| Hotline: 0983.970.780

Giấc mơ đại điền...

Thứ Bảy 02/02/2008 , 10:39 (GMT+7)

Tiếng gió hú rít ghê rợn từng hồi. Những bông lau sậy trắng muốt phất phơ, chập chờn. Người ta nói đó là đất chết. Vậy mà Sáu Đức ở đó thấm thoát đã 10 năm. Hôm sáu Đức dùng máy cày có gắn bộ phận định vị bắn tia laser để san đất bằng mặt ruộng, điện thoại khắp nơi gọi về hỏi tới tấp. Anh cười khà “Hồi xưa, tôi có biết làm ruộng gì đâu, vậy mà bây giờ đêm ngủ cũng mơ thấy lúa”.

Người luôn khác... người

Sáu Đức và cánh đồng lúa xanh ngát Cha sanh mẹ đẻ hổng có cục đất chọi chim, rồi tôi lập gia đình cũng là lúc rộ lên “phong trào” nuôi cá basa xuất khẩu, bèn sáp vô đóng bè làm ăn. Hồi đó, mấy chú bác trong xóm nói kiểu dè chừng: - Cái gì mới ló ra, ai mạnh gan dám làm trước thì “năm ăn - năm thua”. Thiệt chẳng sai, qua mấy vụ đầu làm ăn khấm khá, sáu đó cá basa lận đận liên miên. Bởi vậy, tính tới bàn lui, tôi rẽ ngoặt tìm đường qua Lương An Trà, huyện Tri Tôn (An Giang) để làm...hai lúa.

Sáu Đức tên thật Nguyễn Lợi Đức, quê gốc xã Khánh An, huyện An Phú, An Giang. Dáng người tầm thước, lực điền. Ít mấy ai nghĩ rằng Sáu Đức đã ở tuổi 52. Ấn tượng nhất trên khuôn mặt chữ điền là đôi mày rậm, tóc đen dày với nụ cười hiền và giọng nói ôn tồn. Anh kể, sau cơn bĩ cực cá basa, gia đình muốn bể nợ, bế tắc, anh nghe Tư Phú, Hai Trường bàn chuyện qua Tà Đảnh, Vĩnh Nhuận (dọc theo tỉnh lộ 941, An Giang) làm ruộng. Họ đi từ những năm 92-93 của thế kỷ trước nên tới bây giờ đã tạo dựng được cơ nghiệp khá giả và họ đều là nông dân giỏi của tỉnh.

Sáu Đức dò dẫm sang Tri Tôn, men theo kênh số 1, qua tới Tám Ngàn, độ chừng nửa đường đi về Hà Tiên và dừng lại ở Lương An Trà trong vùng Tứ giác Long Xuyên. Hồi đó, con đường chạy băng qua vùng đất này giữa nắng gắt ban trưa mùi phèn chua như dậy xộc vào mũi. Phèn váng chân kênh đỏ quạch. Từ khi mới vào đất này, Sáu Đức chỉ nghĩ tới mua bán kiếm sống, nhưng muốn bán hàng vật tư nông nghiệp phải giỏi chuyện ruộng đồng, biết dùng đúng thuốc, đúng phân thì mới dẫn giải cho bà con mới nghe theo.

Vậy là cứ lớp bồi dưỡng nào, hội thảo nào hay khuyến nông trên đài...anh đều theo dõi, ghi chép rồi thuật lại rành rọt cho bà con. Mười năm, từ ba mẫu đất ban đầu, anh mở rộng trên 70ha. Anh khát khao có một trang trại vừa tầm suy tính làm ăn. Đầu tiên là một chiếc máy xới nhỏ, tích lũy từng vụ lúa, anh tiếp tục trang bị hệ thống máy bơm nước đủ dùng. Trong đầu của chủ trang trại Sáu Đức, phải làm 2 vụ ăn chắc trong năm, đông xuân 7 tấn/vụ, hè thu 5 tấn /vụ, tổng thu cả năm 840 tấn lúa, tương đương 40.000 giạ. Sáu Đức tính từ con số đó. Thiếu máy cày mua thêm, cần máy cấy để khử lẫn làm giống tốt hay bị động khâu nhân công gặt lúa, anh đặt mua liền hai máy gặt đập liên hợp, rồi làm lò sấy lúa...

Sáu Đức khen các bộ phận máy định vị dùng tia laser san đất

Thạc sĩ Nguyễn Hữu An, Chi cục trưởng Chi cục BVTV An Giang: “Từ vụ thu đông 2005, An Giang bắt đầu áp dụng kỹ thuật trồng lúa tiết kiệm nước, trên diện tích 30ha ở phường Mỹ Thới (Long Xuyên), đến vụ hè thu 2007 có hơn 2.000 nông dân áp dụng kỹ thuật này trên diện tích 4.000ha. Vụ đông xuân 2007-2008, An Giang sẽ có 7.000 ha lúa ứng dụng kỹ thuật “tiết kiệm nước tưới” ở khắp 154 xã. Nhờ áp dụng kỹ thuật này giảm được ½ số đợt bơm nước, cây lúa không bị đổ ngã, chắc hạt, năng suất tăng 0,5 tấn/ha. Hiện thời các nhà khoa học Trường ĐH Nông lâm TP. HCM đang ứng dụng kỹ thuật máy san đất bằng tia laser để tạo độ phẳng mặt ruộng nhằm khống chế mực nước trung bình 3-5cm, kiểm soát được cỏ dại, tăng diện tích đất sử dụng lên 5-7% nhờ xóa bớt bờ bao". 

Sáu Đức dùng máy cày có gắn bộ phận định vị bắn tia laser để san đất bằng mặt ruộng (có lẽ anh là chủ trang trại đầu tiên trong vùng  làm việc này). Điện thoại khắp nơi gọi về hỏi tới tấp. Làm như vậy anh được cái gì? Sáu Đức giải thích “Tiết kiệm nước chứ làm cái gì?”. Câu trả lời nghe hơi lạ vì giữa châu thổ mênh mông nước, vậy mà Sáu Đức nhìn thấy tương lai thiếu nước. Trường Đại học Nông lâm TP HCM đưa về ứng dụng thí điểm theo chương trình sản xuất tiết kiệm nước của Viện Nghiên cứu lúa quốc tế (IRRI ). Anh tình nguyện ứng dụng. Lúc đưa ra đồng làm mẫu, bà con trong xã kéo tới xem đông như hội. Có người cười ruồi: “Coi Sáu Đức làm chuyện bá láp nữa rồi.” Khi cả chục héc-ta thành khoảnh, đồng đất bằng phẳng, bơm nước chỉ tốn 2 lít/ha thay vì 5 lít dầu/ha, phân bón, thuốc sâu, trừ cỏ...xài ít hơn thì bà con mới tin.

Đôi hia bảy dặm

Sáu Đức nghiệm ra rằng: “Đất ở Lương An Trà không xấu. Những chuyện dĩ vãng về phế tích một thời của nhà máy bột mì và nông trường trồng khoai mì gần xa biết tới vì sự thất bại là do chưa hiểu hết đất này. Phèn nặng, một mùa khô một mùa ngập nước không phải là xứ sở của khoai mì. Hơn nữa lớp di dân kinh tế mới đa số là dân nghèo, tiền bạc thiếu thốn, máy cày cũng không, tiền không có lấy gì thuê nhân công…Bởi vậy chỉ qua vụ đầu sạ lúa vừa xong cỏ chụp, còn hơi sức đâu mà gượng cho mùa sau khiến nhiều gia đình lâm nợ, nghèo xơ xác, chịu hết nổi phải cầm cố sang nhượng đất cuốn nóp về quê”.

“Cuộc đời bao nỗi thăng trầm và giá như sự đời đúng như mình nghĩ thì thiên hạ giàu lên cả rồi”. Anh đúc kết “Cuộc làm ăn ở đất này thấy vậy chứ gian nan trần thân. Dường như trời luôn thử thách con người. Ngay năm đầu tiên vỡ đất tôi gặp nạn lúa bị lem hạt, thất bát tệ hại. Còn hàng xáo vào mua lúa rẻ hơn vùng ngoài biền sông Hậu mỗi ký tới 200 đồng. Dân nghèo càng nghèo thêm. Nợ bán gối đầu cuối vụ tôi thu hồi chưa tới 20%.” Anh buồn bã: “Nếu cứ đà này thêm một năm nữa thì tôi cũng chẳng còn sức đâu chịu nổi mà chỉ có nước quảy nóp bỏ xứ này đi nữa thôi.” Nhưng ơn trời, đất không phụ người. Sau một năm rửa phèn vụ sau, lúa trúng mùa hơn 30 giạ một công (20kg/giạ). Bà con ai cũng mừng được mùa hoàn lại nợ hết. Nhờ đó mà anh “nở nồi” mua thêm được 20ha đất.

Mỗi lần mở thêm cánh cửa, nỗi khát khao và biết bao ý tưởng mới của Sáu Đức cũng lớn dần. Đất ở Lương An Trà bây giờ hóa vàng. Mới ngày nào 10 triệu đồng/ha thì nay 140-150 triệu đồng/ha chưa có người muốn bán. Nhìn qua cánh đồng bên kia bờ kênh, Sáu Đức hớp ngụm nước trà, giọng chắc nịch: “Bây giờ làm lúa vẫn giàu. Mười năm, hai mươi năm tới lúa vẫn là hạt vàng hạt ngọc. Mấy nhà khoa học cũng nói vậy kia mà.”

Trong tay Sáu Đức có 70ha, nhưng chiếc áo “hạn điền” dù 3 hay 6 héc-ta cũng trở nên chật chội. Sáu Đức từng khát máy cày, máy bơm, máy gặt đập...với nỗi khát thỏa lòng phải là con số một trăm héc-ta và khi đồng đất rửa phèn bước tới sẽ là trang trại đa canh và chăn nuôi đại điền.

Còn trong tôi, niềm ao ước lớn nhất cho vùng đồng bằng châu thổ này là mai kia có thêm nhiều nông dân Sáu Đức để cơ giới hóa, làm nhiều nông sản hàng hóa để đổi thay làng mạc, nông thôn quê mình.

Xem thêm

Bình luận mới nhất