Chiều 27/5, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến làm việc với Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam về công tác khoa học công nghệ (KHCN) và triển khai Nghị quyết 57-NQ/TW.

Thứ trưởng Phùng Đức Tiến yêu cầu VAFS xây dựng kế hoạch triển khai các nhiệm vụ KHCN chi tiết, khoa học. Ảnh: Trung Quân.
Tại buổi làm việc, PGS.TS. Phí Hồng Hải, Phó Giám đốc Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam (VAFS) cho biết, đến nay, viện đã đạt được nhiều đột phá trong nghiên cứu ứng dụng các tiến bộ về công nghệ sinh học trong nghiên cứu cải thiện giống như: công nghệ đa bội thể, chuyển gen, chỉ thị phân tử để chọn tạo giống mới và rút gắn công tác cải thiện giống cây rừng.
Viện đã được Bộ công nhận 73 giống mới cho các loài cây trồng chính như keo, bạch đàn, mắc ca...; được cấp bằng bảo hộ cho 11 giống mới gồm keo lai và keo tam bội; được cấp bằng độc quyền giải pháp hữu ích cho quy trình nhân giống keo lá liềm; được chấp nhận đơn đăng ký bảo hộ cho 10 giống mới keo lai.
Bên cạnh đó, xây dựng hơn 100 ha vườn giống các loài keo và bạch đàn ở nhiều vùng sinh thái trên khắp cả nước (thuộc chương trình giống), trong đó có 48 ha vườn giống đã được Bộ NN-PTNT (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường) công nhận.
Đồng thời, duy trì trên 1.000 ha rừng giống chuyển hóa, rừng giống, vườn giống, vườn lưu giữ giống gốc, rừng khảo nghiệm giống phục vụ công tác nghiên cứu và sản xuất cây giống trồng rừng cho các loài cây bạch đàn, thông, keo và các loài cây bản địa, cây vùng cát và vùng ngập mặn ven biển.
Hàng năm, viện có thể cung cấp trên 300 kg hạt giống các loài cây trồng rừng chủ lực; 7 triệu cây giống thương phẩm và giống gốc; trên 1 triệu cây bản địa; trên 5.000 bình giống gốc để thay thế giống gốc thoái hóa ở các cơ sở sản xuất giống…
Cũng theo PGS.TS. Phí Hồng Hải, với chức năng là tổ chức nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp, để triển khai Nghị quyết số 57-NQ/TW và kế hoạch thực hiện của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, viện tập trung vào các nhiệm vụ trọng tâm tạo đột phá.
Cụ thể, về giống cây rừng: ứng dụng công nghệ gen, chỉ thị phân tử, đa bội thể trong chọn tạo giống cây lâm nghiệp (tăng năng suất, chất lượng, chống chịu sâu bệnh hại và thích ứng với biến đổi khí hậu). Ứng dụng AI, tự động hóa, công nghệ nhân giống mới (phôi sinh dưỡng, TIS…) trong nhân giống cây lâm nghiệp quy mô công nghiệp. Hoàn thiện cơ sở dữ liệu DNA và Barcoding trong công tác quản lý giống, bảo tồn, khai thác, phục tráng, giám định, phát triển nguồn gen và giống cây lâm nghiệp.
Trong lâm sinh tổng hợp: nghiên cứu áp dụng công nghệ cao trong thâm canh rừng trồng cung cấp nguyên liệu gỗ cho chế biến và xuất khẩu; thúc đẩy kinh tế tuần hoàn trong lâm nghiệp; phục hồi và quản lý bền vững các hệ sinh thái rừng đầu nguồn và ven biển để giảm thiểu thiên tai, tác động của BĐKH.
Bên cạnh đó, nghiên cứu ứng dụng các giải pháp kỹ thuật tiên tiến phát triển lâm sản ngoài gỗ có năng suất, hiệu quả cao, bền vững; kỹ thuật trồng rừng thâm canh giảm phát thải, tăng hấp thụ carbon; các giải pháp kỹ thuật quản lý tổng hợp sinh vật hại rừng, cháy rừng; giải pháp kỹ thuật nâng cao sức khỏe đất, cải tạo, phục hồi các loại đất thoái hóa, ô nhiễm; công nghệ sản xuất các chế phẩm sinh học trong phục hồi sức khỏe đất, kích kháng khả năng chống chịu sâu bệnh hại và các điều kiện bất lợi.
Ứng dụng công nghệ (AI, viễn thám, GIS…) trong giám sát tài nguyên rừng, dự báo, cảnh báo sớm các nguy cơ dịch hại, cháy rừng; xác định sinh khối/trữ lượng rừng bằng ảnh vệ tinh và công nghệ cảm biến phát hiện, đo khoảng cách bằng ánh sáng (LiDAR); ứng dụng AI trong phân loại thực vật, côn trùng và nấm gây hại cây lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu trong quản lý, truy xuất nguồn gốc lâm sản, cấp mã số rừng trồng, quản lý rừng bền vững, chứng chỉ rừng…
Trong công nghiệp rừng: nghiên cứu phát triển, ứng dụng và làm chủ công nghệ mới (AI, IoT, BIG data,..) trong thiết kế, chế tạo hệ thống thiết bị công nghệ cao phục vụ sản xuất vật liệu mới, phòng chống cháy rừng cũng như nâng cao hiệu suất sản xuất trong lâm nghiệp; ứng dụng công nghệ quang phổ khối lượng (DART-TOFMS) trong giám định gỗ ở Việt Nam…

Viện Khoa học lâm nghiệp Việt Nam là tổ chức nghiên cứu đầu ngành trong lĩnh vực lâm nghiệp tại Việt Nam. Ảnh: Trung Quân.
Đánh giá cao những nỗ lực và kết quả mà VAFS đã đạt được, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến cũng lưu ý: trong bối cảnh mới, trước những yêu cầu ngày càng cao của thực tiễn sản xuất, VAFS cần khẩn trương rà soát, đánh giá lại tất cả các nguồn lực hiện có (nhân lực, cơ sở vật chất…), xây dựng kế hoạch hành động chi tiết cho từng nhiệm vụ cụ thể, có như vậy mới đảm bảo triển khai hiệu quả các nhiệm vụ KHCN và Nghị quyết 57-NQ/TW.
“Viện đã làm tốt trong thời kỳ khó khăn kéo dài, bây giờ có cơ hội để tạo nên những đột phá mới trong nghiên cứu thì không có lý do gì không đón nhận và làm tốt. Nhưng nếu chỉ nói không thì chưa được, phải hành động quyết liệt, bài bản, khoa học”, Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.
Thứ trưởng cũng lưu ý, trong khối công việc đồ sộ, viện phải hành động có trọng tâm, trọng điểm, rõ người, rõ việc, rõ thời gian, rõ kết quả. Trong đó, tiếp tục phát triển mạnh mẽ công nghệ giống, tạo ra những bộ giống cây lâm nghiệp mới, khai thác tiềm năng các giống cây bản địa năng suất, chất lượng, phục vụ phát triển rừng gỗ lớn, đủ tiêu chuẩn xuất khẩu. Bên cạnh đó, xây dựng các quy trình canh tác phải gắn với sức khỏe đất, giảm phát thải, thuận lợi xây dựng các chuỗi liên kết, phát triển kinh tế tuần hoàn…