi trường phát biểu tại cuộc họp tham vấn Thực trạng chất thải thực phẩm và giải pháp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiền.

Ông Nguyễn Trung Thắng cho biết, 1/3 lượng khí nhà kính phát sinh trên toàn cầu có liên quan đến hệ thống lương thực thực phẩm, từ canh tác, chăn nuôi, chế biến, tiêu dùng, thải bỏ… Thất thoát và lãng phí thực phẩm tạo ra 8-10% lượng phát thải khí nhà kính toàn cầu, gần gấp 5 lần tổng lượng khí thải từ ngành hàng không.

Liên hợp quốc đã thông qua Chương trình nghị sự 2030 với 17 Mục tiêu phát triển bền vững (SDGs), trong đó Mục tiêu phát triển bền vững 12.3 đặt mục tiêu giảm một nửa lượng chất thải thực phẩm và giảm thất thoát lương thực vào năm 2030.

Trong khi đó, tại Việt Nam, phần lớn chất thải rắn sinh hoạt chưa được phân loại tại nguồn và phương pháp xử lý chủ yếu là chôn lấp (chiếm 63%) và chỉ có 16% được xử lý tại các nhà máy ủ phân hữu cơ.

Trên thực tế, phân loại chất thải thực phẩm là một thách thức lớn trong quản lý chất thải tại nguồn do đặc tính dễ phân hủy, ẩm ướt, mùi hôi, khó vận chuyển, xử lý và đòi hỏi phân loại ngay từ đầu nguồn. Chính vì vậy, việc xây dựng một phương pháp quản lý chất thải thực phẩm phù hợp với điều kiện đô thị là hết sức cấp thiết.

Cần tận dụng và phân loại chất thải thực phẩm

Tại các đô thị lớn như Hà Nội, chất thải thực phẩm chiếm tỷ lệ áp đảo trong tổng lượng chất thải rắn sinh hoạt, với hơn 63% đến từ hộ gia đình và lên tới 97% tại một số cơ sở dịch vụ ăn uống. Nếu không được xử lý đúng cách, chất thải thực phẩm sẽ gây mùi, tạo điều kiện cho vi sinh vật gây bệnh và phát thải khí nhà kính. Tuy nhiên, nếu được phân loại và tận dụng đúng, nguồn chất thải này có thể trở thành tài nguyên quý giá, phục vụ nhiều ngành khác như sản xuất phân bón hữu cơ, thức ăn chăn nuôi, chế biến năng lượng sinh học, thậm chí là nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm, dược phẩm sinh học.

Đưa ra ý kiến tại cuộc họp, ông Hoàng Văn Tú, Giám đốc Chương trình Đối tác Thực phẩm Bền vững Ireland (IVAP), nhấn mạnh vai trò của việc biến chất thải thành nguyên vật liệu cho các ngành khác. Với khối lượng chất thải thực phẩm hàng triệu tấn mỗi năm tại Việt Nam, ông cho rằng cần sớm xây dựng chuỗi kết nối liên ngành để đưa lượng rác khổng lồ này quay trở lại nền kinh tế dưới dạng nguyên liệu đầu vào. Mô hình hợp tác giữa Việt Nam và Ireland là một ví dụ tích cực, trong đó hai bên cùng nghiên cứu các phương án chuyển giao công nghệ, đánh giá hành vi tiêu dùng và thử nghiệm các sáng kiến giảm lãng phí.

Các đại biểu tham gia cuộc họp tham vấn Thực trạng chất thải thực phẩm và giải pháp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiền.

Các đại biểu tham gia cuộc họp tham vấn Thực trạng chất thải thực phẩm và giải pháp hướng tới nền kinh tế tuần hoàn tại Hà Nội. Ảnh: Hoàng Hiền.

Trong khi đó, bà Ngô Thanh Loan, Trưởng Trung tâm Tái chế và Truyền thông, Công ty URENCO Hà Nội khẳng định, nếu phân loại tốt chất thải thực phẩm tại nguồn, khối lượng rác cần xử lý sẽ giảm đáng kể. “Phân loại là bước đầu tiên nhưng cũng quan trọng nhất để tái chế chất thải thực phẩm hiệu quả”, bà nhấn mạnh. Nhờ tách riêng thực phẩm thừa khỏi rác vô cơ, việc vận chuyển, ủ phân hoặc chế biến thành thức ăn chăn nuôi trở nên khả thi, giảm áp lực lên hệ thống xử lý tập trung.

Từ góc nhìn quốc tế, bà Jennifer Attard, Nhóm nghiên cứu CircBio, Shannon ABC, Trường Đại học công nghệ Munster (Ireland) chia sẻ những điểm tương đồng trong mô hình rác thải của Việt Nam và Ireland. Một trong những sáng kiến hiệu quả nhất được áp dụng là quyên tặng thực phẩm còn dùng được cho cộng đồng. “Thay vì lãng phí, hãy trao bữa ăn cho người cần”, bà nói. Sáng kiến này đã giúp Ireland cắt giảm tới 425.528 tấn CO₂ tương đương mỗi năm. Việc tổ chức khảo sát, hội thảo và nghiên cứu hành vi đã giúp xác định rõ nhu cầu các nhóm đối tượng, từ đó đề xuất các biện pháp can thiệp phù hợp, thử nghiệm tại một khu vực nhỏ trước khi nhân rộng toàn quốc.

Việc phân loại và tận dụng chất thải thực phẩm không chỉ là giải pháp giảm áp lực lên hệ thống xử lý rác mà còn mở ra cơ hội phát triển các ngành kinh tế xanh, tuần hoàn. Để chống lãng phí thực phẩm hiệu quả, cần xây dựng khung pháp lý và chiến lược dài hạn với các mục tiêu rõ ràng, lồng ghép nội dung giảm lãng phí thực phẩm vào các chính sách quốc gia, triển khai hệ thống đo lường và báo cáo chất thải thực phẩm, thúc đẩy phát triển các ứng dụng công nghệ và nền tảng trực tuyến kết nối doanh nghiệp với người tiêu dùng, tối ưu hóa sử dụng thực phẩm…

Cùng với đó là đẩy mạnh truyền thông, nâng cao nhận thức cộng đồng thông qua các chiến dịch sáng tạo, tích hợp giáo dục học đường và đào tạo doanh nghiệp. Việt Nam có thể tham khảo các mô hình thành công từ Ireland, Hàn Quốc và Trung Quốc để lan tỏa hành động chống lãng phí thực phẩm rộng khắp xã hội.

Xem thêm
TP.HCM sắp xóa sổ xe xăng khỏi các app xe công nghệ

TP.HCM TP.HCM đang xúc tiến kế hoạch chuyển đổi 400.000 xe xăng sang xe điện, tiến tới xóa sổ xe xăng của tài xế công nghệ khỏi các app xe công nghệ.

Hành trình xanh của doanh nghiệp Việt

Nhiều doanh nghiệp lớn tại Việt Nam đã và đang từng bước thể hiện vai trò tiên phong, hành động cụ thể, bền bỉ để lan tỏa hành trình xanh.

Mưa lớn liên tiếp gây thiệt hại ở xã biên giới Na Loi

Nghệ An Trong những ngày qua, xã Na Loi xảy ra mưa lớn làm hư hỏng đường giao thông, chia cắt một số bản làng, một số nhà dân bị sạt lở phải di dời khẩn cấp.

5 Luật mới định hình tương lai khoa học công nghệ Việt Nam

Quốc hội thông qua 5 đạo luật nhằm tháo gỡ điểm nghẽn trong lĩnh vực khoa học và công nghệ.

Thanh Hóa kết thúc 26 đảng bộ huyện, thành lập 166 đảng bộ xã phường

Hội nghị Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Thanh Hóa lần thứ 46 thống nhất kết thúc hoạt động 26 đảng bộ cấp huyện và thành lập 166 đảng bộ xã, phường mới.

Bình luận mới nhất