| Hotline: 0983.970.780

245 khu vực cấm hoạt động khoáng sản ở Bình Thuận

Thứ Tư 05/03/2025 , 11:32 (GMT+7)

Tỉnh Bình Thuận đã ban hành phương án bảo vệ và quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác, đồng thời xử lý triệt để tình trạng khai thác khoáng sản trái phép.

Khởi tố nhiều vụ khai thác khoáng sản

Bình Thuận là tỉnh có nguồn tài nguyên khoáng sản phong phú và đa dạng. Theo kết quả điều tra địa chất, thăm dò khoáng sản trên địa bàn tỉnh này cho thấy các loại khoáng sản có tiềm năng như: Quặng sa khoáng titan, cát trắng thạch anh, wofram, đá ốp lát, sét bentonit, nước khoáng và khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường: Đá, đất, cát, sỏi, sét phân bố rộng trên địa bàn tỉnh.

Bình Thuận có nhiều tiềm năng trong khai thác khoáng sản. Ảnh: NT.

Bình Thuận có nhiều tiềm năng trong khai thác khoáng sản. Ảnh: NT.

Theo UBND tỉnh Bình Thuận, từ khi Luật Khoáng sản năm 2010 có hiệu lực (ngày 1/7/2011) đến tháng 11/2024, UBND tỉnh đã ban hành 91 quyết định công nhận kết quả trúng đấu giá quyền khai thác khoáng sản, trong đó 45 khu vực vật liệu san lấp, 31 khu vực cát xây dựng, 8 khu vực đá xây dựng và 7 khu vực sét gạch ngói.

Cùng với đó, tỉnh cấp 108 giấy phép thăm dò khoáng sản, trong đó 62 vật liệu san lấp, 33 cát xây dựng, 8 đá xây dựng và 5 sét gạch ngói. Ngoài ra, cấp 101 giấy phép khai thác khoáng sản trong đó 62 vật liệu san lấp, 33 cát xây dựng, 8 đá xây dựng và 5 sét gạch ngói.

Hiện nay, 93 giấy phép khai thác khoáng sản do UBND tỉnh cấp còn hiệu lực gồm: 22 giấy phép khai thác đá xây dựng, 21 cát xây dựng, 18 sét gạch ngói, 32 vật liệu san lấp. Có 14 giấy phép khai thác khoáng sản do Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp còn hiệu lực gồm 2 sét bentonie, 2 cát thạch anh, 6 titan zircon, 1 đá ốp lát và 3 nước khoáng.

Thời gian qua, công tác quản lý Nhà nước về lĩnh vực khoáng sản đã được các cấp, các ngành quan tâm triển khai thực hiện nghiêm túc; hoạt động thăm dò, khai thác khoáng sản ngày càng được quản lý chặt chẽ, dần đi vào nề nếp.

Tuy nhiên bên cạnh kết quả đạt được, hoạt động khai thác khoáng sản trái phép đối với khoáng sản vật liệu xây dựng thông thường ở một số nơi chưa được các ngành, các cấp và chính quyền địa phương vào cuộc quyết liệt trong công tác bảo vệ khoáng sản, nhất là thời điểm trong năm 2023 và đầu năm 2024 để dư luận và báo chí thường xuyên phản ánh.

Từ đầu năm 2023 đến giữa năm 2024, ngoài nhiều trường hợp xử lý hành chính của các cơ quan chức năng, Công an tỉnh đã đưa vào giải quyết hơn 10 tin báo về tội “Vi phạm quy định về khai thác tài nguyên” theo Điều 227 Bộ Luật hình sự. Trong đó kết thúc điều tra, cơ quan chức năng đã đề nghị truy tố 2 vụ án với 3 bị can. Hiện cơ quan chức năng đang điều tra 2 vụ và giải quyết các tin báo còn lại xảy ra tại các huyện Tánh Linh, Hàm Tân, Hàm Thuận Nam và Hàm Thuận Bắc.

Đặc biệt, sau khi Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an huyện Hàm Tân đã khởi tố vụ án, khởi tố bị can để điều tra về các hành vi vi phạm liên quan đến hoạt động khoáng sản trái phép tại địa bàn xã Sơn Mỹ, huyện Hàm Tân; bước đầu lấy lại niềm tin của nhân dân.

Bảo vệ khoáng sản chưa khai thác

Mới đây UBND tỉnh Bình Thuận ban hành Quyết định số 383 về phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn tỉnh.

Bình Thuận sẽ quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác. Ảnh: NT.

Bình Thuận sẽ quản lý chặt chẽ khoáng sản chưa khai thác. Ảnh: NT.

Việc ban hành phương án trên của tỉnh Bình Thuận nhằm làm rõ nhiệm vụ và trách nhiệm của các cấp, các ngành đối với việc bảo vệ khoáng sản chưa khai thác; ngăn chặn, xử lý các hoạt động khai thác khoáng sản trái phép, bảo vệ môi trường, đảm bảo an ninh trật tự trong khu vực; tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước trong lĩnh vực tài nguyên khoáng sản. Đồng thời cụ thể hóa quy định hiện hành công tác bảo vệ khoáng sản chưa khai thác theo Điều 16, 17, 18 Luật Khoáng sản năm 2010 và Điều 17, 18 Nghị định số 158/2016/NĐ-CP ngày 29/11/2016 của Chính phủ; phù hợp tình hình thực tế tại địa phương.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, quy hoạch tỉnh Bình Thuận thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1701 ngày 27/12/2023, tỉnh này có 343 khu vực khoáng sản làm vật liệu xây dựng với tổng diện tích trên 4.512 ha (đã bao gồm các khu vực đã được cấp giấy phép khai thác khoáng sản còn hiệu lực) gồm: 65 khu vực đá xây dựng với diện tích khoảng hơn 1.172 ha; 103 khu vực cát xây dựng với diện tích khoảng trên 1.333 ha; 32 khu vực sét gạch ngói với diện tích khoảng 700 ha và 143 khu vực vật liệu san lấp với diện tích trên 1306 ha.

Ngày 5/10/2016, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định số 2897 phê duyệt 245 khu vực cấm hoạt động khoáng sản với tổng diện tích 245.491 ha về các lĩnh vực rừng phòng hộ, rừng đặc dụng, an ninh quốc phòng, di tích lịch sử, thủy lợi.

Ngày 1/11/2023, Thủ tướng Chính phủ phê duyệt các khu vực dự trữ khoáng sản quốc gia, tỉnh Bình Thuận có 12 khu vực đưa vào dự trữ khoáng sản quốc gia (khoáng sản dự trữ quặng sa khoáng titan) với tổng diện tích 55.887 ha có thời hạn 30, 50, 70 năm.

Vì vậy, để triển khai hiệu quả phương án bảo vệ khoáng sản chưa khai thác trên địa bàn, UBND tỉnh Bình Thuận giao trách nhiệm cụ thể các sở, ban ngành và các địa phương.

Trong đó, Sở Nông nghiệp và Môi trường chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan tham mưu UBND tỉnh thực hiện công tác kiểm tra, xử lý hoạt động khoáng sản trái phép khi tiếp nhận thông tin từ cơ quan thông tấn báo chí, các tổ chức và cá nhân phản ánh, kiến nghị, đảm bảo hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý khoáng sản.

Đôn đốc, chỉ đạo và kiểm tra các địa phương  thực hiện nhiệm vụ bảo vệ khoáng sản chưa khai thác thuộc địa bàn quản lý. Phối hợp với Sở Nội vụ và các cơ quan có liên quan làm rõ trách nhiệm và xử lý theo quy định đối với người đứng đầu chính quyền địa phương nếu để xảy ra sai phạm.

Ngoài ra, tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp giấy phép hoạt động khoáng sản về trách nhiệm bảo vệ khoáng sản tại khu vực mỏ được cấp phép, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm, nếu tái phạm tham mưu UBND tỉnh thu hồi giấy phép theo quy định…

Xem thêm
Đề xuất dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa ĐBSCL để đào hồ trữ nước

Kiên Giang Nếu dành từ 3-5% tổng diện tích trồng lúa để đào hồ, có thể tích trữ được 1,1 - 1,82 tỷ m3 nước, giúp ĐBSCL ứng phó hiệu quả với hạn hán, xâm nhập mặn.

Nghiên cứu sản phẩm quốc gia cho kinh tế biển

Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Môi trường Phùng Đức Tiến nhấn mạnh điều này tại buổi làm việc với Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo ngày 2/4.