Tại Hội thảo “Quản trị công nghệ trong kỷ nguyên số: Những chính sách nổi bật tại Việt Nam” ngày 27/5, các chuyên gia nhận định, rằng thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao đang là rào cản lớn nhất trong quá trình đổi mới công nghệ và phát triển kinh tế số.

Ông Nguyễn Hữu Tuấn phát biểu tại hội thảo. Ảnh: BTC.
Ông Nguyễn Hữu Tuấn, Giám đốc Trung tâm Phát triển thương mại điện tử và Công nghệ số (eComDX), Cục Thương mại điện tử và Kinh tế số (Bộ Công Thương) cho biết, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đã vượt mốc 25 tỷ USD, tăng trưởng 22% so với năm trước và chiếm khoảng 9% tổng mức bán lẻ hàng hóa, dịch vụ tiêu dùng. Tuy nhiên, tốc độ phát triển này đang vượt xa khả năng đáp ứng của thị trường lao động.
Theo ông Tuấn, thiếu nhân lực có trình độ khiến nhiều doanh nghiệp dù có tiềm lực tài chính vẫn không thể mở rộng quy mô số hóa. Không có người phù hợp để triển khai công nghệ mới, tích hợp vào sản phẩm và quản trị, thì đổi mới chỉ là lý thuyết.
Bên cạnh đó, các chương trình đào tạo hiện nay còn thiếu thực tiễn, chưa bắt nhịp với sự thay đổi liên tục của công nghệ. Một số trường đại học đã đưa môn học như AI, blockchain hay quản trị dữ liệu lớn vào chương trình giảng dạy, nhưng độ lan tỏa vẫn còn hạn chế, chưa tạo ra lực lượng lao động có khả năng bắt tay ngay vào việc.
Để rút ngắn khoảng cách giữa nhu cầu và thực trạng, mô hình đào tạo theo đặt hàng giữa doanh nghiệp và Nhà nước được đánh giá là giải pháp tiềm năng. Hình thức này giúp định hướng rõ nhu cầu thị trường, tăng tính ứng dụng cho người học. Tuy nhiên, ông Tuấn nhận xét, vận hành hiệu quả mô hình này cần khung phối hợp minh bạch, thống nhất giữa trường, doanh nghiệp và cơ quan quản lý.
Bộ Công Thương hiện nay đang thúc đẩy sửa đổi chương trình đào tạo thương mại điện tử, cập nhật học liệu, tăng cường hoạt động thực tập tại doanh nghiệp. Mục tiêu là hình thành đội ngũ lao động không chỉ hiểu công nghệ mà còn có tư duy tích hợp công nghệ vào mô hình kinh doanh.
Về phía quốc tế, bà Citra Nasruddin, Giám đốc Chương trình của Viện Nghiên cứu Công nghệ vì Cộng đồng (TFGI) cho rằng, công nghệ đang giữ vai trò then chốt trong tăng trưởng kinh tế, mở rộng thị trường và phát triển dịch vụ mới. Theo bà, năm 2023, kinh tế số Việt Nam chiếm 18,3% GDP và mục tiêu đến năm 2025 là đạt 25%. Tuy nhiên, để chạm tới con số này, yếu tố con người là điều kiện không thể thiếu.
“Nếu không giải bài toán nhân lực, đổi mới mô hình kinh doanh sẽ bị đình trệ, làm lỡ cơ hội phát triển,” bà Nasruddin cảnh báo.
Một trong những nỗ lực cụ thể được bà nhấn mạnh là các chương trình hỗ trợ doanh nghiệp tiếp cận kiến thức pháp lý, công nghệ mới và chiến lược quảng bá số. Nhờ cách làm này, địa phương xây dựng hệ sinh thái số gắn với đào tạo thực tiễn và tư duy đổi mới.
Các chuyên gia tại hội thảo thống nhất, rằng nguồn nhân lực là nền tảng để kinh tế số phát triển bền vững. Đây không còn là trách nhiệm riêng của ngành giáo dục hay doanh nghiệp, mà cần được xác định là chiến lược quốc gia.
Trong bối cảnh công nghệ thay đổi theo từng tháng, việc thiếu hụt kỹ năng số khiến Việt Nam “hụt hơi” trong cuộc đua chuyển đổi. Không thể xây dựng hệ sinh thái số, cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, nếu điểm xuất phát (nhân lực) không được chuẩn bị đầy đủ.