| Hotline: 0983.970.780

Đan áo gửi Trường Sa

Thứ Sáu 04/09/2015 , 06:50 (GMT+7)

Người thực hiện nghĩa cử cao đẹp này là bà Mang Thị Bộ (SN 1949) ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định).

Nhìn người phụ nữ tuổi gần chạm 70, mái tóc bạc phơ, đôi mắt không còn tinh anh nhưng ngày ngày vẫn miệt mài với đôi que đan và những cuộn len, người ta cứ ngỡ bà đan áo ấm cho chồng, cho con. Nhưng không, bà đan áo để gửi tặng những chiến sĩ Trường Sa.

Bởi bà nghĩ, ở nơi đầu sóng ngọn gió, vào mùa mưa bão ắt những người lính đảo phải hứng chịu nhiều giá rét. Người thực hiện nghĩa cử cao đẹp này là bà Mang Thị Bộ (SN 1949) ở thôn Hải Nam, xã Nhơn Hải (TP Quy Nhơn, Bình Định).

Căn nhà cô quạnh

Khi tìm được nhà bà Bộ nằm trong hẻm sâu ở làng chài Hải Nam đã quá trưa, nhưng chúng tôi vẫn thấy bà ngồi trên chiếc võng đong đưa với 2 que đan và cuộn len màu xanh nhạt. Tôi chào xã giao: “Đã trưa rồi mà bác chưa nghỉ ngơi, vẫn còn đan áo sao?”. Bà Bộ cười, nụ cười rất hiền, nói: “Già rồi, ngủ nghỉ chẳng bao nhiêu, rảnh hồi nào đan hồi đó”.

Khi biết chúng tôi là nhà báo đến tìm hiểu chuyện bà bỏ công sức suốt cả năm nay đan áo ấm tặng chiến sĩ Trường Sa, lại vẫn nụ cười hiền, bà tế nhị từ chối: “Chuyện tôi làm có đáng gì đâu mà lên báo chí, chỉ là chút tình của người hậu phương dành cho chiến sĩ ở đảo xa thôi mà”.

Qua trò chuyện, chúng tôi được biết, suốt mấy chục năm qua bà Bộ sống chung với người em gái là bà Mang Thị Bích Hoa, nay đã 65 tuổi. Chẳng biết duyên số thế nào mà đến năm 36 tuổi bà Bộ mới lập gia đình, nhưng chỉ 2 năm sau là đã ly hôn.

Cùng lúc đó, người em gái là Mang Thị Bích Hoa cũng vỡ lở chuyện chồng con, bà Bộ bảo em về ở với mình cho có chị có em. Khi chia tay chồng, cả 2 chị em bà Bộ đều chưa có con, nên nương tựa vào nhau mà sống.

09-49-17_2
Bà Mang Thị Bích Hoa đảm đương việc nhà để bà Bộ có thời gian đan áo

Bà Bộ là người phụ nữ năng động, giỏi giang, cả làng chài Hải Nam ai cũng biết. Khi cô em gái về sống cùng, bà Bộ chia việc rõ ràng để ai cũng không thấy rảnh tay rảnh chân, mà buồn. Khi ấy, trong chuồng heo nhà bà Bộ luôn thường trực 16 con heo lứa.

Không có tiền đầu tư cùng lúc, bà nuôi theo kiểu “cuốn chiếu”, cách 2 tháng mua thả vào 4 heo giống. Bán heo lớn, lấy tiền chi tiêu trong gia đình và tiếp tục chăm sóc lứa heo tiếp theo, cứ thế xoay vòng quanh năm. Ban ngày, em đi khắp xóm xin nước cơm về nấu cám heo, chị cho heo ăn xong ra chợ mua trứng vịt lộn về luộc, tối bán.

Hồi ấy, mỗi ngày đêm 2 chị em bà Bộ bán đến 500 trứng vịt lộn và 10 lít rượu nếp. Đến mùa trăng, tàu bè cập bờ nhiều, ngư dân chia tiền chuyến biển, bán còn được nhiều hơn.

Dù không có con cái giúp đỡ nhưng nhờ cố gắng làm ăn dành dụm, năm 1988 hai chị em bà Bộ xây được căn nhà tô đá rửa khang trang, dân làng ai cũng nể phục. “Hai chị em tôi duy trì suốt nghề nuôi heo, mới nghỉ 1 năm nay vì tuổi đã già, không còn sức đi xách nước cơm và chăm sóc chúng. Đang làm lụng cả ngày không hết việc giờ bỗng ở không thấy cũng buồn.

09-49-17_1
Bà Bộ ngày ngày miệt mài với cặp que đan áo ấm gửi tặng chiến sĩ Trường Sa

Xem tivi thấy mấy anh lính đóng quân ở đảo Trường Sa phải đối mặt với sóng gió, tôi nghĩ đến mùa mưa bão sẽ lạnh lắm. Mình ở trong bờ chăn êm nệm ấm, tôi nghĩ đến chuyện đan áo ấm gửi tặng các chiến sĩ ở đảo Trường Sa, xem như chút tình người hậu phương gửi ra tiền tuyến vậy", bà Bộ chia sẻ.

Còn sức khỏe còn đan

Nghe bà Bộ đề cập đến chuyện đan áo, tôi mừng rơn, nối tiếp ngay câu chuyện: “Già cả rồi, làm gì ra tiền mà bác mua len đan áo tặng cho các chiến sĩ?”.

Bà Bộ cười rất tươi: “Không có thì mình xin chớ. Tôi đi khắp làng, khắp xã, đến từng nhà xin ủng hộ. Khi xin, tôi nói rõ là tiền mua len đan được 1 cái áo mất 100 ngàn đồng, công đan tôi chịu. Ai ủng hộ 100 ngàn đồng kể như đã ủng hộ 1 áo len.

09-49-17_4
Bà Bộ trao 30 áo ấm cho Hội Phụ nữ xã Nhơn Hải nhờ chuyển tặng các chiến sĩ Trường Sa

Tháng Giêng năm vừa rồi bà con trong làng ủng hộ được 2 triệu đồng. Chị em tôi ủng hộ thêm vào, rồi làm đến đâu vận động thêm đến đó, từ đó đến nay tôi đan được 30 áo, mỗi áo trị giá 300 ngàn đồng. Số áo này tôi vừa mang lên nộp cho Hội Phụ nữ xã Nhơn Hải, nhờ họ chuyển dùm lên cấp trên và tìm cách chuyển ra đảo Trường Sa tặng cho các chiến sĩ”.

“Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục đi vận động sự hỗ trợ của các cá nhân, tổ chức để lấy tiền mua len, mua chỉ và tiếp tục đan áo ấm gửi tặng các chiến sĩ Trường Sa. Còn sức khỏe, tôi sẽ còn cầm que đan.
Tôi ước mong đến khi không còn sức đan tôi đã kịp đan tặng mỗi chiến sĩ ở đảo Trường Sa mỗi người 1 chiếc áo. Mỗi chiếc áo tôi đan là mỗi lời gửi gắm các chiến sĩ thêm vững lòng thực hiện nhiệm vụ giữ gìn vùng biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc”, bà Mang Thị Bộ tâm sự.

Trò chuyện thêm hồi lâu, chúng tôi được biết thêm chuyện đan áo ấm của bà Bộ không phải suôn sẻ gì. Tuổi già, bà phát bệnh đau thắt ngang lưng và đau khớp, không thể ngồi dưới đất làm được, cả ngày phải đong đưa trên võng để đan áo. Nếu đan ròng rã thì chỉ khoảng 7 ngày là xong 1 chiếc áo, nhưng vì sức khỏe không cho phép nên phải 10 ngày, nửa tháng bà mới đan xong 1 chiếc. 

Để có thời gian ngồi đan áo, bà Bộ “phân công” cho bà Hoa lo việc chợ búa, nấu cơm. Không nạnh hẹ với bà chị, bà Hoa rất vui vẻ đảm đương mọi việc nhà để chị mình yên tâm ngồi đan áo.

Bà Hoa với nụ cười tươi tắn, tâm sự: “Việc làm của chị có ý nghĩa, tôi rất ủng hộ, nhưng do không biết đan nên tôi lo hết việc nhà để chị ấy toàn tâm với công việc. Năm 1978, chị tôi đi TNXP ở chiến trường Campuchia nên hình như cái chất lính ngày ấy vẫn còn trong người chị, rất dứt khoát, đã nghĩ là làm, đã làm là làm cho tới”.

Khi chúng tôi nêu thắc mắc là cả 2 chị em đều đã già, không còn lao động, mua bán gì được, không có con cháu giúp đỡ, vậy thì lấy tiền đâu để lo cho cuộc sống hàng ngày mà có thời gian đan áo?

Bà Bộ trút lòng: “Sau khi xây dựng căn nhà, đến khi thôi không nuôi heo nữa 2 chị em tôi dành dụm được 30 triệu đồng. Số tiền này hiện giờ tôi đưa cho 1 hộ nuôi tôm hùm trong làng vay làm vốn, mỗi tháng họ đưa 900 ngàn tiền lời. 

Già cả rồi ăn uống chẳng bao nhiêu, số tiền này chi tiêu dè sẻn cũng đủ. Vừa rồi tôi được nhận tiền hỗ trợ những người lính phục vụ chiến trường Campuchia được 2,5 triệu đồng, tôi dùng 1 ít trong khoản này “hùn” vào tiền ủng hộ của bà con để đủ hoàn thành 30 chiếc áo”.

Bà Huyền Nga, Chủ tịch Hội Phụ nữ xã Nhơn Hải, cho hay: Nghĩa cử của bà Mang Thị Bộ đã làm dấy lên ý thức hướng về biển đảo của người dân địa phương. “Tuy người dân làng chài không có thời gian ngồi đan áo như bà Bộ, nhưng qua việc làm đầy ý nghĩa của bà, chúng tôi tin là việc kêu gọi ủng hộ kinh phí để mua len đan áo ấm tặng cho chiến sĩ Trường Sa trong thời gian sau này chắc chắn sẽ được thuận lợi hơn”, bà Nga chia sẻ.

Xem thêm
Nước sạch đổi màu, dân nghi ngờ chất lượng, công ty nói xả cặn

Trà Vinh Nhiều hộ dân cho biết nước sinh hoạt thường xuyên đổi màu, trong khi đại diện công ty cấp nước khẳng định nguyên nhân là do quá trình xả cặn định kỳ đường ống.

Bình luận mới nhất