Trước những bất hợp lý trong chính sách thuế đối ứng mà Hoa Kỳ đang áp dụng, Đoàn đàm phán Chính phủ đã kêu gọi các hiệp hội doanh nghiệp và doanh nghiệp có hàng xuất khẩu chủ lực vào thị trường này cần chủ động lên tiếng. Theo đó, các đơn vị cần mạnh dạn gửi thư phản ánh, đơn khiếu nại tới các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Hoa Kỳ nhằm bảo vệ lợi ích chính đáng của mình.

Đoàn đàm phán Chính phủ chuẩn bị sang Hoa Kỳ, đàn phán về các chính sách thương mại, trong đó có thuế đối ứng. Ảnh: MOIT.
Bộ Công Thương, cơ quan chủ trì, đầu mối của Đoàn đàm phán cho biết, việc phản hồi từ chính các doanh nghiệp - những chủ thể trực tiếp bị ảnh hưởng - sẽ là cơ sở quan trọng giúp Việt Nam kiến nghị và đàm phán hiệu quả hơn trong các phiên làm việc với phía Hoa Kỳ.
Đây cũng là bước đi thiết thực để thể hiện sự đồng thuận giữa Nhà nước và doanh nghiệp trong đối phó với các biện pháp thuế chưa phù hợp.
Theo đánh giá của nhiều hiệp hội ngành hàng, các sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam như dệt may, đồ gỗ, thủy sản, điện tử… không gây thiệt hại cho ngành sản xuất nội địa Hoa Kỳ, mà ngược lại, còn bổ sung nguồn cung có chất lượng với giá thành cạnh tranh, đáp ứng tốt nhu cầu người tiêu dùng nước này.
Các doanh nghiệp Việt Nam cũng đã tuân thủ đầy đủ các quy định về xuất xứ, tiêu chuẩn kỹ thuật, an toàn và môi trường do Hoa Kỳ ban hành.
Bên cạnh việc gửi kiến nghị đến cơ quan chức năng Hoa Kỳ, doanh nghiệp Việt Nam cũng được khuyến nghị tận dụng các kênh hợp tác với đối tác Hoa Kỳ như nhà nhập khẩu, nhà phân phối, hiệp hội ngành nghề tại Mỹ để cùng vận động hành lang chính sách, tăng cường tiếng nói từ cả hai phía.
Nội dung kêu gọi này là một trong những trọng tâm được đưa ra tại Hội nghị thúc đẩy thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ do Bộ Công Thương tổ chức chiều 8/5.
Tại đây, các bên cũng thảo luận về việc tăng cường minh bạch trong thương mại, đề xuất Hoa Kỳ sớm công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường và xem xét các biện pháp cân bằng thương mại dựa trên lợi ích chung thay vì các công cụ hạn chế đơn phương.
Về dài hạn, Bộ Công Thương kêu gọi doanh nghiệp tiếp tục đẩy mạnh tái cơ cấu sản xuất theo hướng xanh hóa, số hóa và đổi mới sáng tạo, nhằm nâng cao sức cạnh tranh và khả năng thích ứng với các biến động trong chính sách thương mại toàn cầu.
Việc chủ động tiếng nói và phối hợp đa tầng giữa doanh nghiệp - hiệp hội - Chính phủ được xem là giải pháp trọng tâm để duy trì ổn định xuất khẩu sang Hoa Kỳ trong thời gian tới.
Từ khi thành lập vào tháng 4/2025, Đoàn đàm phán Chính phủ do Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên làm Trưởng đoàn đã liên tục tổ chức các cuộc làm việc song phương với đại diện Chính phủ và các cơ quan quản lý thương mại của Hoa Kỳ.
Nội dung trọng tâm là tháo gỡ các vướng mắc liên quan đến việc áp dụng thuế đối ứng, rà soát chống lẩn tránh thuế, công nhận quy chế kinh tế thị trường cho Việt Nam và mở cửa thị trường cho các mặt hàng chiến lược.