Cháu là cô gái quá lứa, lỡ thì, nhưng khi tìm được người ưng ý thì gia đình cháu lại cực lực phản đối (Ảnh minh họa)
Cô Dạ Hương kính mến!
Cháu là cô gái miền Tây quá thì, trắc trở. Đâu phải có chồng rồi goá bụa hay ly dị thì mới bất hạnh, đúng không cô? Từ hồi trẻ cháu đã quan niệm yêu thì phải lấy, có lẽ vì vậy mà cháu rất khó yêu.
Cháu không quá kén chọn nhưng vì là chị lớn trong gia đình, phía sau là một bầy em năm đứa nên lần lựa rồi ngoài ba mươi lúc nào không hay. Hồi đó, cháu học hết PTTH rồi ở nhà, nhường phần thi đại học cho mấy đứa em trai. Nhìn các em cháu trưởng thành và có bằng cấp, cháu thấy mình cũng hạnh phúc lắm rồi.
Mấy năm nay ở nông thôn làm ăn khó khăn, ba mẹ cháu không cầm giữ cháu ở nhà nữa. Cháu có nghề may nên ra thị xã, mướn nhà mở tiệm, vừa nâng cao tay nghề, vừa dạy học trò, không dư dả nhưng cũng tiếp tục giúp đỡ ba mẹ nuôi đứa em út đang học đại học ở Cần Thơ. Khi cháu ra thành, cháu quen biết nhiều hơn nên cũng có nhiều người để ý hơn. Cháu thấy rung cảm với một vài người nhưng không hiểu sao khi họ có những cử chỉ thái quá thì cháu rùng mình sợ hãi. Có phải cái chứng đó người ta gọi là bịnh của gái già không cô?
Gần đây có một người đàn ông người Bắc làm việc ở một cơ quan chung khu phố chỗ cháu mở tiệm lui tới may đồ rồi tỏ tình với cháu. Người nầy không có chức quyền gì, chỉ là nhân viên hành chính thôi. Anh không đẹp mã, không nói hay như nhiều người Bắc khác nhưng rất chân tình, rất quan tâm giúp đỡ cháu.
Chuyện gì anh cũng thạo, như sửa cho cái mái che, gắn cho cái công tắc điện hay thông giùm cái cống nghẹt. Anh không nề hà việc gì cả nhưng không vì vậy mà để mua chuộc tình cảm hay lợi dụng cháu. Anh thú thật là đã có một đời vợ ngoài kia, có một đứa con trai đang học cấp II và hai người đã ly dị trước khi anh xin chuyển hẳn vào miền Nam.
Trước kia cháu không yêu ai thì ba mẹ rất lo lắng, thúc giục. Bây giờ cháu đã gặp một người mình có thể làm chỗ dựa được thì cả nhà nhao lên phản đối, nào lớn tuổi xấu trai, nào có con riêng, nào người Bắc xa xôi khắc nghiệt… Cháu nghĩ dù có kén chọn gì thì ai cũng phải lấy chồng một lần để được xem là người bình thường, nếu sinh đẻ được nữa thì còn gì hạnh phúc hơn. Cháu không biết làm sao gỡ được mớ bòng bong nầy. Xin cô mấy lời khuyên bảo.
Cháu gái (Tiền Giang)
Cháu thân mến!
Mỗi lần nghe bài hát "Chị tôi" của nhạc sĩ Trần Tiến, cô hình dung ra những người phụ nữ suốt cả một đời hy sinh vì gia tộc rồi buồn lây với họ. Câu chuyện kết thúc bằng một nấm mồ sau khi người chị chờ mong mãi một anh cầu đường bẻm mép mà không trở lại. Hình như gia tộc nào, xóm ấp nào cũng có một người chị như vậy. Mỏng mày hay hạt, khôn ngoan vén khéo mà ế ẩm và bất hạnh, nghĩ có buồn không? Buồn lắm chứ, nhưng hy sinh cho người khác là văn hoá của người Việt, là vẻ đẹp của cộng đồng chúng ta.
Không như những phụ nữ thế hệ trước, cháu đã dám ra thành làm ăn và không sống khép kín. Yêu được là mừng. Có những người quá tuổi ba mươi thì xù lên kênh kiệu, chai cứng. Tại sao yêu được là may? Là vì khi yêu, con người mềm mại ra, nhân tính hơn và đời thường hơn. Ai cũng được cha và mẹ sinh ra, nhưng để có đời sống bình thường của một con người là phải yêu đương, lấy vợ lấy chồng sinh con đẻ cái. Người xưa quan niệm con trai không vợ không con là bất hiếu, con gái không ai dòm ngó là vô phúc cho cả nhà.
Cháu đã hy sinh đủ rồi, theo cách hiểu hy sinh cả tuổi xuân cho các em và giờ vẫn tiếp tục nuôi em út đi đại học đó thôi. May là cháu đã được nhiều người để ý, điều đó nói lên rằng cháu có duyên và nghề may của cháu thật sự cuốn hút đàn ông khi họ chọn vợ. Tầm tuổi cháu ít có cơ hội gặp trai tân và nếu người ta từng có vợ thì chuyện có con riêng cũng bình thường. Cô không tin những chàng trai gần 40 mà chưa một lần lấy vợ, nó cho thấy hoặc anh ta khó khăn khắc nghiệt hoặc "máy móc" có vấn đề. Những nguyên do khiến ba mẹ cháu lo ngại đều có căn cứ nhưng chắc chắn cháu không phải làm dâu mà lo xa hay gần, chắc chắn các cháu sẽ điều chỉnh được sở thích và khẩu vị nếu như cả hai thật lòng yêu nhau.
Theo kinh nghiệm của cô, cuộc hôn nhân nào cũng bị dư luận eo xèo lúc đầu, thói thường của dân mình là vậy. Rồi mọi thứ sẽ qua, đâu sẽ vào đấy với điều kiện là các cháu tôn trọng nhau, chăm chút ứng xử hai bên và biết rằng hạnh phúc là đấu tranh mà hạnh phúc cũng từ xây dựng mới có.