| Hotline: 0983.970.780

Đừng để giấc mơ của em chìm theo chiếc ghe cũ

Thứ Hai 19/05/2025 , 18:09 (GMT+7)

Cần Thơ Chiếc ghe cũ là mái nhà tạm của gia đình em Song Xuân đã chìm, mang theo sự bình yên của cô học trò nghèo, con đường đến trường chông chênh hơn bao giờ hết.

Cách đây ít ngày, một đồng nghiệp của chúng tôi chia sẻ bức thư ngỏ đầy xúc động do chính thầy Đỗ Thành Thiện - Hiệu trưởng Trường THPT Vĩnh Thạnh (TP Cần Thơ) viết.

Trong thư, thầy Thiện kể lại hoàn cảnh vô cùng khó khăn “không chỗ nương thân, không tài sản và tiền bạc” của gia đình em Trương Tường Công Lý Thị Song Xuân, đang là học sinh lớp 12C1, khiến ai đọc cũng không khỏi chạnh lòng.

Chiếc ghe cũ là mái nhà của gia đình Song Xuân trong suốt nhiều tháng qua. Ảnh: TQ.

Chiếc ghe cũ là mái nhà của gia đình Song Xuân trong suốt nhiều tháng qua. Ảnh: TQ.

Gia đình em chẳng có gì ngoài chiếc ghe cũ kỹ làm nơi trú ngụ. Thế nhưng, mới đây một sự cố bất ngờ xảy ra, chiếc ghe khi neo đậu trên sông không may bị chìm. Mang theo tất cả sách vở, tư trang và cả sự bình yên của cả gia đình Song Xuân cuốn vào dòng nước.

Chúng tôi đã tìm về ấp Vĩnh Thành, xã Vĩnh Trinh, huyện Vĩnh Thạnh, nơi gia đình Song Xuân đang sống tạm bên bờ sông Cái Sắn. Sau sự cố, chiếc ghe đã được kéo vào cặp mép sông, nằm trơ trọi. Tập vở, sách giáo khoa, dụng cụ học tập… tài sản quý nhất của một học sinh lớp 12 cũng bị nước làm rách hỏng gần như hoàn toàn.

Chị Huỳnh Kim Sự - mẹ của Song Xuân kể lại mà trong mắt vẫn chưa hết bàng hoàng: “Khoảng 2 giờ sáng, nước tràn vào ghe, chồng tôi kêu lớn: Chạy mau! Chiếc ghe chìm rồi. Tôi chỉ kịp nắm tay con lao lên bờ, rồi ngoái nhìn lại nơi trú ẩn suốt nửa năm qua của gia đình từ từ chìm trong dòng nước”.

Cuộc sống của gia đình Song Xuân trở nên ngổn ngang sau sự cố chiếc ghe bị chìm. Ảnh: TQ.

Cuộc sống của gia đình Song Xuân trở nên ngổn ngang sau sự cố chiếc ghe bị chìm. Ảnh: TQ.

Gia đình 3 thành viên, may mắn thoát nạn trong gang tấc sau sự cố. Chị Sự cho biết, chiếc ghe trị giá chỉ 10 triệu đồng là nơi che nắng, che mưa của gia đình từ cuối năm ngoái, sau khi phải trả lại nền đất mượn từ người thân. Cả gia đình phải đưa nhau sống lênh đênh trên sông nước.

Cha của Song Xuân là lao động tự do, còn chị là công nhân may với mức lương chỉ 6,5 triệu đồng mỗi tháng. “Thu nhập ít ỏi vốn đã chẳng đủ lo cho cuộc sống, giờ lại thêm gánh nặng chỗ ở, học hành cho con”, chị Sự bộc bạch.

Dẫu cuộc sống nhiều khó khăn, nhưng nhiều năm liền Song Xuân đều là học sinh giỏi. Thầy Phạm Thịnh Sự, giáo viên chủ nhiệm lớp 12C1 chia sẻ, em có tinh thần học tập đáng khâm phục và hầu hết thầy cô không thể chê trách em điều gì.

Chuẩn bị bước vào kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025, chiếc ghe bị chìm, vấn đề chỗ ở đang ảnh hưởng không nhỏ đến tinh thần ôn thi của Song Xuân. Thầy Sự cùng với Nhà trường và học sinh trong lớp, đã hỗ trợ em tài liệu ôn tập. Riêng môn Lịch sử - bộ môn mà Song Xuân tập trung theo đuổi để trở thành giáo viên Lịch sử. Thầy Sự sẽ tự tay chuẩn bị kỹ và gửi đến em.

Hiện tại, nhiều mạnh thường quân đang huy động sự hỗ trợ để gia đình Song Xuân vượt qua khó khăn, giúp em yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Ảnh: TQ.

Hiện tại, nhiều mạnh thường quân đang huy động sự hỗ trợ để gia đình Song Xuân vượt qua khó khăn, giúp em yên tâm chuẩn bị cho kỳ thi tốt nghiệp sắp tới. Ảnh: TQ.

Sự sẻ chia này sẽ là động lực lớn tiếp thêm nghị lực để Song Xuân vươn lên khó khăn, kiên trì theo đuổi ước mơ.

Hiện nay, chính quyền địa phương đã bước đầu vận động hỗ trợ gạo và một phần kinh phí cho gia đình Song Xuân. Ngoài ra, nhiều nhà hảo tâm khi biết đến hoàn cảnh của em, đã có những hỗ trợ giúp gia đình vượt qua khó khăn bước đầu.

Ông Nguyễn Quốc Nam – Chủ tịch UBND xã Vĩnh Trinh cũng cho hay, gia đình Song Xuân không thuộc diện hộ nghèo hoặc nằm trong diện ảnh hưởng của sạt lở buộc phải di dời chỗ ở khẩn cấp. Do đó, việc xem xét hỗ trợ đất ở, theo diện mua nền đất trả chậm đang được chính quyền xã trình lên cấp huyện để xem xét.

Xem thêm
Hiệu quả từ xóa nhà tạm, dột nát ở huyện vùng cao Quảng Ngãi

Các địa phương vùng cao ở Quảng Ngãi đã có cách làm hay, sáng tạo, vừa ngăn được tình trạng phá rừng làm nhà, vừa sớm về đích xóa nhà tạm.

Chuyện đất công, đất tư và kinh tế tư nhân

Đọc loạt bài 'Nỗi đau của đất' trên Báo Nông nghiệp và Môi trường, GS Đặng Hùng Võ ngẫm ngợi: Suy cho cùng những nhọc nhằn từ đất là do pháp luật còn khoảng trống.