Trước áp lực từ yêu cầu ESG và các tiêu chuẩn bền vững trong FTA thế hệ mới, doanh nghiệp chế tạo Việt Nam đang đối mặt với bài toán chuyển đổi để không bị loại khỏi chuỗi cung ứng toàn cầu. Nhưng chính những áp lực này cũng mở ra cơ hội để công nghiệp hỗ trợ Việt vươn lên, làm chủ công nghệ và sản xuất theo hướng xanh hơn.

Các diễn giả chia sẻ giải pháp giúp doanh nghiệp chế tạo Việt xanh hóa chuỗi cung ứng và mở rộng chuỗi giá trị toàn cầu. Ảnh: Phạm Đăng.
Chia sẻ tại Diễn đàn sản xuất công nghiệp với chủ đề chiến lược M-TALKS 2025 tại TP. Hồ Chí Minh, ngày 24/7, TS. Trương Thị Chí Bình - Phó Chủ tịch Hiệp hội Công nghiệp hỗ trợ Việt Nam nhấn mạnh, xanh hóa chuỗi cung ứng không còn là lựa chọn, mà là điều kiện bắt buộc. Doanh nghiệp Việt phải nâng cấp toàn diện về công nghệ, quản trị và tiêu chuẩn môi trường nếu muốn tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Theo bà Bình, các doanh nghiệp chế tạo hiện đang đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế công nghiệp Việt Nam, đặc biệt trong các lĩnh vực cơ khí, điện - điện tử, nhựa - cao su. Không chỉ cung ứng linh kiện cho những tập đoàn toàn cầu như Toyota, Samsung, Canon, ngành còn tạo ra gần 1,6 tỷ USD doanh thu và hơn 44.000 việc làm.
Tuy nhiên, trước các tiêu chuẩn mới từ các FTA thế hệ mới và áp lực minh bạch từ thị trường Mỹ, châu Âu, nhiều doanh nghiệp chế tạo Việt buộc phải thay đổi cách tiếp cận sản xuất. Không chỉ dừng ở việc nâng cấp công nghệ, bài toán lớn hơn là tích hợp các tiêu chí ESG (Môi trường – Xã hội – Quản trị), tiết giảm năng lượng và số hóa toàn bộ quy trình.
Thực tế thời gian qua, nhiều doanh nghiệp ngành cơ khí - điện, nhựa - cao su đã bắt đầu tích hợp tiêu chuẩn ESG, tối ưu năng lượng và chuyển đổi số trong sản xuất. Tuy nhiên, để doanh nghiệp Việt thực sự bắt nhịp được với làn sóng xanh hóa toàn cầu, TS. Trương Thị Chí Bình cho rằng cần có sự đồng hành từ Chính phủ và địa phương. Những hành động thiết thực như hỗ trợ mặt bằng sản xuất, tổ chức hội chợ xúc tiến quốc tế, minh bạch giá gia công và tư vấn cải tiến năng suất, tiếp cận nguồn tài chính xanh... sẽ là bệ đỡ giúp doanh nghiệp nâng cấp năng lực và hội nhập bền vững.
“Chúng ta không thể đi một mình trong hành trình này. Doanh nghiệp cần chủ động chuyển mình, nhưng Nhà nước và hiệp hội cũng cần trở thành người đồng hành hiệu quả để dẫn dắt và kiến tạo môi trường thuận lợi”, bà Bình nhấn mạnh.