Bộ Nông nghiệp và Môi trường đang lấy ý kiến các bộ, ngành, địa phương về dự thảo Nghị định quy định phân cấp, phân định thẩm quyền trong lĩnh vực đất đai khi cơ cấu tổ chức chính quyền theo mô hình hai cấp (tỉnh và xã/phường).
Phát huy tinh thần "tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm"
Theo đó, Bộ đề xuất quy định rõ việc phân cấp thẩm quyền: HĐND, UBND, Chủ tịch UBND cấp xã, cùng cơ quan có chức năng quản lý đất đai cấp xã sẽ đảm nhận một số thẩm quyền trước đây thuộc cấp huyện đang quy định trong Luật Đất đai. Riêng việc quản lý đất có mặt nước là ao hồ đầm thuộc địa bàn nhiều xã, phường thì do UBND cấp tỉnh quyết định (Điều 188).
Trong đó, Dự thảo Nghị định quy định rút ngắn các bước, giảm thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai từ cấp huyện chuyển về cấp xã thực hiện như giao đất ở cho cá nhân, cấp giấy chứng nhận lần đầu thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã nhằm góp phần đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực đất đai, tạo thuận lợi cho người dân, doanh nghiệp.
Đặc biệt, dự thảo cũng đề xuất UBND cấp xã không thực hiện việc xác nhận về sự phù hợp với quy hoạch, không tranh chấp, đất sử dụng ổn định khi thực hiện thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Điều 137, 138 và Điều 140 Luật Đất đai đối với các trường hợp thuộc thẩm quyền cấp giấy chứng nhận của UBND cấp xã. Đề xuất này nhằm phát huy tinh thần "tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm", bởi theo quy định của pháp luật hiện nay thì cấp xã đang thực hiện nội dung này.
Ngoài ra, sửa đổi, bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đăng ký đất đai, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất tại Nghị định số 101/2024/NĐ-CP phù hợp với đề án sắp xếp mô hình chính quyền địa phương các cấp.
Theo nhiều chuyên gia, việc giao thẩm quyền cho cấp xã giúp chính quyền cơ sở chủ động hơn trong quản lý đất đai trên địa bàn, đặc biệt là phát huy tinh thần "tự quyết, tự làm, tự chịu trách nhiệm" trong công tác quản lý theo thẩm quyền, đồng thời rút ngắn quy trình thực hiện các thủ tục đất đai, trong đó có thủ tục cấp giấy chứng nhận lần đầu.
Đồng quan điểm này mới đây, Sở Tài nguyên và Môi trường TP. HCM vừa có Công văn gửi Sở Tư pháp TP đề xuất xử lý các vấn đề liên quan đến chuyển tiếp thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của chính quyền địa phương khi sắp xếp, tổ chức lại đơn vị hành chính các cấp và tổ chức chính quyền địa phương hai cấp để tham mưu UBND TPHCM báo cáo Chính phủ.

Dự thảo Nghị định quy định rút ngắn các bước, giảm thời gian giải quyết các thủ tục về đất đai từ cấp huyện chuyển về cấp xã thực hiện như giao đất ở cho cá nhân, cấp giấy chứng nhận lần đầu thuộc thẩm quyền của UBND cấp xã. Ảnh minh họa.
Sở này cho rằng, cần có quy định chính thức về phân công, phân cấp, ủy quyền lại đối với các nhiệm vụ mà trước đây thuộc thẩm quyền UBND cấp huyện. Điều này rất cấp thiết đối với các nhóm thủ tục như: giao đất, cho thuê đất, thu hồi đất, chuyển mục đích sử dụng đất, cấp giấy chứng nhận, giải quyết tranh chấp... Nếu không phân định rõ ràng sẽ dẫn đến tình trạng "khoảng trống pháp lý" hoặc tình trạng chồng chéo, trùng lặp thẩm quyền trong giải quyết hồ sơ của người dân.
Theo đó, Sở đề xuất chuyển thẩm quyền giao đất cho cá nhân, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lần đầu về cấp xã để thuận tiện trong việc giải quyết và phù hợp phân cấp quản lý. Các nhiệm vụ chuyên môn sâu như xây dựng quy hoạch, khai thác dữ liệu đất đai, công tác thanh tra, kiểm tra sẽ do cấp tỉnh đảm nhiệm nhằm đảm bảo tính thống nhất.
Điều 137, 138, 140 Luật Đất đai 2024 quy định cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với các trường hợp hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư: đang sử dụng đất có giấy tờ về quyền sử dụng đất; Không có giấy tờ về quyền sử dụng đất mà không vi phạm pháp luật về đất đai, không thuộc trường hợp đất được giao không đúng thẩm quyền; đang sử dụng đất được giao không đúng thẩm quyền
Không bắt buộc người dân thực hiện chỉnh lý đồng loạt giấy chứng nhận đã cấp
Trước đó, liên quan tới nội dung cấp giấy chứng nhận, ngày 11/4/2025, Bộ Nông nghiệp và Môi trường đã có hướng dẫn gửi các địa phương về việc chỉnh lý hồ sơ địa chính, cơ sở dữ liệu đất đai và tổng hợp số liệu diện tích tự nhiên khi sắp xếp đơn vị hành chính các cấp.
Theo hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Môi trường, việc chỉnh lý hồ sơ địa chính bao gồm bản đồ địa chính, sổ mục kê đất đai, sổ địa chính và giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất phải được thực hiện đồng thời với việc cập nhật, chỉnh lý cơ sở dữ liệu đất đai tại địa phương.
Cụ thể, về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp qua các thời kỳ, Bộ Nông nghiệp và Môi trường cho biết sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, không bắt buộc người dân thực hiện chỉnh lý đồng loạt giấy chứng nhận đã cấp, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Việc chỉnh lý, thay đổi thông tin của thửa đất bao gồm số tờ, số thửa, địa chỉ trên sổ đỏ đã cấp được thực hiện theo quy định tại Điều 41 Thông tư số 10 năm 2024 của Bộ Tài nguyên và Môi trường (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường).
Đối với trường hợp trên sổ đỏ đã cấp không còn dòng trống để xác nhận thay đổi thì cấp mới sổ đỏ để thể hiện thông tin của thửa đất theo quy định tại Điều 23 của Nghị định 101 năm 2024 của Chính phủ.
Như vậy, người dân không bắt buộc phải chỉnh lý các giấy chứng nhận đã cấp như Sổ đỏ khi sáp nhập tỉnh thành, trừ trường hợp người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất có nhu cầu hoặc thực hiện đồng thời với thủ tục hành chính về đất đai.
Về cơ sở dữ liệu đất đai, UBND cấp tỉnh sau sáp nhập cần chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chuyển đổi cơ sở dữ liệu đất đai từ phần mềm khác sang một phần mềm thống nhất để cập nhật, liên thông, chia sẻ dữ liệu đất đai.
Về bảo quản và bàn giao hồ sơ địa chính, sau khi sắp xếp đơn vị hành chính, các sổ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất sẽ được bàn giao cho Chi nhánh Văn phòng Đăng ký đất đai để lưu trữ và cung cấp thông tin khi cần thiết.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường cũng nhấn mạnh, UBND cấp tỉnh sau sáp nhập có trách nhiệm chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Môi trường chuyển đổi cơ sở dữ liệu đất đai từ phần mềm khác sang một phần mềm thống nhất để cập nhật, liên thông, chia sẻ dữ liệu đất đai.
Cùng với đó, các địa phương cần rà soát và thống kê các hồ sơ địa chính, sổ sách tài liệu dạng giấy để sẵn sàng bàn giao cho đơn vị hành chính mới, tránh thất lạc và tiềm ẩn rủi ro trong công tác quản lý.
Bộ Nông nghiệp và Môi trường đề nghị UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo và tổ chức thực hiện nhằm đáp ứng kịp thời công tác quản lý nhà nước về đất đai. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn vướng mắc, đề nghị phản ánh về Bộ qua Cục Quản lý đất đai để được giải đáp và hướng dẫn kịp thời.