Theo Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai, từ năm 2022 đến nay, vào thời điểm giữa năm, đặc biệt trong các tháng 6-7/2025, cá voi Bryde (Balaenoptera edeni), một trong những loài thú biển quý hiếm liên tục xuất hiện tại nhiều vùng biển ven bờ tỉnh Gia Lai, như: Vùng biển Đề Gi (xã Đề Gi); vùng biển Xuân Thạnh (xã Phù Mỹ Đông); Vũng Bồi (xã An Lương); Hòn Sẹo, Hòn Cỏ, Hòn Khô Lớn (phường Quy Nhơn Đông), Mũi Gành (phường Hoài Nhơn Đông)... Điều này cho thấy môi trường và hệ sinh thái biển ở Gia Lai đang dần phục hồi với nguồn thức ăn dồi dào, phù hợp với tập tính kiếm ăn của loài cá voi Bryde.

Trong 5 năm gần đây, cá voi Bryde thường xuyên xuất hiện trên vùng biển Gia Lai. Ảnh: NDCC.
Cá voi Bryde là loài thú biển thuộc họ cá voi lưng gù (Balaenopteridae) thuộc phụ lục I, danh mục các loài động vật, thực vật hoang dã quy định trong các Phụ lục của Công ước CITES về buôn bán quốc tế các loài động vật, thực vật hoang dã nguy cấp, được ban hành kèm theo Thông tư số 4/2017/TT-BNNPTNT ngày 24/2/2017 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (nay là Bộ Nông nghiệp và Môi trường); là loài thuộc nhóm I, danh mục các loài thủy sản nguy cấp, quý hiếm được ban hành theo Nghị định số 26/2019/NĐ-CP ngày 8/3/2019 của Chính phủ.
Cá voi Bryde có đặc điểm nổi bật là ba đường gờ chạy trên đỉnh đầu phía trước lỗ thở và có từ 40-70 nếp gấp ở vùng cổ họng giúp chúng mở rộng miệng khi kiếm ăn. Cá voi Bryde có tập tính sống đơn độc, tuy nhiên, đôi khi chúng vẫn xuất hiện theo cặp, hoặc thành nhóm gia đình, nhất là trong giai đoạn nuôi con. Thời gian mang thai của loài này kéo dài từ 10 đến 12 tháng, nuôi con khoảng 12 tháng. Trong 6 tháng đầu cá voi con hoàn toàn sống nhờ sữa mẹ.
Loài cá voi Bryde sống gần bờ, thường xuyên xuất hiện ở các vùng biển tại Việt Nam, Trung Quốc, Thái Lan, đặc biệt quanh Vịnh Thái Lan. Tại Việt Nam, cá voi Bryde được ghi nhận tại nhiều tỉnh Nam Trung Bộ và Nam Bộ. Riêng tại Gia Lai, tần suất xuất hiện ngày càng dày trong 5 năm gần đây.

Cá voi Bryde có từ 40-70 nếp gấp ở vùng cổ họng giúp chúng mở rộng miệng khi kiếm ăn. Ảnh: ND.
Theo ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai, việc các loài động vật biển lớn như cá voi lựa chọn một vùng biển làm điểm đến không phải là ngẫu nhiên, mà là kết quả của sự thích nghi lâu dài dựa trên điều kiện môi trường thuận lợi.
“Đây là cơ hội để Gia Lai khẳng định vai trò là địa phương đi đầu trong việc hài hòa giữa phát triển kinh tế biển và bảo tồn đa dạng sinh học, biến sự hiện diện của cá voi thành biểu tượng sinh thái có giá trị bền vững cho tương lai khu vực”, ông Khánh chia sẻ.

Cá voi Bryde thu hút chim biển khi cá săn mồi. Ảnh: DN.
Cũng theo ông Khánh, thời gian qua, sự xuất hiện tàu du lịch, ca nô, các tàu cá tiếp cận quá gần cá voi; đáng quan ngại là một số tour du lịch tự phát đưa khách đi xem cá voi, chụp ảnh... có thể khiến cá voi căng thẳng, bỏ đi, thậm chí bị mắc cạn.
“Cá voi là loài sử dụng hạ âm (âm thanh dưới 20 Hz, truyền đi rất xa trong môi trường nước biển) để định hướng và giao tiếp, nên tiếng nổ của động cơ tàu du lịch, ca nô, tàu cá có thể làm ảnh hưởng đến cuộc sống của chúng. Việc các phương tiện tiếp cận quá gần khiến nguy cơ xảy ra va chạm, chỉ một va chạm nhẹ cũng có thể gây chấn thương nghiêm trọng”, ông Khánh cho biết.
Đặc biệt, tập tính “ăn dựng” của loài cá này khiến chúng dễ nuốt phải túi ni lông, rác thải nhựa. Do đó, để bảo vệ, bảo tồn loài thú biển quý hiếm này, Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai vừa ban hành văn bản số 102/SNNMT-TS gửi Sở Văn hóa,Thể thao và Du lịch Gia Lai, Hiệp hội Du lịch đề nghị tăng cường tuyên truyền, phổ biến quy tắc tiếp cận cá voi trong hoạt động du lịch; Hướng dẫn các tổ chức, cá nhân hoạt động các tour xem cá voi phải giữ khoảng cách tối thiểu 100m, không tiếp cận phía trước đầu hoặc phía sau đuôi cá. Hạn chế tốc độ, tốt nhất là tắt động cơ khi tiếp cận khu vực có cá voi đồng thời không có quá 3 tàu hoạt động trong khu vực có cá voi.
“Chúng tôi đề nghị ngành du lịch phối hợp giám sát hoạt động của tàu du lịch, tàu dịch vụ nhằm đảm bảo không gây ảnh hưởng đến loài thủy sản quý hiếm này, góp phần nâng cao nhận thức và trách nhiệm cộng đồng. Đề nghị ngành thủy sản tăng cường công tác tuyên truyền, vận động ngư dân và chủ tàu cá chấp hành nghiêm các quy định về bảo vệ môi trường, nguồn lợi thủy sản, không xả rác thải nhựa ra biển, đặc biệt là trong khu vực có cá voi xuất hiện”, ông Trần Quốc Khánh, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Môi trường Gia Lai cho hay.