| Hotline: 0983.970.780

Đồng bộ hệ thống thủy lợi toàn vùng: Nhiều mô hình thích ứng với nguồn nước

Thứ Hai 24/10/2022 , 08:52 (GMT+7)

Nhờ vận hành đồng bộ hệ thống thủy lợi trên toàn vùng, sản xuất nông nghiệp ở tỉnh Kiên Giang có nhiều khởi sắc, nhiều mô hình thích ứng với nguồn nước ra đời.

Vụ hè thu 2022, toàn tỉnh Kiên Giang xuống giống hơn 279 nghìn ha, đạt 99,46% kế hoạch. Tính đến nay, các địa phương đã thu hoạch đạt trên 34 nghìn ha, năng suất bình quân ước đạt 5,34 tấn/ha. Các huyện Tân Hiệp, Giồng Riềng, Giang Thành hiện đang bước vào vụ thu hoạch rộ.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đi vào vận hành, mang lại nhiều khả quan cho sản xuất lúa ở Kiên Giang. Ảnh: Kim Anh.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé đi vào vận hành, mang lại nhiều khả quan cho sản xuất lúa ở Kiên Giang. Ảnh: Lê Vũ.

Từ thời điểm hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đi vào vận hành, mang lại nhiều khả quan cho sản xuất lúa trong vùng. Đối với vùng sinh thái ngọt hoàn toàn chiếm hơn 145 nghìn ha trên địa bàn tỉnh đã được kiểm soát, không để mặn xâm nhập. Với vùng sinh thái lợ, tập trung chủ yếu là các mô hình tôm - lúa, nguồn nước được kiểm soát có độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản.

Ngoài ra, theo thông tin từ Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang, nếu như mùa khô các năm trước, ở các huyện Châu Thành, Giồng Riềng hay Gò Quao phải đắp hơn 136 đập tạm để ngăn mặn, bảo vệ diện tích trồng lúa, thì nay đã không còn thực hiện.

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giúp cho địa phương tiết kiệm hàng chục tỷ đồng từ việc đắp đập tạm, giảm ô nhiễm môi trường và không ảnh hưởng đến giao thông thủy.

Ảnh 1

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giúp tỉnh Kiên Giang tiết kiệm hàng chục tỷ đồng từ việc đắp đập tạm. Ảnh: Lê Vũ

Theo dõi thực tế tình hình sản xuất lúa từ khi cống Cái Lớn, Cái Bé, Xẻo Rô được đầu tư, ông Lê Hữu Toàn, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT tỉnh Kiên Giang phấn khởi cho hay, ngành nông nghiệp địa phương đã chủ động hơn rất nhiều trong việc kiểm soát mặn cho giai đoạn cuối vụ lúa đông xuân của vùng thượng lưu cống Cái Lớn, Cái Bé thuộc địa bàn huyện An Biên, Châu Thành, Giồng Riềng, Gò Quao, Vĩnh Thuận và U Minh Thượng. Hơn nữa, đối với vùng sản xuất lúa - tôm, việc vận hành đồng bộ các cống trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, kết hợp với việc vận hành các cống do tỉnh quản lý đã đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất lúa vụ mùa trên địa bàn huyện An Biên, An Minh.

Phát huy lợi thế của dự án, ngành nông nghiệp Kiên Giang đã hỗ trợ các địa phương thực hiện 26 mô hình sản xuất thích ứng với nguồn nước được kiểm soát, đáp ứng nhu cầu liên kết chuỗi sản xuất với quy mô diện tích 950 ha. Ngoài ra, thành lập và củng cố 20 hợp tác xã, với tổng vốn đầu tư 51 tỷ đồng. Riêng tại huyện Gò Quao, đã thực hiện 4 mô hình sinh kế bền vững theo hướng an toàn sinh học, phù hợp điều kiện thực tế như mô hình tôm - lúa, cây ăn trái, khóm - cau - dừa, khóm - tôm.

Hiện nay, phía bên trong hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, còn có công trình thủy lợi Ô Môn - Xà No trên địa bàn huyện Giồng Riềng, Gò Quao, với 46 cống đang tiếp tục vận hành để kiểm soát lũ và mặn. Bộ NN-PTNT đang tiến hành nghiên cứu, cập nhật quy trình vận hành của hệ thống thủy lợi này đảm bảo phù hợp với điều kiện vận hành thực tế của hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé, nâng cao hiệu quả đầu tư các công trình trong toàn hệ thống.

Ảnh 3

Hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé giúp vùng sinh thái lợ kiểm soát độ mặn phù hợp cho nuôi trồng thủy sản. Ảnh: Kim Anh.

Song song đó, khi hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé vận hành, lấy nước mặn cho vụ nuôi tôm, các công trình thủy lợi đã xây dựng khác vẫn được vận hành kiểm soát mặn. Qua đó góp phần đảm bảo nguồn nước ngọt khu vực quy hoạch chuyên lúa và hoa màu trên địa bàn các huyện Châu Thành, An Biên, Giồng Riềng, Gò Quao và U Minh Thượng.

Quy trình vận hành các công trình thuộc hệ thống thủy lợi Cái Lớn – Cái Bé theo nguyên tắc đóng, mở các cửa cống thông qua 6 điểm khống chế vận hành và 10 điểm giám sát môi trường.

Khi tín hiệu từ các trạm truyền về thông qua hệ thống kết nối với nhà Điều hành đặt tại công trình cống Cái Lớn. Các thông số, thông tin khi đóng mở cửa, số lượng cửa đóng mở, thông tin về các chỉ số mực nước, chỉ tiêu môi trường… đều được đăng tải trên trang thông tin điện tử tại địa chỉ: cailoncaibe.thuyloivietnam.vn.

Xem thêm
Mở khóa tăng trưởng từ Luật Quy hoạch

Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quy hoạch, sẽ kỳ vọng tháo gỡ điểm nghẽn thể chế, mở rộng không gian phát triển và trao quyền nhiều hơn cho địa phương.