| Hotline: 0983.970.780

Con gái 11 tuổi luôn sợ hãi mỗi ngày

Thứ Năm 23/12/2021 , 07:48 (GMT+7)

Delta đổ về các tỉnh miền Tây, vợ chồng cháu tiêm cấp tập 2 mũi. Bắt đầu nỗi sợ ở con gái cháu. Nó 11 tuổi mà luôn sợ hãi cô ơi, tội nghiệp lắm.

Cô kính mến!

Con gái của chúng cháu năm nay học lớp 6, 11 tuổi. Dù là cháu đã dậy thì, đã biết vệ sinh cá nhân khi đến ngày đến tháng, thế nhưng nó đổi hẳn tâm tính. Nhất là cả năm ngoái và năm nay cháu phải học online suốt.

Đầu tiên nó như mọi đứa tuổi tiểu học, vùng vằng ghê gớm khi bị bó chân ở nhà. Đó là năm ngoái, học kỳ 2 của lớp 5. Lúc ấy nó mới thấy kinh nguyệt, cháu đến khổ vì tâm lý của con khi ở giai đoạn bản lề đó. Ấy là lúc con người nhạy cảm với thay đổi của cơ thể mình mà lại bị quay cuồng với kiểu học online chưa từng trải qua trong khi tin tức về dịch bệnh dồn dập mỗi ngày.

May là hè đến, lên cấp 2 và cuối năm cũng có Tết, rồi có ngày 30 tháng 4. Vợ chồng cháu cho con đi du lịch một chuyến ở Phú Quốc, cũng đáng. Không ngờ, sau đó thì Delta đùng đùng kéo tới, cô ơi, khi đó ở tỉnh của cháu bình an, dân mừng lắm. Nhưng trẻ con vẫn phải học online hoài. Con của cháu dần thấy quen, không muốn nhao ra đường ăn vặt hay chơi với trẻ con hàng xóm nữa.

Rồi Delta cũng đổ về các tỉnh miền Tây qua con đường dân tháo chạy về quê. Vợ chồng cháu được tiêm cấp tập 2 mũi. Bắt đầu nỗi sợ ở con gái cháu. Nó 11 tuổi mà luôn sợ hãi cô ơi, tội nghiệp lắm. Nó biết nó không bao giờ được tiêm, với lại biết khi tiêm thì sống mà cũng có thể sốc chết nên nó sợ mỗi ngày đó cô.

Bây giờ rủ nó ra ngoài đi ăn hay đi dạo rất khó. Nhà có bà con tới, nó nghe thấy là chạy vô phòng, đóng cửa tránh xa. Không cách gì thuyết phục nó bình thường được nữa. Không thể nào đó cô. Học, rút trong phòng, cửa sổ cũng không dám mở hết vì sợ hàng xóm hai bên, cửa ban công trên lầu của phòng nó thì thôi rồi, chốt cứng, vì vậy mà gió không đối lưu được với ban công ngoài thông với phòng ba mẹ. Có vấn đề kỳ cục về tâm lý với con gái của cháu không cô?

----------------------

Cháu thân mến!

Thực ra, trẻ con cũng như con người nói chung, có vô vàn biểu hiện tâm lý khác nhau từ một thực trạng. Nếu chiến tranh thì có em bé gan dạ, cũng có em bé nhút nhát hoảng loạn. Đại dịch thì giông giống chiến tranh, có người lo sợ đến sinh tâm bệnh, cũng có người an nhiên, kệ, ai sao mình vậy.

Với người nhạy cảm như con gái cháu là phải luôn để mắt đến yếu tố tâm lý của nó nhé. Năm ngoái khác, học online nhưng tiểu học nhẹ nhàng, dù sao cũng kết thúc lớp 5 và lên lớp 6, không cần cố gắng lắm. Nay học kỳ 1 của cấp 2, cách học khác, giáo khoa khác, áp lực khác, nó sốc bởi áp lực của sự khác ấy.

Đã vậy, chuyện Delta của Covid đã gây ra sự hoảng loạn khủng khiếp cho cả nước, nhất là Sài Gòn. Hơn cả chiến tranh vì tin tức về cái chết mỗi ngày và vì mọi người chết đều thê thảm và đơn độc kỳ quặc từ khi vào bệnh viện cho đến khi đi ra chỗ hỏa táng. Trẻ con nó tinh khôi và mong manh, những chuyện ấy, những hình ảnh ấy dù ở Sài Gòn, dù xa nó hàng trăm cây số hoặc xa hơn nhưng thời buổi thông tin và số hóa hôm nay, không gì chậm chạp và xa lạ cả.

Có sự tổn thương ở trẻ mà chúng ta không nhận biết hết. Chúng ta còn bận với vết thương tâm lý của mình và sinh kế sinh nhai trong dịch rồi sau dịch. Ai cũng biết trẻ con là thành phần bó buộc đau khổ nhất trong 2 năm qua nhưng làm gì để nhẹ đỡ cho chúng, thực sự chúng ta không làm nổi. Việc sợ lây nhiễm và sợ chết khi tiêm là có thật ở trẻ từ khi bắt đầu tiêm cho trẻ và số tử vong tăng lên. Tội chúng quá.

Người già thấy sống đủ rồi, sao cũng được. Nhưng trẻ con bé tí vô lo không nói, trẻ đang dậy thì, sắp bắt đầu thiếu nữ, trẻ lo sợ nhiều hơn ta tưởng đấy nhé. Dù sao cũng phải nói chuyện, phân tích, thấu đáo để trẻ sống trong nhà, sống trong phòng tiện nghi mà vẫn biết nên như thế nào để vui sống, để tự nhiên sống.

Không phải con của cháu khác biệt mà nó sợ một cách không phức tạp như cháu lo lắng. Sợ một cách dễ thương, thế thôi. Vậy nên chỉ có cách là luôn gần gũi con khi có thể, trò chuyện những việc khác chứ đừng chỉ chăm chăm vào mỗi chuyện dịch bệnh, những con số và chết chóc. Để giúp nó tự cứng cáp lên bằng liều thuốc tinh thần của chan hòa, tự tin, vui tươi và lạc quan rằng năm 2022 tai họa sẽ qua, mọi việc rồi sẽ tươi sáng như xưa. 

Xem thêm
Cẩn trọng với thông tin ăn nhiều thịt gà có thể tăng nguy cơ ung thư

Các nhà phản biện cho rằng, cần phân biệt thịt gia cầm tươi và sản phẩm chế biến, đồng thời chỉ rõ phương pháp nấu nướng trong khảo sát.

Văn hóa doanh nhân không thể chấp nhận các kiểu khôn vặt

Văn hóa doanh nhân ngày càng được xem trọng trong đời sống xã hội, vì quan hệ giữa người bán và người mua luôn ràng buộc lợi ích và trách nhiệm với nhau.

Thân phận gái nghèo chọn chồng cùng cảnh ngộ

Thân phận gái nghèo luôn mang nhiều mặc cảm và âu lo thường ngày, cho nên khi bước vào hôn nhân cũng có những dằn vặt xót xa ít ai đồng cảm.

TP.HCM thêm một bệnh viện nhận chứng nhận Vàng đột quỵ thế giới

Ngày 10/5, Hội Đột quỵ Thế giới (WSO) trao chứng nhận Vàng trong hai quý liên tiếp năm 2025 cho Bệnh viện Hoàn Mỹ Sài Gòn.

Những điều người bệnh đái tháo đường cần lưu ý để phòng ngừa biến chứng

Bệnh đái tháo đường đang tăng nhanh, đặc biệt tại các nước khu vực châu Á, trong đó có Việt Nam. Bệnh có nhiều biến chứng nguy hiểm, tỷ lệ tử vong cao.

117 gian hàng kết nối tinh hoa đông y Việt Nam và quốc tế

Với 117 gian hàng là cơ hội để khách tham quan gặp gỡ chuyên gia, tìm hiểu sâu về giá trị của y học cổ truyền, khám phá giải pháp giúp sức khỏe lành mạnh.

Đọc nhiều nhất