Giá dừa tăng gấp 4 lần
Ghi nhận tại “thủ phủ” dừa Bến Tre, hiện giá thu mua dừa tươi tại vườn đã chạm mốc 220.000 đồng/chục (12 trái), cao gấp 4 lần so với cùng kỳ năm ngoái - mức giá cao chưa từng có trong nhiều năm trở lại đây. Dừa xiêm xanh hiện đang hút hàng cả thị trường nội địa và quốc tế.

Mặc dù giá dừa tăng cao nhưng sản lượng dừa lại giảm mạnh, thương lái phải săn tìm đến tận vườn để thu mua. Ảnh: Minh Sáng.
Theo các thương lái, nguyên nhân chính dẫn đến việc dừa xiêm xanh tăng giá là do thời tiết nắng nóng, nhu cầu tiêu thụ dừa tươi uống nước trên thị trường tăng cao dẫn đến dừa hút hàng. Mặc dù giá dừa tăng cao nhưng sản lượng dừa lại giảm mạnh, nhiều vườn dừa chỉ đạt khoảng 50% năng suất so với năm trước. Sâu đầu đen hiện đang là mối nguy lớn với nhà vườn trồng dừa tại địa phương này, ảnh hưởng nghiêm trọng đến thu nhập của nhiều hộ dân.
Gia đình ông Nguyễn Văn Lợi, ở huyện Mỏ Cày Nam từng có 0,7 ha dừa, bình quân mỗi tháng thu về khoảng 7 triệu đồng, khi giá dừa chỉ ở mức 6.000 đồng/trái. Thế nhưng, sâu đầu đen tấn công nghiêm trọng khiến ông phải đốn bỏ toàn bộ vườn cách đây mấy tháng. Đến nay, khi giá dừa khô tăng gấp nhiều lần, ông Lợi không khỏi xót xa vì giá như cứu được khu vườn, thì giờ thu nhập của gia đình đã đạt cả chục triệu đồng mỗi tháng.
Tại huyện Giồng Trôm, tỉnh Bến Tre, ông Hùng Anh cũng cho biết, đợt thu hoạch dừa lần này, ông chỉ bán được khoảng 500 trái dừa, sản lượng giảm phân nửa so với trước đây. Ông Hùng Anh xác nhận, sản lượng dừa xiêm xanh đang sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của hạn mặn và thời tiết bất lợi, chỉ đạt khoảng 50% so với vụ thuận. Trong khi đó, các vườn dừa đạt chuẩn chất lượng, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu càng được thu mua với giá cao hơn.

Nông dân trồng dừa cho hay, sản lượng dừa xiêm xanh đang sụt giảm mạnh do ảnh hưởng của hạn mặn và thời tiết bất lợi, chỉ đạt khoảng 50% so với vụ thuận. Ảnh: Minh Sáng.
Dọc theo các trục đường chính qua các huyện Mỏ Cày Nam, Giồng Trôm, Bình Đại, Châu Thành, tỉnh Bến Tre, không khó để bắt gặp những vườn dừa héo rũ, lá khô cháy vì sâu đầu đen tàn phá. Nhiều vườn dừa lâu năm, cây cao khó tiếp cận, càng chịu thiệt hại nặng vì khó phun thuốc BVTV nên không hiệu quả. Người dân lo ngại nếu không có giải pháp đồng bộ, diện tích dừa nhiễm sâu sẽ còn lan rộng.
Theo Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bến Tre, sâu đầu đen là loài ngoại lai, sức gây hại rất lớn và lan nhanh. Nếu không kiểm soát kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng dừa toàn tỉnh. Ngành nông nghiệp và Môi trường tỉnh đang khuyến cáo người dân tăng cường kiểm tra vườn dừa, chủ động phát hiện sớm, đồng thời phối hợp chặt chẽ với chính quyền địa phương trong việc xử lý, phun thuốc đồng loạt để khống chế diện rộng.
Hiện, tỉnh Bến Tre có khoảng 79.000 ha dừa, với sản lượng đạt gần 700.000 tấn mỗi năm. Trong đó, khoảng 10% là dừa tươi uống nước, còn chủ yếu giống dừa xiêm xanh. Trước đây, dừa tươi Bến Tre chủ yếu tiêu thụ nội địa, qua thương lái cung cấp cho TP.HCM và các tỉnh, thành trong nước. Gần đây, mặt hàng này bắt đầu được xuất khẩu, mở ra cơ hội mới cho ngành dừa địa phương.
Theo lãnh đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường Bến Tre, trong năm 2025, tỉnh đang duy trì và phát triển 20.000 ha dừa hữu cơ, cùng 2.000 ha vùng trồng đủ điều kiện cấp mã số để phục vụ chế biến và xuất khẩu, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường trong và ngoài nước. Hiện, tỉnh đang tập trung xây dựng chuỗi giá trị ngành dừa theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên phát triển dừa hữu cơ và cấp mã số vùng trồng cho dừa tươi xuất khẩu.
Thủ phủ dừa vẫn bị thiếu dừa
Cả nước hiện có khoảng 200.000 ha dừa, đứng thứ 7 thế giới về diện tích trồng dừa, nhưng ngành chế biến dừa trong nước đang đứng trước nguy cơ thiếu nguyên liệu do phần lớn sản phẩm dừa tươi được xuất khẩu thô. Có nhiều nhà máy chế biến tại thủ phủ dừa Bến Tre đang phải hoạt động cầm chừng.

Hiện, tỉnh Bến Tre có khoảng 79.000 ha dừa, với sản lượng đạt gần 700.000 tấn mỗi năm. Trong đó, khoảng 10% là dừa tươi uống nước, còn chủ yếu giống dừa xiêm xanh. Ảnh: Minh Sáng.
Tuy giá nguyên liệu dừa tăng kỉ lục nhưng năng suất cây dừa vào mùa khô giảm do ảnh hưởng của hạn mặn và sâu bệnh tấn công, dẫn đến “cầu vượt cung”, thương lái phải săn tìm đến tận vườn để thu mua. Theo bà Hồng Thi, một chủ vựa thu mua tại địa phương, nguồn cung hiện đang rất khan hiếm, mỗi ngày bà chỉ gom được khoảng 500 trái, trong khi đơn hàng từ các chợ tăng mạnh do thời tiết nắng nóng kéo dài.
Trong khi giá trái dừa tươi nguyên liệu ngày càng tăng cao khiến nông dân phấn khởi, nhưng doanh nghiệp lại khá lo lắng vì chi phí tăng, khó cạnh tranh. Ông Nguyễn Đình Tùng, Tổng giám đốc Vina T&T Group cho hay, doanh nghiệp của ông đang mua dừa với giá từ 200.000 - 220.000 đồng/chục (12 trái) nhưng vẫn không đủ hàng để xuất khẩu. Hiện doanh nghiệp này xuất khoảng 7 container/tuần, mỗi container chứa khoảng 20.000 trái.
Tình trạng khan hiếm nguyên liệu không chỉ khiến nhiều nhà máy chế biến dừa hoạt động cầm chừng, mà còn buộc một số doanh nghiệp phải tạm dừng xuất khẩu dừa, chuyển hướng sang mặt hàng khác để duy trì sản xuất.

Trong lúc giá dừa tăng quá cao khiến nông dân thu hoạch sớm, dẫn đến việc không đạt yêu cầu chất lượng cho xuất khẩu. Ảnh: Minh Sáng.
Công ty xuất khẩu dừa chất lượng cao Coco Hihi (Bến Tre) là một ví dụ. Bà Lê Hồng Ngọc Anh, Giám đốc công ty cho biết: “Hiện nhà máy chúng tôi đang tạm ngưng hoạt động để chờ đủ nguyên liệu dừa tươi đạt chuẩn mới tiếp tục đóng hàng xuất khẩu. Trong thời gian này, chúng tôi phải tập trung vào mặt hàng bưởi để xuất sang thị trường New Zealand”.
Theo bà Ngọc Anh, giá dừa hiện tăng quá cao khiến nông dân thu hoạch sớm, dẫn đến việc không đạt yêu cầu chất lượng cho xuất khẩu. Do vậy, doanh nghiệp đành ngưng thu mua dừa, tạm ngưng đơn hàng xuất khẩu.
Trước nguy cơ thiếu hụt nguyên liệu nghiêm trọng, nhiều doanh nghiệp chế biến dừa kiến nghị Nhà nước áp thuế xuất khẩu đối với dừa nguyên liệu thô, thay vì miễn thuế như hiện nay. Đây cũng là giải pháp mà một số quốc gia trong khu vực đã thực hiện, với mức thuế lên tới 80%, nhằm bảo vệ ngành chế biến trong nước. Việc đánh thuế không chỉ góp phần giữ lại nguồn nguyên liệu bản địa, mà còn tạo việc làm, gia tăng giá trị sản phẩm và thúc đẩy phát triển chuỗi giá trị chế biến sâu.

Do sâu đầu đen tấn công cây dừa ở tỉnh Bến Tre khiến nhiều vườn dừa xơ xác. Nếu không kiểm soát kịp thời sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng suất, sản lượng dừa toàn tỉnh. Ảnh: Minh Sáng.
Trao đổi với Báo Nông nghiệp và Môi trường, ông Đặng Phúc Nguyên, Tổng Thư ký Hiệp hội Rau quả Việt Nam cho biết: Việc mở cửa xuất khẩu dừa sang Mỹ và Trung Quốc tạo ra áp lực lớn về nguồn cung, đặc biệt vào mùa hè, thời điểm nhu cầu tiêu thụ dừa tăng mạnh. Trong bối cảnh thị trường quá “nóng”, không ít nông dân chạy theo số lượng, thu hoạch cả dừa non khiến chất lượng không đảm bảo.
Theo ông Nguyên, để ngành dừa phát triển bền vững, cần có chiến lược dài hạn từ việc mở rộng diện tích, chọn giống phù hợp đến kiểm soát chất lượng. Nếu không chủ động vùng nguyên liệu, nguy cơ phải nhập dừa để chế biến hoàn toàn có thể trở thành hiện thực.
Theo Hiệp hội Dừa Việt Nam, việc mở cửa thị trường dừa tươi sang Trung Quốc và Hoa Kỳ là cơ hội vàng để tái thiết các vườn dừa theo hướng bài bản, đáp ứng yêu cầu kỹ thuật của thị trường. Tuy nhiên, để hướng đến mục tiêu xuất khẩu 1 tỷ USD, ngành dừa cần chủ động vùng nguyên liệu, xây dựng chuỗi liên kết bền vững và đặc biệt nâng tỷ lệ dừa hữu cơ – hiện mới chỉ chiếm hơn 12% tổng diện tích. Đây là yếu tố then chốt để đảm bảo chất lượng, đáp ứng tiêu chuẩn ngày càng cao của thị trường quốc tế.